Sáng nay (6/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 với số phiếu tán thành đạt 85,4%.


Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tổng quát là nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát cao trở lại; tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010.

Một số chỉ tiêu chủ yếu là: GDP tăng khoảng 6,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2009; chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,5 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; số giường bệnh trên 1 vạn dân là 27,5 giường; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 83%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch 84%; tỷ lệ che phủ rừng 40%.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ được bàn giao muộn nhất vào tháng 1/2010

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trước các đại biểu Quốc hội sáng nay (6/11) khi trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các dự án quan trọng quốc gia ngành công nghiệp. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, các gói thầu đã cơ bản hoàn thành, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chuyển sang giai đoạn vận hành chạy thử.

Do trục trặc kỹ thuật tại phân xưởng cracking xúc tác nên tiến độ bàn giao nhà máy sẽ chậm lại một thời gian so với kế hoạch.

Đến nay, công tác xây lắp đã cơ bản hoàn thành; tiến độ chạy thử và khởi động nhà máy đạt khoảng 99%. Đến 15/8/2009, nhà máy đã sản xuất được các sản phẩm đạt chất lượng với sản lượng gần 39.000 tấn LPG, trên 198.000 tấn xăng A92, trên 142.000 tấn diezel, trên 30.000 tấn dầu hỏa…

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nguồn nhân lực vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã sẵn sàng. Các lực lượng của Ban Quản lý dự án đã từng bước đảm nhận các khâu vận hành và bảo dưỡng nhà máy, qua đó chứng tỏ được năng lực; tuy nhiên, mặt hạn chế là chưa có đủ kinh nghiệm trong việc xác định nguyên nhân và đề ra các biện pháp xử lý sự cố đối với các hệ thống được kết nối phức tạp, có quy mô lớn và hiện đại của nhà máy.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là hơn 3 tỷ USD, tăng hơn 550 triệu USD. Nguyên nhân chủ yếu làm tăng tổng mức đầu tư dự án là do biến động tỷ giá tiền tệ, biến động giá nguyên vật liệu, nhất là trong giai đoạn cao điểm triển khai dự án; bổ sung chi phí tài chính, tăng vốn lưu động; bổ sung chi phí hỗ trợ các hộ dân đã di chuyển nhường đất cho dự án.

Dự án thủy điện Sơn La đạt các mốc quan trọng

Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La. Dự án thủy điện Sơn La đến nay đã đạt được các mốc quan trọng, đáp ứng mục tiêu tiến độ phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2010 và hoàn thành công trình vào cuối năm 2012.

Công tác quản lý chất lượng được thực hiện ở tất cả các khâu từ thẩm tra thiết kế, thí nghiệm kiểm tra vật liệu xây dựng, cấp phối và công tác thi công tại hiện trường xây lắp, kết quả thí nghiệm các mẫu vật liệu và bêtông đạt yêu cầu thiết kế.

Tổng giá trị giải ngân dự án công trình tới 22/10/2009 đạt khoảng 14.800 tỷ đồng, trong tổng dự toán khoảng 26.500 tỷ đồng.

Theo đánh giá tại Báo cáo này, các Bộ ngành, địa phương liên quan và các đơn vị tham gia Dự án đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, tồn tại nhất là đối với Dự án thành phần là Dự án tái định cư như: chậm thực hiện chi trả tiền bồi thường, công tác thu hồi và giao đất sản xuất còn chậm.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu kiểm tra trình tự thủ tục đầu tư các dự án thành phần, thực hiện cơ chế, chính sách ở Dự án di dân tái định cư... để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề ra các giải pháp tạm giao đất song song với việc hoàn thiện thủ tục để giao đất chính thức; huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân... để có thể hoàn thành dự án quan trọng này trong thời gian sớm nhất.
 

Nguồn: Báo CT