Ngày 07/7/2014, Bộ Công Thương tiến hành tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, định hướng phát triển ngành công nghiệp Việt Nam sẽ gắn với tăng trưởng bền vững. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã chủ trì Hội nghị.


Đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII đã xác định "Chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Nội dung này tiếp tục được khẳng định tại các kỳ Đại hội lần thứ VIII, IX, X và XI của Đảng. Vì vậy, để đánh giá quá trình phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn vừa qua và định hướng phát triển công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương xây dựng chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cho Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai nghiên cứu, đánh giá tình hình phát triển công nghiệp trong những năm qua và xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau một thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, Viện đã hoàn thành các bản dự thảo để báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương. Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã tổ chức hai cuộc họp để nghe báo cáo và cho ý kiến về các dự thảo này để các cơ quan tiếp thu và hoàn thiện dự thảo.


Bộ Công Thương đã tiến hành tổ chức nhiều cuộc hội thảo cũng như gửi văn bản chính thức đến các Bộ, ngành, các đơn vị có liên quan để xin ý kiến. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã tiếp thu, chỉnh sửa và trình Thủ tướng Chính phủ các dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 và Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và sự phối hợp rất tích cực và hiệu quả của Văn phòng Chính phủ, sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học, các Bộ, ngành, Bộ Công Thương đã tiếp thu hoàn thiện bản dự thảo Chiến lược, Quy hoạch và ngày 9/6/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 879/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quyết định số 880/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tại các Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ những mục tiêu mà toàn ngành Công Thương phải nỗ lực phấn đấu để đạt được trong giai đoạn từ nay đến 2020 và những năm tiếp theo. Thủ tướng Chính phủ cũng xác định những lĩnh vực, ngành công nghiệp cần ưu tiên phát triển và các biện pháp để triển khai thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Công Thương, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong việc triển khai thực hiện Chiến lược và Quy hoạch.



Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nhấn mạnh: “Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với toàn ngành Công Thương. Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của ngành Công Thương, chúng ta có một bản Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những định hướng chỉ đạo cụ thể nhằm giúp ngành Công Thương hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.


Ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương đã trình bày tóm tắt những nội dung chính của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, quan điểm phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam tập trung chủ yếu vào các nội dung: Phát triển công nghiệp tập trung vào một số ngành công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Khuyến khích phát triển dân doanh, đầu tư nước ngoài; thúc đẩy phát triển bền vững khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp là điều kiện quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển công nghiệp theo các chuẩn mực về môi trường, tiến tới công nghệ xanh giai đoạn sau năm 2020.



Mục tiêu phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
 

Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 6,5-7,0%/năm và giai đoạn 2021-2030 đạt 7,5-8,0%/năm.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 12,5-13,0%/năm và giai đoạn 2021-2030 đạt 11,0-12%/năm.
Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP chiếm 42-43% và năm 2030 chiếm 43-45%.
Đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 85-90% giá trị sản xuất công nghiệp; giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% tổng GDP; năm 2030 các tỷ lệ tương ứng là 90-92% và trên 50%.
Hệ số đàn hồi năng lượng/GDP năm 2015 đạt: 1,5; năm 2020 đạt: 1,0 và sau năm 2020 đạt < 1,0.
Tỷ lệ phát thải khí nhà kính ngành công nghiệp gia tăng bình quân trong khoảng từ 4 - 4,5%/năm.


Bên cạnh đó, Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam sẽ tập trung vào các định hướng: Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao. Phát triển các ngành công nghiệp nền tảng để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển tiêp theo. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, hướng đến sản xuất một số sản phẩm có thương hiệu tham gia vào chuỗi xuất khẩu trọng điểm của cả nước. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành sự phân công sản xuất, liên kết, hợp tác tham gia chế tạo trong từng công đoạn sản phẩm. Thực hiện phân bố không gian công nghiệp phù hợp nhằm phát huy lợi thế so sánh của các vùng, miền và tạo điều kiện liên kết có hiệu quả.

Sẽ quy hoạch 10 ngành công nghiệp

Cũng theo Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp, sẽ có 10 ngành được tập trung xây dựng lại là cơ khí - luyện kim; hóa chất; điện tử, công nghệ thông tin; dệt may - da giày; chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản; điện; than; dầu khí.

Đối với ngành Cơ khí - luyện kim sẽ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành Cơ khí - luyện kim giai đoạn đến năm 2020 đạt 15-16%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 14-15%. Năm 2020 tỷ trọng ngành Cơ khí - luyện kim chiếm 20-21% và năm 2030 chiếm 22-24% trong cơ cấu ngành công nghiêp. Năm 2020 ngành Cơ khí - luyện kim đáp ứng 45-50% nhu cầu thị trường trong nước và năm 2030 đáp ứng đến 60%.

Ngành Hóa chất, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành Hóa chất giai đoạn đến năm 2020 đạt 14- 16%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 11 - 13%. Năm 2020 tỷ trọng ngành Hóa chất chiếm 13-14% và năm 2030 chiếm 14-15% trong cơ cấu ngành công nghiệp. Năm 2020 ngành Hóa chất đáp ứn g 75-80% nhu cầu thị trường trong nước và năm 2030 đáp ứng 85- 90%.

Ngành Điện tử, Công nghệ thông tin, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 17-18%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 19-21%. Năm 2020 tỷ trọng ngành Điện tử, Công nghệ thông tin chiếm 9-10% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng 65-70% nhu cầu thị trường; năm 2030 chiếm tỷ trọng 12 - 13% và đáp ứng 75- 80% nhu cầu.

Ngành Dệt may - da giày, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành Dệt may - da giày giai đoạn đến năm 2020 đạt 10-12%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 8-9%. Năm 2020 tỷ trọng ngành Dệt may - da giày chiếm 10-12% trong cơ cấu ngành công nghiệp đáp ứng 90 - 95% nhu cầu thị trường; năm 2030 chiếm tỷ trọng 7-8% và đáp ứng 100% nhu cầu.

Ngành chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống giai đoạn đến năm 2020 đạt 9-10%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 8-9%. Năm 2020 tỷ trọng ngành chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống chiếm 25-27% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng 80-85% nhu cầu thị trường; năm 2030 chiếm tỷ trọng 21 - 23% và đáp ứng 90 - 95% nhu cầu.

Ngành sản xuất vật liệu xây dựng, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành sản xuất vật liệu xây dựng giai đoạn đến năm 2020 đạt 8-9% và giai đoạn đến năm 2030 đạt 6-7%. Năm 2020 tỷ trọng ngành sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 5-6% và năm 2030 chiếm 4-5% trong cơ cấu ngành công nghiêp; đáp ứng khoảng 90% nhu cầu thị trường trong nước về các sản phẩm xây dựng thông thường; năm 2030 đáp ứng 95-100%.

Ngành khai thác và chế biến khoáng sản, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành khai thác và chế biến khoáng sản giai đoạn đến năm 2020 đạt 7-8%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 6-7%. Năm 2020 tỷ trọng ngành khai thác và chế biến khoáng sản chiếm 1-2% trong cơ cấu ngành công nghiêp và đáp ứng 65-70% nhu cầu thị trường; năm 2030 chiếm tỷ trọng 0,5% - 1,0% và đáp ứng 75 - 80% nhu cầu.

Ngành Điện, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành điện giai đoạn đến năm 2020 đạt 13-14% và giai đoạn đến năm 2030 đạt 10-12%. Năm 2020 tỷ trọng ngành điện chiếm 4-5% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng 85-90% nhu cầu thị trường; năm 2030 chiếm tỷ trọng 5 - 6% và đáp ứng 95 -100% nhu cầu.

Ngành Than, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành than giai đoạn đến năm 2020 đạt 9-10% và giai đoạn đến năm 2030 đạt 7-9%. Năm 2020 tỷ trọng ngành than trong cơ cấu ngành công nghiệp từ 1-2%, đáp ứng 80-85% nhu cầu thị trường, năm 2030 chiếm tỷ trọng từ 0,5-1,5% trong cơ cấu ngành công nghiệp, đáp ứng 75-80% thị trường.

Ngành Dầu khí, giai đoạn đến năm 2015, phấn đấu doanh thu dịch vụ kỹ thuật dầu khí đạt tốc độ tăng trưởng 15-20%/năm; giai đoạn 2016 - 2025 đạt tốc độ tăng trưởng 20 - 25%/năm. Năm 2020 tỷ trọng khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên chiếm 4-5% trong cơ cấu nganh công nghiêp và đáp ứng 70-80% nhu cầu thị trường; năm 2030 chiếm tỷ trọng 5-6% và đáp ứng 80-90% nhu cầu.

Phát triển công nghiệp gắn với tăng trưởng bền vững

Bản quy hoạch cũng đưa ra nhiều giải pháp ngắn hạn và giải pháp dài hạn để phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Về giải pháp ngắn hạn, tăng cường công tác điều phối phát triển theo ngành, vùng và lãnh thổ, nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành nhằm liên kết có hiệu quả giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp. Phân cấp hợp lý trong quản lý Nhà nước về công nghiệp; duy trì tập trung hóa đối với một số lĩnh vực quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ và đẩy mạnh phi tập trung hóa trong quản lý để nâng cao hiệu quả thể chế và quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển công nghiệp. Tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, chú trọng phát triển công nghiệp gắn với tăng trưởng bền vững.

Thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án kỹ thuật cao, các dự án thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm xuất khẩu, đồng thời với việc tạo lập thương hiệu sản phẩm công nghiệp.

Tập trung đầu tư hình thành khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nông nghiệp, khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học, các khu công nghiệp hỗ trợ và phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nước chưa có điều kiện phát triển như điện hạt nhân, sản xuất linh kiện điện tử.

Điều chỉnh quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phù hợp với điều kiện và yêu cầu mới, gắn với yêu cầu thị trường, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ người lao động, đổi mới sản phẩm và tăng cường quản lý chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, trên cơ sở những đòi hỏi của hội nhập quốc tế, phát triển khoa học và công nghệ.

Đổi mới chính sách đầu tư nhằm huy động được nhiều và phân bổ hợp lý các nguồn lực trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp theo định hướng quy hoạch đã xác định, giải tỏa các “nút thắt” quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp; đầu tư từ ngân sách nhà nước tập trung vào các lĩnh vực cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật; giáo dục và đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp.

Về các giải pháp dài hạn, tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, vốn viện trợ để đầu tư phát triển cac nganh công nghiêp trọng điểm. Xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng và tổ chức tốt công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong dân, của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế , của nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiêp. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng quy mô vốn kinh doanh và tăng hiệu quả đầu tư.

Đối với giải pháp về công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, đa dạng hoá các loại hình hợp tác để tranh thủ tối đa sự chuyển giao công nghệ hiện đại từ đối tác nước ngoài cho phát triển công nghiệp.

Khuyến khích phát triển các dịch vụ công nghệ, xây dựng thị trường công nghệ, thường xuyên định kỳ mở hội chợ công nghệ, lập ngân hàng dữ liệu thông tin công nghệ mới. Hình thành các trung tâm chuyển giao công nghệ. Chú trọng thu hút các dự án công nghê cao, công nghệ nguồn từ các nước phát triển.

Giải pháp về nguồn nhân lực, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, vùng công nghiệp trọng điểm và các khu, cụm công nghiệp đồng bộ với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực: hệ thống cơ sở dạy nghề, các công trình hạ tầng xã hội phục vụ người lao động. Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất có trình độ tay nghề phù hợp; Ưu tiên phát triển đội ngũ lao động có trình độ cao để tiếp thu và tiến tới làm chủ công nghệ.

Rà soát, sắp xếp, củng cố, mở rộng hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp (các trường đại học, cao đẳng nghề, trung cấp nghề...). Ưu tiên phát triển ở các vùng kinh tế trọng điểm một số trường cao đẳng nghề đạt trình độ quốc tế. Xây dựng cơ chế đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cả trong và ngoài nước, trọng tâm là chính sách tiền lương, môi trường làm việc và hỗ trợ về nhà ở, có nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần và các điều kiện liên quan bảo đảm làm việc.

Mở rộng loại hình hợp tác lao động với nước ngoài và phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo phù hợp yêu cầu lao động , nhất là liên kết với các cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước để mở cơ sở đào tạo đẳng cấp quốc tế tại Viêt Nam, tập trung ngành học phục vụ phát triển kinh tế tri thức, nhất là khoa học, công nghệ, dịch vu.

Nhóm giải pháp về thị trường và sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển thị trường: Đối với thị trường đầu ra, bên cạnh những thị trường truyền thống như Trung Quốc và các nước Đông Á, Asean, Mỹ, EU sẽ khai thác các thị trường lớn, tiềm năng đang phát triển như các nước nhóm BRIC (trong đó có Braxin, Nga, Ân Độ). Đối với thị trường đầu vào sẽ tập trung vào những yếu tố sau: Về ngồn vốn (tiếp tục khai thác có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ các nước Đông Á, Mỹ, Asean); Về công nghệ (chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn từ Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu); Về kinh nghiệm quản lý điều hành (học tập kinh nghiệm của Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng quy hoạch phát triển cho các ngành, trong đó định hướng sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển bằng cách tạo thuận lợi về đầu vào (đặc biệt là đất đai và nguyên vật liệu). Xác định rõ các phẩm chủ đạo, nổi trội để làm cơ sở cho thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Giải pháp hợp tác liên vùng và phối hợp phát triển, liên doanh, liên kết cùng triển khai dự án phát triển các mặt hàng công nghiệp đáp ứng nhu cầu thay thế nhập khẩu hoặc hướng về xuất khẩu (kể cả gia công, lắp ráp sản phẩm công nghiệp). Hợp tác theo mô hình xí nghiệp mẹ đặt tại một trong các tỉnh, thành phố lơn và các xí nghiệp con đặt tại các tỉnh khác để phân công sản xuất chuyên môn hoá hoặc cung cấp công nghệ thích hợp cho nhau. Xây dựng và triển khai các dự án phát triển công nghiệp có quy mô lớn mang tính liên Vùng nhằm làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của các Vùng khác. Đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp nông thôn.

Tiếp tục thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia, tập trung vào những chương trình hỗ trợ: Nâng cao năng lực quản lý; đào tạo, truyền và phát triển nghề trong các cơ sở công nghiệp nông thôn; Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế; Lập quy hoạch chi tiết, xây dựng kết cấu hạ tầng cụm, điểm công nghiệp bằng các nguồn vốn Trung ương và địa phương. Tư vấn và giúp các doanh nghiệp phát triển thương hiệu, ứng dụng công nghệ mới, tìm kiếm thị trường; Tổ chức các lớp tập huấn về phát triển thương mại điện tử, xúc tiến thương mại; Tổ chức hội chợ.

Để triển khai thực hiện Chiến lược và Quy hoạch nhằm đạt đựơc các mục tiêu đã đặt ra, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong Ngành cần phải có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã đề nghị: các Bộ, ngành liên quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trong Quyết định phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch tích cực quan tâm, phối hợp cùng với Bộ Công Thương trong việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp; khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động, nghiên cứu đổi mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ; hỗ trợ đầu vào cho phát triển công nghiệp như phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp. Các địa phương, ngoài việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp địa phương mình cho phù hợp với định hướng phát triển ngành công nghiệp cả nước, cần nghiên cứu đưa các nội dung triển khai quy hoạch công nghiệp vào kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm về phát triển công nghiệp trên địa bàn. Các doanh nghiệp căn cứ Chiến lược và Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để điều chỉnh Chiến lược và Kế hoạch đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp có lợi thế và đuợc ưu tiên phát triển, tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm tranh thủ cơ hội phát triển, góp phần cùng toàn ngành hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Việc triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ góp phần đẩy mạnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Nguồn: moit.gov.vn