Đồng thuận cao về chủ trương
Thủy điện Lai Châu sẽ thực hiện trên địa bàn của huyện Mường Tè - một huyện biên giới của tỉnh Lai Châu- dân cư phân bố rất thưa thớt (khoảng 13 người/km2), cơ sở hạ tầng thấp kém, đi lại khó khăn, vào mùa mưa thường xuyên bị chia cắt. Các cơ sở hạ tầng khác trên địa bàn như: thủy lợi, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, tuy đã được quan tâm đầu tư, song còn rất chắp vá không đồng bộ, toàn huyện chưa được sử dụng lưới điện quốc gia. Ngoài ra, tập quán canh tác của đồng bào ở đây còn lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo cao chiếm khoảng 52% dân số… Vì vậy, việc Nhà nước chủ trương đầu tư xây dựng dự án thủy điện Lai Châu thực sự là một cơ hội lớn để nhân dân các dân tộc huyện Mường Tè thoát khỏi đói nghèo, sắp xếp lại dân cư, cơ cấu lại sản xuất, xây dựng cơ cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện.
Có ý kiến cho rằng, việc đầu tư hạ tầng cho vùng dự án nhằm phát triển kinh tế- xã hội cần được coi là dự án riêng- một dự án thành phần của nhà máy Thủy điện Lai Châu- chứ không phải là việc Nhà nước hỗ trợ một phần để Lai Châu xây dựng một số cơ sở hạ tầng trong cùng một dự án. Như vậy, cùng với dự án chính là xây dựng nhà máy Thủy điện Lai Châu còn có các dự án thành phần khác là di dân tái định cư và đầu tư cơ sở hạ tầng để cơ cấu lại dân cư ở vùng dự án thì mới thoả đáng.
Đại biểu Cầm Chí Kiên Đại biểu Cầm Chí Kiên (Sơn La) phát biểu: “Người ở Sơn La- Tây Bắc cũng có hoàn cảnh kinh tế, xã hội tương đồng như Lai Châu, tôi nhận thấy xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu có những thuận lợi cơ bản là chúng ta đã có kinh nghiệm xây dựng nhà máy thủy điện, đặc biệt là qua xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La. Hiện nay nước ta sau 20 năm đổi mới chúng ta đã có tiềm lực và có điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng đất nước, nhất là khai thác tiềm năng về thủy điện.
Nhiều lo ngại về an toàn công trình
Mặc dù tán thành cao với chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu, nhưng nhiều đại biểu lo ngại về độ an toàn trong xây dựng công trình quan trọng này. Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Kiều Hữu Bình (Hà Nam) cho rằng, trong dự án mới tính đến vấn đề an toàn, nhất là khi có lũ cực đại và khi xảy ra sự cố vỡ đập trạm điện thủy điện như ở Trung Quốc gần đây. Khi nghiên cứu toàn bộ dự án, chúng tôi thấy vẫn còn lo lắng vì những trận ngập lụt vừa qua đã tạo nên một tâm lý rất nặng nề đối với bà con vùng xây dựng nhà máy.
Đại biểu Kiều Hữu Bình: Trong khi đó, ở dự án này, mật độ các trạm điện thủy điện dày đặc. Khi xảy ra một sự cố đồng thời, không phải chỉ là vỡ 1 đập Tu-ca-hi mà có thể vỡ khoảng 1, 2 trạm thủy điện phía thượng nguồn nữa. Vì thế bà Kiều Hữu Bình nhấn mạnh: "Tôi nghĩ phải tính toán kỹ vấn đề này. Vì tổng dung tích của 11 trạm điện phía trên là 10.724 triệu m3, không phải chỉ riêng 78 triệu m3 của Tu-ca-hi” đại biểu Kiều Hữu Bình nhấn mạnh.
Lo lắng an toàn của công trình, đại biểu Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) nói: “Những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu diễn ra gần đây luôn là điều đáng lo ngại. Mặt khác tỷ lệ che phủ rừng của Tây Bắc còn thấp, lũ ống, lũ quét còn xảy ra. Vì vậy, vấn đề lựa chọn công nghệ đảm bảo an toàn cho công trình cần phải được hết sức quan tâm, chú trọng, tính toán kỹ lưỡng để tránh xảy ra rủi ro” .
Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) kiến nghị, trong Tờ trình của Chính phủ đã tính toán rất kỹ các phương án… nhưng thủy điện Lai Châu là nhà máy thủy điện hở với đường ống áp lực đặt bêtông trọng lực đầm lăn, trong thuyết minh không so sánh lựa chọn để đưa ra phương án tối ưu, không nêu những khó khăn, thuận lợi của từng phương án mà chỉ có một câu kết luận là chúng ta sử dụng những thông số của nhà máy, như vậy các đại biểu Quốc hội rất khó hiểu.
Đại biểu Lê Văn Học nói thêm: “Bản thân tôi đọc cũng cảm thấy các lựa chọn như thế theo Hội đồng thẩm định là hợp lý nhưng không có thuyết minh cụ thể, tôi đề nghị làm rõ thêm. Ví dụ khi tính toán thủy lực và kết cấu đập thì lấy hệ số an toàn lớn hơn hệ số an toàn cho phép là 20-40%, chúng tôi cho đây là một hệ số an toàn thấp, cụ thể nó là bao nhiêu thì chưa rõ. Trong khi hệ số an toàn ảnh hưởng rất lớn đến hệ số an toàn và tuổi thọ của đập và giá thành của công trình".
Trước những ý kiến về an toàn công trình, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã đề nghị Đoàn thư ký thông báo cho Bộ trưởng Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ mời đại diện của Ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Lai Chau hoặc Hội đồng thẩm định đến dự phiên họp phát biểu rõ thêm xung quanh vấn đề bảo đảm an toàn, chất lượng công trình.
Di dân tái định cư: Phải tính toán chu toàn
Đây cũng là một nội dung mà nhiều đại biểu Quốc hội rất băn khoăn. Các đại biểu cho rằng, công tác di dân tái định cư của công trình thủy điện Lai Châu sẽ gặp phải nhiều khó khăn, cần sự tính toán, có phương án cụ thể và khả thi trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc di dân, tái định cư thủy điện Sơn La.
Nhiều ý kiến kiến nghị Chính phủ cần làm rõ thêm một số nội dung như: Các số liệu cụ thể về công tác giải phóng mặt bằng; chế độ đền bù, quỹ đất, nguồn nước cho các khu vực tái định cư, tiến độ di chuyển dân cư để đảm bảo tính bền vững của dân cư ở các vùng sinh sống mới.
Đại biểu Cầm Chí Kiên (Sơn La) phát biểu: Công tác di dân, tái định cư thủy điện là công tác rất quan trọng, quyết định tiến độ và hiệu quả của công trình. Thủy điện Lai Châu có những thuận lợi rất cơ bản là có kinh nghiệm của tái định cư thủy điện Sơn La. Hơn nữa, huyện Mường Tè có quỹ đất rộng và mật độ dân số thấp, thuận lợi cho việc tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên công tác tái định cư ở đây cũng gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là do địa hình phức tạp, chia cắt, độ dốc cao khe suối, tập trung ở một địa bàn huyện với hộ và dân số tương đối lớn.
Cũng với lo ngại này, đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) đề xuất, xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu phải được gắn kết với nhiều dự án và lồng ghép nhiều chương trình, để khi xây dựng xong thì đó cũng là một công trình văn hóa, du lịch và môi trường sinh thái, như vậy thì hiệu quả kinh tế của nó sẽ được nâng lên gấp bội lần.
Đặc biệt là việc lồng ghép với các dự án, chương trình như Chương trình 135, dự án 5 triệu ha rừng… thì sẽ tăng hiệu quả và tuổi thọ của thủy điện lên rất cao. Vì đối với các rừng đầu nguồn phòng hộ nếu chúng ta có chính sách đồng bộ và rừng ở đó được nuôi dưỡng bảo quản tốt thì chắc chắn đây sẽ là một nơi giữ được nguồn nước của thiên nhiên khi đổ xuống. "Cần phải có một chính sách đồng bộ ở đây để người dân ở khu vực vùng hồ yên tâm sống với rừng, giàu lên từ rừng, như vậy mới bảo vệ được rừng tốt nhất” đại biểu Trường gợi ý. Ngoài ra, đại biểu này còn đề suất, khi xây dựng khu tái định phải nằm trong quy hoạch tổng thể, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc nói chung và của tỉnh Lai Châu nói riêng, đặc biệt là vấn đề hệ thống giao thông của tỉnh Lai Châu.
Hoàng Châu-Báo CT