Tại cuộc họp giao ban tháng 5/2011, Bộ Công Thương đã sơ kết tình hình 3 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Với tinh thần khẩn trương, tích cực, Bộ đã triển khai quyết liệt, tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11, công tác chỉ đạo, điều hành luôn linh hoạt, tập trung xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, do đó mang lại hiệu quả cao và được các tầng lớp nhân dân ủng hộ. Những nhiệm vụ đặt ra tại CTHĐ của Bộ nhằm thực hiện NQ 11 cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Thực hiện Nghị quyết số 11, tại CTHĐ của Bộ Công Thương thực hiện NQ 11, Bộ đã giao cho các đơn vị thực hiện 1 đề án và 8 nhiệm vụ. Đến nay, đề án đã hoàn thành. Trong số 8 nhiệm vụ giao cho các đơn vị, có 3 nhiệm vụ đã hoàn thành trình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, Bộ Công Thương đã tổ chức các cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trao đổi, phối hợp về các biện pháp quản lý nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu. Bộ đã có Công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tăng cường kiểm soát ngoại tệ để quản lý nhập khẩu phù hợp đối với các mặt hàng thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 1380/QĐ-BCT về việc ban hành Danh mục các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu.
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thực hiện các giải pháp tiền tệ hoạt động ngân hàng và thực hiện các biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh ngoại hối, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về niêm yết, giao dịch, quảng cáo, mua bán, vận chuyển, thu đổi ngoại tệ và vàng. Các đội Quản lý thị trường đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra hoạt động kinh doanh ngoại hối.
Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc xây dựng phương án tiết kiệm 10% chi thường xuyên đối với cơ quan Bộ và các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ.
Bộ đã chủ động rà soát kế hoạch đoàn ra năm 2011, các đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện nghiêm túc việc rà soát và tiến hành cắt giảm số đoàn, số người, số ngày công tác cũng như gộp các đoàn công tác có cùng địa bàn hoặc cùng mục đích công tác, cụ thể: sau khi rà soát cắt giảm, tổng số đoàn ra dự kiến sẽ giảm khoảng 92 đoàn so với trước đó.
Về thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng, Bộ đã hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm xúc tiến hoạt động xuất khẩu; tổ chức hội thảo giới thiệu, tư vấn và tìm kiếm đối tác xuất khẩu sang các thị trường; tiếp tục phổ biến nội dung của Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia trên website và các ấn phẩm; tiếp tục thực hiện Đề án Quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử theo đúng lộ trình. Tính đến nay có 7.059 doanh nghiệp đã tham gia Hệ thống này, trong đó trên 1.709 doanh nghiệp thực hiện khai báo thường xuyên. Tổng số C/O điện tử khai báo qua mạng đạt trên 695.014 bộ, trong đó, số lượng cấp là 9.434 bộ; triển khai trực tuyến ở mức độ 3 hệ thống cấp phép nhập khẩu tự động cho các doanh nghiệp nhập khẩu thép (đã triển khai cho 505 doanh nghiệp nhập khẩu thép và cấp trên 1.310 bộ giấy phép); có 459 doanh nghiệp đăng ký tham gia hệ thống khai báo hóa chất và trên 4.088 bộ hồ sơ được khai báo trực tuyến (trung bình mỗi ngày có khoảng 20-25 bộ hồ sơ được khai qua mạng); v.v...
Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động của Ngành Công Thương thực hiện Quyết định này tại Quyết định số 1412/QĐ-BCT ngày 28 tháng 3 năm 2011. Nhằm phát triển sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, Bộ Công Thương đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chương trình hành động quốc gia phát triển sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, hiện đang chờ Thủ tướng phê duyệt để thực hiện. Ban hành Quyết định bổ sung các Quyết định số 2840/QĐ-BCT ngày 28 tháng 5 năm 2010 và số 4872/QĐ-BCT ngày 20 tháng 9 năm 2010 về Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được. Định kỳ cập nhật, bổ sung các Danh mục này.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương đã hoàn thành Chương trình hành động quốc gia về phát triển sản phẩm xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 trình Thủ tướng Chính phủ; Ban hành và đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện Quyết định số 1856/QĐ-BCT ngày 19 tháng 4 năm 2011 về việc ban hành Kế hoạch và các giải pháp điều hành xuất nhập khẩu năm 2011 và thời gian tới.
Bộ đã thường xuyên cung cấp thông tin và chỉ đạo sát sao các Thương vụ thuộc các khu vực thị trường trong việc nắm bắt những thay đổi về chính sách thương mại và việc áp dụng các biện pháp bảo hộ của các nước nhập khẩu, tình hình biến động của thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm hiểu về tình trạng pháp lý và tài chính của doanh nghiệp đối tác, tháo gỡ các rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý các vụ việc tranh chấp thương mại, vi phạm quy định kiểm dịch của nước nhập khẩu. Có các chỉ đạo cụ thể đối với từng vấn đề phát sinh trên từng thị trường cụ thể; Tổ chức các buổi Đối thoại trực tuyến về thị trường EU và thị trường Nhật Bản trên Cổng thông tin Thị trường nước ngoài www.ttnn.com.vn nhằm hỗ trợ thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong công tác kiềm chế nhập siêu, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1380/QĐ-BCT ngày 25 tháng 3 năm 2011 về việc ban hành Danh mục các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu với khoảng 2.000 dòng thuế tương đương với trên 5,67 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu và phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các biện pháp để tăng cường quản lý nhập khẩu đối với các mặt hàng thuộc danh mục. Hiện nay, Bộ đang tiếp tục tổng hợp phản ánh ý kiến của thương nhân và hướng dẫn triển khai thực hiện Thông báo số 197/TB-BCT ngày 06 tháng 5 năm 2011 của Bộ Công Thương về việc nhập khẩu rượu, mỹ phẩm và điện thoại di động và Thông tư số 20/2011/TT-BCT nêu trên.
Bộ cũng đang tiếp tục cập nhật Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được, bổ sung đưa lên website của Bộ Công Thương làm cơ sở để UBND các tỉnh và các doanh nghiệp chỉ đạo thực hiện hạn chế nhập khẩu, ưu tiên sử dụng hàng hoá sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước. Đến nay, Bộ đã ban hành Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được, gồm 120 sản phẩm, nhóm sản phẩm. Bộ đã phối hợp với các Sở Công Thương của 63 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương xây dựng danh sách các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang sản xuất các sản phẩm theo danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được. Sau khi tổng hợp đã đưa lên Website của Bộ (địa chỉ: http://www.moit.gov.vn/Tưliêu). Hiện nay, Bộ vẫn tiếp tục cập nhật, bổ sung danh mục doanh nghiệp và mặt hàng trong nước sản xuất được đưa thông tin lên mạng của Bộ để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng.
Ngoài ra, Bộ cũng đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý nhập khẩu máy móc, thiết bị vật tư bằng nguồn vốn nhà nước, hiện đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Trong công tác tuyên truyền sử dụng năng lượng hiệu quả, Bộ Công Thương đã khuyến khích các doanh nghiệp thuộc Bộ ban hành Kế hoạch Hưởng ứng thực hiện Chiến dịch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chủ động tác nghiệp sản xuất vào các giờ thấp điểm nhằm tiết giảm chi phí điện. Nhằm xây dựng kế hoạch phấn đấu cung ứng điện đủ phục vụ sản xuất hạn chế mức tối đa việc cắt điện, Bộ Công Thương thường xuyên giám sát về cung ứng điện và yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cập nhật tính toán khả năng cung ứng điện của hệ thống để chỉ đạo điều hành kịp thời.
Về công tác đầu tư, Bộ Công Thương thường xuyên chỉ đạo và giám sát chặt chẽ các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, theo tiến độ đã đề ra; kịp thời xử lý, giải quyết những khó khăn vướng mắc cho các nhà thầu cũng như các chủ đầu tư khi có những phát sinh trong thực hiện dự án. Hiện nay các dự án đều được bám sát tiến độ đã đặt ra trong kế hoạch triển khai thực hiện.
Về công tác hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương đã nghiên cứu ý kiến đóng góp cho phương án kết thúc đàm phán Hiệp định Tạo thuận lợi hóa thương mại trong WTO; Hoàn thiện Đề án đàm phán Đô-ha trình Thủ tướng Chính phủ; Điều phối các Bộ/Ngành có liên quan triển khai các kết quả của Hội nghị quan chức cấp cao SOM 1, bắt đầu các công việc chuẩn bị cho Hội nghị SOM 2 và Hội nghị Bộ trưởng kinh tế APEC MRT17, tổ chức tại Montana, Hoa Kỳ; Tham dự phiên đàm phán thứ 6 Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP tại Singapore từ 28 tháng 3 đến 01 tháng 4 năm 2011. Hoàn thiện Đề án đàm phán Hiệp định TPP trình Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục trao đổi với EU về Tài liệu tham chiếu đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - E U.
Về công tác hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, Bộ đã chủ trì đón đoàn Bộ trưởng Băng-la-đét sang Việt Nam, ký kết Biên bản ghi nhớ giữa hai nước về thương mại. Từ thành công của Biên bản ghi nhớ này, Bộ đã gửi công hàm cho các Đại sứ quán một số nước tại Châu Phi có kim ngạch nhập khẩu gạo lớn từ Việt Nam trong thời gian qua để đề xuất nghiên cứu đàm phán ký kết các biên bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa Việt Nam với các nước này; Đã hội đàm với Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Nông nghiệp Ả-rập Xê-út về nhiều nội dung hợp tác trong đó nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực của mỗi nước.
Bộ cũng đã hoàn thành việc phân tích thực hiện mục tiêu 1 tỷ USD kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào năm 2010, hoàn thành nghiên cứu và đề xuất đối với FTA giữa Việt Nam và khối EFTA, tình hình đàm phán FTA Việt Nam-EU báo cáo Chính phủ, v.v...
Trong công tác xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 1931/QĐ-BCT ngày 21 tháng 4 năm 2011 phê duyệt Chương trình XTTM quốc gia năm 2011 (đợt 1) gồm: 50 đề án của 22 tổ chức xúc tiến thương mại và 16 địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước là 55 tỷ đồng. Chương trình XTTM quốc gia 2011 bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu, thị trường trong nước, thương mại miền núi, biên giới và hải đảo. Về xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu, Chương trình tập trung khai thác các hoạt động XTTM có hiệu quả cao như thông tin thương mại, tuyên truyền xuất khẩu, tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, khảo sát thị trường nước ngoài, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm xúc tiến thương mại.
Về điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo, Bộ đang hoàn thiện dự thảo Thông tư giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản để hướng dẫn thực hiện Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2011 về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường.
Về tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Công Thương đang tổng hợp ý kiến để hoàn thành Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu và ban hành Quy chế quản lý xăng dầu khu vực biên giới. Trong 5 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 79.692 vụ và xử lý 43.694 vụ vi phạm (trong đó 5369 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 5699 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng; 24.323 vụ kinh doanh trái phép và vi phạm khác; 6.307 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá).
Về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và cải cách hành chính, Bộ thường xuyên nhắc nhở, quán triệt đến cán bộ, công nhân viên toàn ngành thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Tính đến nay đã có 10 Tập đoàn, Tổng công ty và 39 Sở Công Thương xây dựng Chương trình hành động. Định kỳ các Sở Công Thương và Tập đoàn, Tổng công ty đều có báo cáo để Bộ tổng hợp.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể thực hiện Nghị quyết 11 như sau: Tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung, chính sách và kết quả thực hiện bước đầu của Nghị quyết số 11; Tiếp tục hoàn thành những nhiệm vụ được giao tại CTHĐ của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 11; Tập trung tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát giá cả; Tập trung theo dõi diễn biến giá cả, cung cầu hàng hoá, tăng cường kiểm tra chuyên ngành và phối hợp kiểm tra đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng, các mặt hàng thuộc diện đăng ký kê khai giá và bình ổn giá; Khẩn trương ban hành các Thông tư: Hướng dẫn giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản; Hướng dẫn cơ sở sản xuất sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Hướng dẫn dán nhãn năng lượng; Hướng dẫn đào tạo Cán bộ quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng; Phối hợp với Hiệp hội các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và các Chủ đầu tư soạn thảo và ban hành cơ chế thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước các hạng mục thiết bị nhà máy nhiệt điện.
Nguồn: moit.gov.vn