Tập trung phát triển các ngành có lợi thế về nguyên liệu và thị trường Ngày 06 tháng 5 năm 2013, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2836/QĐ-BCT về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Theo đó, định hướng phát triển đến năm 2020 sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn có lợi thế về nguyên liệu và thị trường như: Công nghiệp cơ khí; chế biến hải sản - thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng; hóa chất, hóa dầu; sản xuất điện. Tập trung, phát triển nhanh một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính chất dẫn đường, các ngành và sản phẩm công nghệ cao như: Cơ khí chính xác; công nghiệp điện tử; công nghiệp hỗ trợ tạo thành một mạng lưới vệ tinh sản xuất, cung ứng và xuất khẩu cho các công ty trong nước và nước ngoài. Yên cầu áp dụng công nghệ tiên tiến đối với các cơ sở công nghiệp đầu tư mới; đồng thời nâng cấp, đổi mới công nghệ phù hợp đối với các doanh nghiệp công nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp nông thôn.

 

quocaĐến năm 2030, sẽ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chế biến sâu với công nghệ và thiết bị hiện đại, các sản phẩm công nghiệp có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh cao, chất lượng và giá trị đáp ứng tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và quốc tế; Tham gia vào một số công đoạn trong chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu đối với các ngành cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị điện tử, sản xuất các loại vật liệu, chi tiết linh kiện. Chú trọng sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp độc đáo, đặc trưng của Vùng phát triển gắn liền với bản sắc văn hóa của địa phương phục vụ nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế.

 

Quy hoạch phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng đặt định hướng đến năm 2030, công nghiệp Vùng sẽ là nguồn động lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng trên cơ sở phát huy nội lực kết hợp với thu hút nguồn lực bên ngoài, đảm bảo liên kết vùng trong đầu tư phát triển.

Một trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu này là các địa phương trong vùng sẽ liên doanh, liên kết cùng triển khai dự án hoặc hợp tác theo mô hình xí nghiệp mẹ đặt tại một trong các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các xí nghiệp con đặt tại các tỉnh khác để phân công sản xuất chuyên môn hóa hoặc cung cấp công nghệ thích hợp cho nhau (chế biến nông sản, thủy hải sản, sản xuất nông cụ máy móc và vật phẩm phục vụ sinh hoạt của nhân dân và các sản phẩm khác); Xây dựng và triển khai các dự án phát triển công nghiệp có quy mô lớn mang tính liên Vùng nhằm làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác, nhất là các dự án lớn liên quan đến các tỉnh lân cận nhau như khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, luyện kim, hóa chất…

 

Bên cạnh đó, để khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia, tập trung vào các chương trình hỗ trợ: Nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp; đào tạo, truyền nghề; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng sản xuất sạch hơn; liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đồng thời, tư vấn trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc lập dự án đầu tư, marketing; quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ - thiết bị mới…

 

TT.