Theo cách giải thích về tên gọi bún Song Thằn, ngày xưa bún được người thợ bắc những sợi sóng đôi thành từng tấm chữ nhật, phơi khô dưới nắng mặt trời, sau đó xếp thành từ chồng nhiều tấm theo định lượng 5kg/bó, rồi dùng hai tấm mo nang áp hai mặt bên và buộc bằng hai sợi dây gai song song thành một bó. Như vậy, song thằn có nghĩa là dây buộc và đóng gói song song.
Nghề sản xuất bún Song Thằn khá vất vả, tốn nhiều công sức. Công nghệ truyền thống hoàn toàn là thủ công được thực hiện qua nhiều công đoạn của hai khâu sản xuất. Khâu thứ nhất là tạo tinh bột, đầu tiên phải lựa đậu xanh loại một, cà vỡ hạt đậu làm hai, ngâm nước để tróc lớp vỏ xanh. Sau đó đem đãi tách vỏ, chỉ lấy lớp cốt của hạt đậu, dùng cối đá truyền thống quay tay để xay nhuyễn hạt đậu thành bột nước; sau đó dùng vải tấm, chảo gang để chà tách tinh bột và xác mầm đậu, lấy nước cốt có tinh bột đậu xanh. Dùng ảng sành lắng lọc tinh bột nhiều lần để lấy tinh bột lắng dưới đáy. Sau đó cắt tinh bột thành lát mỏng đem phơi thật khô, đóng gói thành nguyên liệu làm bún.
Khâu thứ hai là tạo bún, tinh bột đậu xanh đã khô được đem nhồi nước sao cho bột ngấm nước nóng đều, dạng bột sệt nhão; sau đó đưa bột đã nhồi vào khuôn rê thành sợi vào nồi nước sôi, đến khi bún chín vớt ra cho ngâm vào nước lạnh, cuối cùng vớt bún ra đặt vào phên đã được lót tấm vải ướt thành từng tấm theo dạng hình học đã định, đem phơi khô và đóng gói. Bún Song Thằn có chất lượng cao là phải được sản xuất từ tinh bột đậu xanh nguyên chất không pha chế bất cứ nguyên liệu nào khác. Bún ngon là sợi bún màu trắng trong, óng ánh khi cho bún vào nước sôi không tạo hồ, khi ăn thấy gợi bún dẻo và dai, hương vị phải thơm, ngon, giá trị dinh dưỡng cao.
Bún Song thằn làm bằng đậu xanh, trung bình 5 kg đậu xanh sau nhiều lần xay, đãi, lắng lọc thì chỉ được trên 1kg bột và làm thành 1kg bún, bởi vậy giá thành rất cao nên bún Song Thằn được đánh giá là mặt hàng khá cao cấp, chủ yếu được sử dụng làm quà biếu đặc sản của địa phương. Thị trường tiêu thụ vì thế cũng không được rộng rãi.
Hiện nay, nghề làm bún Song Thằn ở An Thái được sự hỗ trợ của tỉnh Bình Định cũng như huyện An Nhơn, nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư, đưa cơ giới hóa vào thay thế dần một số công đoạn sản xuất, nên tỷ lệ và chất lượng tinh bột đậu xanh thu được cao hơn so với cách làm truyền thống, do đó giá thành đã được giảm xuống. Đồng thời với việc đầu tư thiết kế mẫu mã bao bì đẹp hơn và các cơ sở sản xuất đều có ý thức xây dựng, đăng ký chất lượng sản phẩm và công bố mức chất lượng, đăng ký thương hiệu sản phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm bún Song Thằn đã được nhiều người, nhiều nơi biết đến, sản lượng tiêu thụ cũng được tăng cao. Một điều quan trọng, nghề sản xuất bún, phở khô ở đây có thể làm quanh năm nên đã mang lại công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, với mức thu nhập ổn định.
Với sự đầu tư vực dậy nghề sản xuất bún Song Thằn của các hộ dân ở An Thái, song hành với chính sách hỗ trợ tạo điều kiện mở rộng quy mô, nâng cao sản lượng, đồng thời để gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề chuyên sản xuất bún Song Thằn, hy vọng trong thời gian tới sản phẩm bún Song Thằn sẽ trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vươn tới các nước trong khu vực và trên thế giới.
M.H (AIP)