Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 ước đạt 68,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng 6 và tăng 12,3% so với tháng 7/2009. Tính chung 7 tháng ước đạt 434,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Một điều đáng ghi nhận là trong bức tranh công nghiệp 7 tháng qua là sự tăng trưởng đều đặn của tất cả những khu vực kinh tế như: khu vực kinh tế Nhà nước tăng 8,9%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất với 17%.
Để có được những kết quả đó không thể không kể đến sự cố gắng vượt bậc của những ngành công nghiệp trọng điểm. Cụ thể, đối với sản xuất và cung ứng điện, tháng 7 được đánh dấu là tháng tình hình sản xuất điện vẫn còn rất căng thẳng do lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện miền Bắc cao hơn so với tháng trước. Thêm vào đó là những ngày đầu tháng, thời tiết tiếp tục nắng nóng trên diện rộng, các Nhà máy nhiệt điện than ở phía Bắc như: Quảng Ninh 1 (Tổ máy 2), Cẩm Phả (Tổ máy 1),... gặp sự cố nên vận hành không ổn định. Vì vậy, các nhà máy thủy điện phải huy động sản lượng, đồng thời, các nhà máy nhiệt điện dầu tiếp tục khai thác cao mới đáp ứng được nhu cầu điện. Trong tháng 7, sản xuất điện ước đạt 7,97 tỷ kWh, tăng 6,6% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng ước đạt 51,6 tỷ kWh, tăng 15% so với cùng kỳ.
Đối với việc khai thác dầu khí, 7 tháng đầu năm, sản lượng khai thác dầu thô tương đối ổn định. Trong tháng 7, sản lượng dầu ướcđạt 1,3 triệu tấn, tính chung 7 tháng ướcđạt 8,5 triệu tấn, bằng 56,9% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, khai thác khí tháng 7 ướcđạt 0,8 tỷ m3, tính chung 7 tháng ướcđạt 5,6 tỷ m3, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Để đảm bảo đủ sản lượng dầu cho những tháng tới, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã được thực hiện triệt để và đến nay đã có 4 phát hiện dầu khí mới tại các giếng Dơi Nâu, Dương Đông, Lạc Đà Vàng, Báo Trắng. Bên cạnh đó, công tác phát triển mỏ tại Venezuela ngay sau khi hợp đồng thành lập Liên doanh Petromacareo được ký kết ngày 29 tháng 6cũng đã được triển khai...
Cùng với những tăng trưởng của các ngành năng lượng, các ngành công nghiệp nặng cũng đã ghi được dấu ấn quan trọng. Cụ thể, do tháng 7 miền Bắc bước vào mùa mưa nên sản lượng than sạch khai thác ước đạt 3,44 triệu tấn, giảm 4,6% so với tháng 6 và giảm 10,6% so với tháng 7/2009. Tuy nhiên tính chung 7 tháng, sản lượng than sạch ước đạt 25,3 triệu tấn, do đó vẫn tăng 2,2% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, khối lượng bóc đất đá để gia tăng trữ lượng ước đạt 123,3 triệu m3, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Số mét đào lò mới là 187,1 nghìn mét, tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Mặc dù tháng 7 không phải là tháng cao điểm xây dựng, lại thêm việc thời tiết nóng ở miền Bắc và mưa ở miền Nam nhưng tình hình sản xuất thép vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, sản xuất thép tháng 7 ước đạt 0,5 triệu tấn, tăng 9,6% so với tháng 7/2009; tính chung 7 tháng ước đạt 3,1 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Giữ vững tốc độ tăng trưởng ấn tượng, các ngành công nghiệp nhẹ tiếp tục trở thành điểm nhấn trong bức tranh công nghiệp 7 tháng. Cụ thể, ngành dệt may tháng 7 sản xuất ổn định và tăng trưởng khá. Các sản phẩm làm nguyên liệu dùng cho sản xuất vẫn duy trì tốc độ tăng như vải dệt từ sợi bông ước đạt 18,1 triệu m2, tăng 7%; vải dệt từ sợi nhân tạo ước đạt 66,7 triệu m2, tăng 2,6% so với tháng 6. Bên cạnh đó, một trong những sản phẩm may sẵn là quần áo dùng cho người lớn 7 tháng có tốc độ tăng trưởng cao (18%) so với cùng kỳ. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 7 đã vượt qua ngưỡng 1 tỷ USD, tính chung 7 tháng ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ.
Bên cạnh việc tiếp tục ký kết các đơn hàng để đẩy mạnh xuất khẩu, ngành dệt may đã ngày càng trú trọng hơn đến thị trường nội địa bằng việc triển khai thực hiện tích cực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Hiện các siêu thị thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã đẩy mạnh chiến lược phát triển thị trường nội địa, phấn đấu đạt mục tiêu bán lẻ tăng 17-20% năm 2010.
Bắt đầu bước vào vụ sản xuất để phục vụ cho năm học mới, ngành giấy đã ổn định và có tăng trưởng so với cùng kỳ. Sản lượng giấy tháng 7 ước đạt 162,8 nghìn tấn, tăng 8,2% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng, lượng giấy sản xuất ước đạt 924,6 nghìn tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ.
Như vậy, bước vào giai đoạn nước rút, các ngành công nghiệp đã và đang tăng tốc, góp phần quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu lớn của nền kinh tế trong năm 2010.
VEN.vn