Ngày 01/04/2013, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ tháng 3 nhằm tổng kết tình hình hoạt động ngành Công Thương quý I năm 2013. Nhiều tín hiệu tốt và khả quan từ tình hình sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu xăng dầu qua biên giới, việc điều chỉnh giá xăng dầu và nguồn cung cấp điện là những vấn đề trọng tâm được quan tâm nhiều nhất.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, quý I năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,9%. Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,1%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%, sản xuất và phân phối điện tăng 8,5%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,5%.

Tính đến hết tháng 2 năm 2013, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,1% so với mức tăng của cùng kỳ, trong đó tăng chủ yếu ở nhóm hàng chế biến thuỷ sản, bơ, sữa, đồ uống, đồ điện tử, sản xuất trang phục, sản xuất da, dệt và nhóm hàng hoá chất, mỹ phẩm, xà phòng chất tẩy rửa... Những nhóm hàng có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ là giấy nhăn và bao bì, vật liệu xây dựng, sản xuất gang, thép, sắt, xe có động cơ, thiết bị điện, bàn ghế giường tủ.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tình hình sản xuất công nghiệp trong những tháng tới sẽ khả quan hơn với các yếu tố như: Bắt đầu từ tháng 2, các doanh nghiệp trong nước có xu hướng gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu, đây có thể coi là tín hiệu tốt cho sự hồi phục của sản xuất; Nhiều sản phẩm như: sản xuất điện, sản xuất hàng thiết bị điện, điện lạnh, sản xuất đồ uống... mức tiêu thụ tăng khi bắt đầu bước vào mùa hè, dẫn đến sản xuất tăng; Các chính sách hỗ trợ của nhà nước bắt đầu có tác dụng sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của thị trường các mặt hàng vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng, đá, cát sỏi, v.v... Các nhóm hàng dệt may, da giầy, linh kiện điện tử đã có đơn hàng ổn định, nhu cầu khách hàng vẫn tăng... là những yếu tố thúc đẩy sản xuất phát triển.

Xuất nhập khẩu đạt kết quả tích cực

Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) quý I năm 2013 ước đạt 29,68 tỉ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2012 (tương đương với tăng 4,88 tỷ USD), trong đó KNXK của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 10,4 tỷ USD, chiếm 35% tổng KNXK của cả nước, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái; KNXK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,25 tỷ USD, chiếm 65% tổng KNXK của cả nước, tăng 25,6%, nếu không kể dầu thô KNXK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,36 tỷ USD tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong đó, Nhóm hàng nông lâm thủy sản quý I năm 2013 xuất khẩu ước đạt 4,7 tỷ USD, chiếm 15,8% trong tổng KNXK, giảm 0,3% so với cùng kỳ tương đương với giảm 16 triệu USD. Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản quý I năm 2013 ước đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 8,8% trong tổng KNXK, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2012, tương đương với tăng 32 triệu USD. Nhóm hàng công nghiệp chế biến quý I năm 2013 ước đạt gần 20,7 tỷ USD, chiếm 69,7% trong tổng KNXK, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2012, tương đương với tăng hơn 4,9 tỷ USD.

Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá quý I năm 2013 ước đạt 29,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,1 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm tỷ trọng 55,5% tổng KNNK cả nước; Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt hơn 13 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 44,5% tổng KNNK cả nước, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2011. Nhập khẩu hàng hoá quý I năm 2013 của nhóm hàng cần nhập khẩu tăng 15,2% so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng cần nhập khẩu, là nguyên liệu cho sản xuất. Những mặt hàng tính được về lượng nhập khẩu tăng cao là hạt điều, dầu thô, phân bón các loại, bông các loại, giấy các loại, kim loại thường, ô tô nguyên chiếc các loại.

Về cán cân thương mại: Tháng 3 nhập siêu khoảng 300 triệu USD, tính chung cả quý I xuất siêu 482 triệu USD, trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 2,6 tỷ USD, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu hơn 3,1 tỷ USD.

Trả lời các câu hỏi của báo chí về vấn đề trên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh: trong bối cảnh hiện nay, xu hướng tăng nhập khẩu có thể xem là yếu tố phục hồi sản xuất, tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu về giảm dần nhập siêu, các biện pháp nhằm hạn chế nhập siêu vẫn cần được duy trì. Liên quan đến vấn đề xuất khẩu gạo, ông Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương đang có hướng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch đầu mối xuất khẩu gạo thay cho việc ấn định số lượng, đồng thời quy định bằng biện pháp kỹ thuật. Bộ Công Thương sẽ chủ trương thực hiện biện pháp nâng cao năng lực của thương nhân xuất khẩu gạo bằng các biện pháp kỹ thuật như: địa bàn hoạt động, kho chứa, điều kiện cơ sở xay xát, v.v…. Các thương nhân sẽ được cấp phép xuất khẩu gạo khi đáp ứng đủ các điều kiện trên.

Xung quanh việc điều chỉnh giá xăng dầu, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết: “Không có chuyện để chống buôn lậu xăng dầu trong nước qua biên giới nên tăng giá xăng. Tùy vào tình hình kinh tế xã hội trong nước để có sự điều hành về kinh doanh xăng dầu”.

Theo ông Quyền, trong tháng 02 năm 2013, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã kiến nghị tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước do giá dầu thế giới thời gian trước có chiều hướng tăng khiến cho giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện hành thấp hơn giá cơ sở và thấp hơn giá bán lẻ xăng dầu của một số nước trong khu vực. Để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chưa tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước mà tiếp tục sử dụng quỹ Bình ổn giá và các biện pháp tài chính khác để ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Hiện giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao; trong khi, quỹ Bình ổn giá xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã hết; giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp. Chính phủ đã quyết định tăng giá bán từ ngày 28 tháng 3 năm 2013, theo đó, giá xăng tăng tối đa 1.430 đồng/lít, dầu diesel tăng 362 đồng/lít, dầu hỏa tăng 480 đồng/lít, và dầu madut tăng 807 đồng/kg. Ước lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 3 năm 2013 đạt 600 nghìn tấn, tương đương 584 triệu USD, tăng 23% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu 3 tháng năm 2013 đạt 1.577 nghìn tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2012. Lượng dầu thô xuất khẩu tháng 3 ước đạt 780 nghìn tấn, tương đương 670 triệu USD, tăng 22,5% so với tháng trước. Quý I năm 2013 xuất khẩu dầu thô đạt 2.117 nghìn tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Liên quan đến câu hỏi: “việc tăng giá xăng dầu có được thông báo trước hay không?”, ông Quyền khẳng định: “Hiện nay các quy định về việc báo cáo điều chỉnh tăng giảm giá, tài liệu các cơ quan trao đổi đều là tài liệu mật để tránh tình trạng chúng ta càng công khai thông tin bao nhiêu thì một số cá nhân đã lợi dụng bấy nhiêu để làm rúng động thị trường, gom hàng, đầu cơ, tạo sự khan hiếm”.

Về việc sửa đổi Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ, ông Võ Văn Quyền cũng cho biết, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo về việc Bộ Công Thương phải trình Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 84 chậm nhất trước ngày 30/6/2013. Hiện tại, Bộ Công Thương đã tiến hành lập ban soạn thảo, tổ biên tập khảo sát, chuẩn bị những thủ tục, chỉ đạo và tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, báo chí, lấy ý kiến trên website của Bộ nhằm mục đích, khi Nghị định mới ra đời sẽ minh bạch hơn và công khai hơn thị trường xăng dầu.

Đảm bảo cung ứng điện ổn định cho sản xuất

Theo ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, tính đến ngày 01/04, lượng điện sản xuất toàn hệ thống điện quốc gia là 29,9824 kWh tăng 10,42% so với cùng kỳ. Trong 3 tháng đầu năm, về cơ bản tình hình cung ứng điện đáp ứng đầy đủ cho tình hình sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo dự kiến trong tháng 4 đến tháng 6, sản lượng điện của toàn hệ thống là 34,35 tỷ kWh tăng 11% so với cùng kỳ năm 2012. Cũng theo tính toán của Tập đoàn điện lực Việt Nam, trong 3 tháng tới tình hình cung ứng điện cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển sản xuất kinh tế và sinh hoạt. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí phải đảm bảo ổn định, vận hành tin cậy liên tục và xác định thời điểm phù hợp, nếu cần thì sẽ huy động các nguồn chạy dầu để đáp ứng đủ điện. Về câu hỏi “Trong thời gian tới, liệu sẽ có việc điều chỉnh giá điện hay không?”, ông Cường khẳng định: “Ít nhất trong tháng 4, Bộ Công thương chưa nhận được đề xuất nào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc điều chỉnh giá điện”.

Tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết số 01/NQ-CP

Tổng kết buổi họp báo, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đề nghị các doanh nghiệp, các Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc Bộ cần tiếp tục triển khai một cách quyết liệt hơn các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; cụ thể là triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động của Bộ Công Thương tại Quyết định số 320/QĐ-BCT ngày 17 tháng 01 năm 2013 và Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 17 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương; đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ:

Về sản xuất công nghiệp: Rà soát, hoàn thiện quy hoạch các ngành, lĩnh vực, tập trung giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm; Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tích cực phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các nhà sản xuất điện khác nhằm huy động tối đa công suất các nhà máy điện để đáp ứng tối đa cho nhu cầu phụ tải điện trong mùa khô; Các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh hoạt động cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu (đối với hoạt động sản xuất) và các máy móc thiết bị (đối với các dự án đầu tư) đã sản xuất được trong nước để giảm chi phí, hạ giá thành và tăng hiệu quả đầu tư kinh doanh; Tiếp tục theo dõi sát tình hình sản xuất kinh doanh của các ngành, phối hợp tốt với các Hiệp hội trong việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, giảm lượng tồn kho, tiếp cận tín dụng... để khôi phục sản xuất.

Về xuất nhập khẩu: Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, không để lệ thuộc quá lớn vào một thị trường. Triển khai thực hiện tốt Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 1 nhằm tìm kiếm, mở rộng, khai thông thị trường đối với các mặt hàng nông sản, thuỷ sản và các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu. Phổ biến kịp thời thông tin thị trường; sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật'; Theo dõi sát sao, cập nhật tình hình diễn biến giá cả, tiến độ xuất khẩu các mặt hàng, những biến động của thị trường thế giới để kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thực hiện tốt việc mua tạm trữ hàng hoá để giữ giá xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đáo hạn ngân hàng...góp phần thúc đẩy xuất khẩu; Tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng (Dệt may, đồ gỗ, cà phê, gạo, thủy sản) và các doanh nghiệp để thực hiện các biện pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình, kiến nghị từ các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để có hướng giải quyết;Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí; Tích cực tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do để tạo thị trường cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam: Hiệp định TPP, Hiệp định Việt Nam - EU, Hiệp định Việt Nam - EFTA, Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc và Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên Minh thuế quan gồm Nga, Belarus và Cazakhstan.

Kiểm soát nhập khẩu: Tiếp tục triển khai thực hiện chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép trong nước đã sản xuất được, một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu để góp phần quản lý nhập khẩu, tăng cường tiêu thụ sản phẩm trong nước; Tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan để ngăn chặn gian lận thương mại và trốn thuế thông qua việc tiếp tục triển khai Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 07 tháng 9 năm 2012 và đẩy mạnh thông tin tới doanh nghiệp vể Thông tư số 05/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 18 tháng 02 năm 2013 quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất một số mặt hàng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 04 tháng 4 năm 2013; Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng; Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, v.v...

Về Thị trường nội địa: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá; Tiếp tục tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Rà soát và gia tăng các chế tài xử phạt đối với các hành vi gian lận thương mại; đầu cơ; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến lĩnh vực thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, đổi mới hệ thống thu mua, tiêu thụ, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng biên giới, hải đảo... nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển hệ thống đại lý phân phối tại các tỉnh, thành phố; chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối trong việc tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đưa hàng hóa tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thông tin kịp thời chủ trương, chính sách của Nhà nước, thông tin chính xác diễn biến thị trường đến người tiêu dùng, nhằm tạo sự đồng thuận, hưởng ứng và tham gia tích cực của nhân dân cùng các cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát giá cả, không để thông tin sai lệch gây hoang mang, tạo tâm lý bất ổn trong nhân dân.

Về đầu tư xây dựng: Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty và các đơn vị thuộc Bộ tập trung nguồn lực và sự chỉ đạo để hoàn thành các dự án phải hoàn thành trong năm 2013, góp phần huy động thêm công suất, nhất là các dự án nguồn, lưới điện; Nghiên cứu các hình thức huy động vốn, kể cả phát hành trái phiếu công trình cho những dự án đang chưa thu xếp được vốn; Tổ chức giao ban, điều hành định kỳ hàng tháng với các công trình, dự án trọng điểm của ngành, của đơn vị; Tăng cường năng lực quản lý và điều hành dự án của các Ban quản lý, cơ quan tư vấn để giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư.

 

Nguồn: moit.gov.vn