Liên quan đến hệ thống tổ chức dự trữ quốc gia, thay vì quy định gồm Cục Dự trữ quốc gia và các đơn vị dự trữ quốc gia khu vực như trước đây, Nghị định này sửa đổi theo hướng cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia, được tổ chức theo hệ thống dọc gồm Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực bố trí ở các địa bàn chiến lược trong cả nước. Cục Dự trữ Nhà nước khu vực có các Chi cục Dự trữ Nhà nước, trực tiếp quản lý, bảo quản hàng dự trữ quốc gia và xuất, nhập kho, mua vào, bán ra hàng dự trữ quốc gia theo lệnh của cấp có thẩm quyền.
Nghị định cũng có quy định sửa đổi nội dung về bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Theo đó, hàng dự trữ quốc gia phải được cất giữ đúng địa điểm quy định, bảo quản theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc yêu cầu kỹ thuật bảo quản tạm thời; phải có đủ hồ sơ ghi rõ số lượng, chất lượng, giá trị và các diễn biến trong quá trình nhập, xuất, bảo quản. Không được thay đổi địa điểm để hàng và các yêu cầu kỹ thuật bảo quản khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm xây dựng hồ sơ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia thuộc phạm vi quản lý của mình gửi Bộ Tài chính.
Về quản lý giá mua, giá bán hàng dự trữ quốc gia, Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số nội dung cụ thể như sau: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định giá mua, giá bán cụ thể đối với hàng dự trữ quốc gia về quốc phòng, an ninh sau khi thống nhất về nguyên tắc định giá với Bộ Tài chính. Căn cứ vào giá tối đa, tối thiểu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định, Thủ trưởng Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia quyết định mức giá mua, giá bán cụ thể theo quy định hiện hành, sát với giá thị trường tại từng thời điểm và từng địa bàn thuộc phạm vi quản lý; đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đối với giá mua, giá bán những mặt hàng thuộc thẩm quyền quản lý về giá của Sở Tài chính địa phương, Thủ trưởng Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia chỉ đạo lấy ý kiến tham khảo của Sở Tài chính trên địa bàn có mua, bán hàng dự trữ quốc gia trước khi quyết định. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định phương án giá, quyết định giá thực hiện theo đúng quy định hiện hành của pháp luật về Giá.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2012.
upload/file/ND%2043-2012-CP.pdf
Moit.gov.vn