Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế- xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2011 tiếp tục có những chuyển biến tích cực nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.
Những dấu hiệu cho thấy tình hình đang tốt lên là: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục tăng chậm lại (tăng 0,36%), là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm và là tháng thứ 3 liên tiếp mức tăng giá dưới 1%; Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, 10 tháng ước đạt trên 78 tỷ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ; Nhập siêu tháng 10 giảm mạnh, bằng 9,6% kim ngạch xuất khẩu, góp phần đưa nhập siêu 10 tháng còn 10,8% (không quá 16%)… Kết quả trên khẳng định, việc ban hành và thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP là biện pháp đúng đắn.
Mặc dù lạm phát liên tiếp giảm nhưng để khống chế ở mức 18% cả năm là sức ép rất lớn, đòi hỏi sự quyết liệt của cả bộ máy chính trị, các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ liên tục tăng trong những tháng cuối năm, lãi suất dù đã điều chỉnh giảm nhưng vẫn còn cao, các DN vẫn rất khó tiếp cận vốn vay là những sức ép rất lớn; rất nhiều DN phải dừng sản xuất hoặc phá sản, số DN mới đăng ký cũng giảm so với năm trước, tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 10 cũng giảm so với tháng trước; thị trường BĐS trầm lắng… Vì thế, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực, kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP vào những tháng cuối năm. Theo dõi sát tình hình để kịp thời điều hành linh hoạt, sát với thực tế, phấn đấu đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay ở mức 18%, tạo tiền đề đưa lạm phát năm 2012 về mức 1 con số, đồng thời bảo đảm đạt mức tăng trưởng 6% trong năm nay.
Để duy trì được mục tiêu nói trên, ngoài việc điều hành tiền tệ cần quản lý tốt giá cả, trong đó chú ý đến các mặt hàng trọng yếu như điện, xăng dầu. Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn cho DN như dãn thời gian nộp thuế; sắp xếp các chương trình liên quan đến DN: cơ cấu lại DNNN, thoái bớt vốn nhà nước tại DNNN, cơ cấu lại ngân hàng nhưng không để ảnh hưởng đến hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền. Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhưng trên nguyên tắc không để ngân hàng đổ vỡ. Xu hướng sẽ điều hành lãi suất huy động điều chỉnh xuống 12% tạo điệu kiện giảm lãi suất cho vay, việc này Ngân hàng Nhà nước đã phương án và lộ trình.
Liên quan câu hỏi của báo chí đến vấn đề Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình phương án tăng giá điện, Bộ trưởng Vũ Đức Đam trả lời: Nguyên tắc điều hành giá điện cũng như giá xăng dầu của Chính phủ là phải bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, nhưng về lâu dài vẫn phải theo lộ trình giá thị trường. Chính phủ đã có lộ trình về giá điện, tuy nhiên tại kỳ họp này chưa bàn đến vấn đề trên. Chính phủ yêu cầu ngành điện phải công khai giá thành và kết quả sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng đã có giải pháp đi kèm để hỗ trợ cho người nghèo không chịu thiệt khi tăng giá điện.
Về trường hợp bán EVN Telecom, chủ trương của Chính phủ là các tập đoàn nhà nước phải tập trung vào sản xuất- kinh doanh mặt hàng chính, dần thoái dần vốn ở những lĩnh vực chính; vì vậy, việc bán EVN là đúng tinh thần của chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng phải đảm bảo luật kinh doanh viễn thông và không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.
Hiện nay Chính phủ đang bàn việc xem xét các trọng điểm để đầu tư. Theo đó sẽ tập trung vào lĩnh vực giao thông, thủy điện, chú ý tới lĩnh vực giao thông hàng không, đường bộ, hàng hải… Đầu tư cho các công trình đó phải đảm bảo cho mục tiêu năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp đồng bộ. Chính phủ sẽ chấn chỉnh lại việc đầu tư dàn trải, đầu tư quá nhiều vào cảng biển, sân bay.
Nguồn: Công Thương điện tử