Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3, Bộ Công Thương cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2014, tăng 5,2%, đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2013 so với năm 2012 tăng 4,6%). Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,9%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%, sản xuất và phân phối điện tăng 9,2%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,7%..


So với mức tăng của cùng kỳ năm trước, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có chỉ số sản xuất thấp hơn (quý I năm 2013 tăng 9,5% so với năm 2012, quý I năm 2014 tăng 5,7% so với năm 2013); ngành công nghiệp khai khoáng có chỉ số sản xuất giảm hơn (năm 2013 tăng 2,1% so với năm 2012, năm 2014 giảm 2,9% so với năm 2013).

Trong ngành khai khoáng, chỉ số sản xuất giảm ở các ngành khai thác than cứng và than non, ngành khai thác dầu thô và khí đốt, duy chỉ có ngành khai thác đá, cát, sỏi, đất sét có chỉ số sản xuất tăng (tăng 3,7%), điều này đã đi ngược lại với đặc thù của ngành này thường suy giảm trong những tháng đầu năm.

Các ngành sản xuất và phân phối điện và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng chỉ số sản xuất cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất và phân phối điện tăng 9,2% (năm 2013 tăng 8,5% so với năm 2012); chỉ số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3% (năm 2013 tăng 5,4% so với năm 2012) cho thấy sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu cải thiện theo xu hướng tăng.


Trong ngành công nghiệp chế biến, sản xuất suy giảm ở các mặt hàng tiêu dùng như: sản xuất mỳ ống, mỳ sợi, thuốc lá, sản phẩm điện tử, thiết bị điện, thiết bị truyền thông, mô tô, xe máy, sản xuất thuốc, hoá dược, xi măng, giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì, sắt, thép, bê tông... những nhóm hàng này là hàng tiêu dùng có tính thời vụ cao, qua dịp Tết Nguyên đán sản xuất suy giảm là theo đúng quy luật.

Những sản phẩm công nghiệp chế biến có chỉ số sản xuất tăng cao trên 10% chủ yếu vẫn là những ngành hàng có thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước như: linh kiện điện tử, thuỷ sản, dệt may, sản xuất da, giày dép, mô tô, máy biến thế, dây cáp điện đóng tàu và cấu kiện nổi.

Tính đến hết tháng 2 năm 2014, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,3% so với mức tăng của cùng kỳ, trong đó tăng chủ yếu ở nhóm hàng chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản, sản xuất bia, sản xuất thuốc lá, sản xuất vải dệt thoi, sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục), may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú), sản xuất giày, dép, sản xuất phân bón và hợp chất nitơ, sản xuất sơn, véc ni và các chất sơn quét tương tự; sản xuất mực in và ma tít; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng chất tẩy rửa, v.v... Những nhóm hàng có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ là chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa, sản xuất đường, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản, sản xuất bê tông và các sản phẩm khác từ xi măng và thạch cao, sản xuất sắt, thép, gang, sản xuất mô tô, xe máy, v.v...

Do tiêu thụ giảm nên lượng tồn kho của một số sản phẩm cao so với cùng kỳ năm trước, đến thời điểm 01 tháng 3 năm 2014, lượng tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 13,4% so với cùng thời điểm năm trước, (cao hơn so với mức tăng 12,7% tại thời điểm 01 tháng 2 năm 2014, nhưng thấp hơn mức tăng 16,5% tại thời điểm 01 tháng 3 năm 2013). Trong đó, một số ngành chỉ số tồn kho cao là: chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 46,7%, sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự tăng 70,7%, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 41,2%, sản xuất sợi tăng 21,8%, sản xuất giày, dép tăng 53,6%, sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 39,9%, sản xuất sơn, véc ni và các chất sơn quét tương tự; sản xuất mực in và ma tít tăng 45,0%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng chất tẩy rửa tăng 54,5%, sản xuất mô tô, xe máy tăng 62,7%, v.v...

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp quý I năm 2014 có tăng trưởng 5,2% (thấp hơn mức tăng 5,4% của 2 tháng năm 2014, nhưng cao hơn mức tăng 4,6% của quý 1 năm 2013 so với cùng kỳ), trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá, cao hơn mức tăng của toàn ngành (tăng 7,3%), điều này cho thấy sản xuất của một số ngành có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, ngành khai khoáng giảm 2,9% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do sự cố xì van đường ống cấp khí trên giàn BRA tại hệ thống khí PM3 cung cấp cho 2 nhà máy điện Cà Mau và tháng 3 thời tiết mưa nhiều không thuận lợi cho công tác khai thác, bên cạnh đó các doanh nghiệp trong ngành than, khoáng sản điều tiết sản lượng khai thác để cân đối với khả năng tiêu thụ sản phẩm và giảm hàng tồn kho.

Một số ngành như dệt may, da giày sản xuất tương đối thuận lợi trong 3 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu thụ trong nước đang hồi phục và có mức tăng trưởng hơn năm trước, đơn hàng sản xuất ổn định đến hết quý III, thậm chí cho cả năm đối với các doanh nghiệp ngành dệt may và đến tháng 8 đối với các doanh nghiệp da giày.

Theo các chuyên gia dự báo, tình hình sản xuất công nghiệp trong những tháng tới sẽ khả quan hơn do sự tác động của các yếu tố như: Các doanh nghiệp trong nước có xu hướng gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất. Bắt đầu bước vào mùa hè, nhiều sản phẩm như: sản xuất điện, sản xuất hàng thiết bị điện, điện lạnh, sản xuất đồ uống... mức tiêu thụ tăng dẫn đến sản xuất sẽ tăng. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước phát huy tác dụng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của thị trường các mặt hàng vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng, đá, cát sỏi... Các nhóm hàng dệt may, da giầy, linh kiện điện tử đã có đơn hàng ổn định, nhu cầu khách hàng vẫn tăng... góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.


Nguồn: moit