Trong suốt chặng đường 60 năm qua, ngành Công Thương tỉnh Hòa Bình luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.


Ghi nhận những thành tựu và đóng góp to lớn của ngành Công Thương Hòa Bình, Chủ tịch nước đã trao tặng Sở Công Thương Hòa Bình phần thưởng cao quý- Huân chương Lao động hạng Nhì.

 

Những dấu ấn của chặng đường 60 năm

Tháng 8/1951, Chi sở mậu dịch Hòa Bình đã được thành lập thuộc phân Sở Mậu dịch liên khu III – tiền thân của Ngành Thương nghiệp. Trụ sở đặt tại Xóm Gừng, Mớ Đá thuộc huyện Lương Sơn cũ (nay thuộc xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi). Trước năm 1959, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp do Phòng Công nghiệp trực thuộc UBND tỉnh đảm nhận. Do nhu cầu phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, ngày 23/9/1959, Ty Công nghiệp Hòa Bình được thành lập, đánh dấu sự phát triển mới của Ngành Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Hòa Bình.

Cùng với sự phát triển của đất nước, do nhiệm vụ của từng thời kỳ, sau nhiều lần chia tách, ngày 31/7/2007, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương hiện nay. Tiếp đó, ngày 17/3/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ra Quyết định thành lập Sở Công Thương trên cơ sở sáp nhập Sở Công Nghiệp và Sở Thương mại - Du lịch, chuyển phần quản lý Nhà nước về du lịch sang Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Trải qua 60 năm phấn đấu liên tục, các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức và lao động Ngành Công Thương Hòa Bình đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, với các phong trào thi đua “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người”, “Giữ dòng điện như giữ mạch máu”, “Không sợ thiếu, chỉ sợ phân phối không công bằng”..., CBCNV ngành Công Thương Hòa Bình vừa dũng cảm chiến đấu vừa hăng hái lao động, sản xuất, hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chính là: xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam.

Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn non trẻ của Hòa Bình như: Xưởng cơ khí 3-2, Xưởng gạch ngói Quỳnh Lâm, Xưởng xẻ và đóng đồ gỗ Hoóc Môn… đã sản xuất ngày đêm, quên mình phục vụ nhân dân và chiến trường. Các cửa hàng mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán, các kho dự trữ hàng hoá ở Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn đã điều hoà cung cầu, bình ổn giá cả thị trường, phục vụ đầy đủ gạo, vải và ''hạt muối Cụ Hồ'' cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Sau thời kỳ chiến tranh, Hòa Bình đã phát triển khá nhanh về công nghiệp và thương mại. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, từ chỗ chỉ có một số cơ sở sản xuất nhỏ, lao động thủ công, đến nay, công nghiệp Hòa Bình đã phát triển khá toàn diện, với trên 6.500 cơ sở sản xuất, thu hút trên 25 ngàn lao động. Đã hình thành các ngành sản xuất có quy mô và sức cạnh tranh, như: khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp chế biến nông lâm sản và vật liệu xây dựng, công nghiệp điện nước…

Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp từng bước được đầu tư đồng bộ. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 8 khu và 17 cụm công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch trên 2.000 ha, thu hút được 55 dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 66 triệu USD và trên 3.700 tỷ đồng. Qua đó góp phần quản lý tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

Lĩnh vực thương mại ngày càng có bước phát triển. Từ một nền thương nghiệp tập trung bao cấp, đến nay đã có trên 18 ngàn cơ sở kinh doanh thương mại, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, thu hút gần 27 ngàn lao động. Cơ sở vật chất trong lĩnh vực thương mại được đầu tư đổi mới. Bên cạnh hệ thống 92 chợ, trên địa bàn tỉnh bước đầu đã hình thành các trung tâm thương mại và siêu thị với cơ sở vật chất khá hiện đại, phương thức mua bán văn minh, mang lại diện mạo mới cũng như đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng người dân trong tỉnh.

Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch ngày càng được hoàn thiện. Sở đã trình UBND tỉnh và Bộ Công Thương phê duyệt nhiều quy hoạch thuộc các lĩnh vực như: thương mại, công nghiệp, điện năng, khoáng sản kim loại màu… góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và làm định hướng cho sự phát triển của các thành phần kinh tế trong xã hội.

Đạt được những thành công trên, bên cạnh yếu tố tài nguyên, cơ chế chính sách... nguyên nhân quan trọng là do Sở Công Thương luôn chú trọng xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ có năng lực, có phẩm chất chính trị và chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ, công chức viên chức. Ghi nhận những đóng góp của ngành Công Thương Hòa Bình trong 60 năm qua, Sở Công nghiệp, Sở Thương mại và Du lịch trước đây, nay là Sở Công Thương đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý.

Trong giai đoạn từ năm 2001 đến nay đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 3 tập thể và 3 cá nhân; 4 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 29 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương Việt Nam”. Nhiều đơn vị cơ sở và cá nhân được tặng cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh và Bộ và của Chính phủ; hàng trăm cán bộ, công chức viên chức đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua…

Mở rộng hợp tác, hội nhập và phát triển

Trong những năm tới, mặc dù bối cảnh thế giới được dự báo là tiếp tục khó khăn, ngành Công Thương tỉnh Hòa Bình sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp đó là: triển khai tốt các chỉ thị của Chính phủ về phát triển kinh tế, chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và các chính sách của UBND tỉnh ban hành.

Với phương châm “Mở rộng hợp tác, hội nhập và phát triển”, cán bộ công chức viên chức sẽ thường xuyên bám sát hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, để triển khai các dự án đảm bảo đúng tiến độ, đồng thời thu hút được các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

Sở cũng tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ nhân lực cả khu vực sản xuất và quản lý; đổi mới công tác khuyến công và xúc tiến thương mại; tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, đảm bảo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch. Toàn ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện thường xuyên, nghiêm túc cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Toàn thể cán bộ công chức, viên chức của ngành Công Thương tỉnh Hòa Bình nỗ lực tập trung thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm quan liêu, phiền hà tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp và cá nhân đến giao dịch và công tác. Toàn ngành phấn đấu đạt được các chỉ tiêu: tăng trưởng bình quân công nghiệp 18,5%; dịch vụ tăng 14,2%. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng chiếm 39,7%, dịch vụ chiếm 36,7% (chưa tính Công ty thủy điện Hòa Bình); kim ngạch xuất nhập khẩu 150-160 triệu USD, trong đó xuất khẩu 100 triệu USD, nhập khẩu 55-60 triệu USD; tỷ lệ hộ dùng điện lưới quốc gia đạt 97%.

Ý thức sâu sắc về vị trí và tầm quan trọng của ngành trong sự phát triển kinh tế địa phương, được sự tin tưởng của các cấp, ngành trong tỉnh, tập thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương Hòa Bình quyết tâm ra sức thi đua, chung tay phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra, góp phần đưa tỉnh Hòa Bình vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình