Theo đó, Cục Công nghiệp địa phương đã và đang tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách sau: Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công; Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 về khuyến công; Thông tư số 36/2013/TT-BCT ngày 27/12/2013 của Bộ Công Thương quy định về trình tự xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, thanh quyết toán và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia; Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18/02/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương (thay thế Thông tư liên tịch số 125/2009/TTLT/BTC-BCT ngày 17/6/2009); Thông tư liên tịch số 16/2011/TTLT-BCT-BNV ngày 05/4/2011 của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp trực thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT ngày 10/10/2012 về việc hướng dẫn xử lý cụm công nghiệp (CCN) hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 35/2010/TT-BCT ngày 12/11/2010 của Bộ Công Thương quy định về việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương miền núi, vùng dân tộc thiểu số, Bộ Công Thương đã tổ chức các Hội nghị ngành Công Thương theo khu vực: Trung du miền núi Bắc Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long; Tổ chức các Hội nghị giao ban Giám đốc các Sở Công Thương với chủ đề “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại tập trung chủ yếu ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số”; Giải quyết các kiến nghị của tỉnh ủy Kon Tum, Bình Thuận, Kiên Giang, Hà Giang và UBND các tỉnh Lai Châu, Phú Thọ, Long An, Quảng Bình… Hướng dẫn, góp ý cho địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch về lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Thẩm định, đóng góp ý kiến cho các đề án quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực cho các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế. Đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Hoạt động khuyến công giai đoạn 2011 - 2013 và dự kiến năm 2014 hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề cho gần 94.000 lao động; Hỗ trợ xây dựng 221 mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến, nhân rộng sản phẩm mới, công nghệ mới; Hỗ trợ 142 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong nước với 5.126 gian hàng tiêu chuẩn; Hỗ trợ tổ chức 6 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu và bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 25 cụm công nghiệp… Thông qua các chương trình, đề án khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và dần từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghiệp, hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đặc biệt là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu như dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ...
Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Cục Công nghiệp địa phương đã đề xuất Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kết quả rà soát việc quy hoạch, thành lập và hoạt động của các CCN trên địa bàn của 14 địa phương (đợt 1). Thông qua kết quả rà soát cho thấy, hoạt động của CCN tại 14 địa phương đã phát huy kết quả nhất định, thu hút được một số lượng lớn các dự án đầu tư vào cụm (1.463 dự án), giải quyết việc làm đáng kể cho lao động ở địa phương (56.700 người); góp phần thu hút đầu tư phát triển CN-TTCN ở địa phương theo định hướng quy hoạch; đồng thời di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, thuận tiện cho việc xử lý ô nhiễm môi trường; thông qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn. Một số địa phương có các CCN đi vào hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy cao như: Nghệ An (84 %), Phú Yên (80 %), Khánh Hòa (100 %), Đồng Nai (83 %), Long An (79 %).
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện các đề án khuyến công quốc gia về hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết CCN và hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN cho các địa phương theo Quyết định của Lãnh đạo Bộ đã và đang được Cục Công nghiệp địa phương triển khai thực hiện. Thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện và xét công nhận xã đạt chuẩn tiêu chí số 4 (tiêu chí điện) và tiêu chí số 7 (tiêu chí xây dựng chợ) tại 11 địa phương có xã thí điểm của Ban Bí thư Trung ương và tại các địa phương ở 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Công tác đưa điện về nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có điện đã và đang được Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan khác hết sức quan tâm. Hiện nay, một loạt các dự án cấp điện trên cả nước đã và đang triển khai thực hiện: Dự án Năng lượng nông thôn 2 (REII) thực hiện tại địa bàn 25 tỉnh, thành phố bao gồm khoảng 1.500 xã; Dự án “Phát triển Năng lượng tái tạo và cải tạo, cấp điện cho các xã vùng sâu, vùng xa” vay vốn ADB với quy mô đầu tư 211,77 triệu USD, thực hiện cải tạo lưới điện tại các xã thuộc 5 tỉnh miền Trung và mở rộng lưới điện cho các xã thuộc 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Trà Vinh, Sóc Trăng. Dự án kết thúc sẽ có 384 xã với 495.351 hộ dân được hưởng lợi từ Dự án trong đó có khoảng 318.600 hộ mới được cấp điện; Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tại các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh; Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La, triển khai tại 106 xã (557 thôn bản) thuộc 11 huyện, thành phố tỉnh Sơn La, cấp điện cho 30.157 hộ dân.
Giai đoạn 2010-2015, nguồn vốn huy động đầu tư cải tạo và xây mới hệ thống điện nông thôn dự kiến khoảng 24.055 tỷ đồng, chủ yếu là vốn ngành điện và các dự án vay vốn nước ngoài, một số do nhân dân đóng góp đất xây dựng hành lang an toàn lưới điện. Theo kế hoạch đến năm 2015, cả nước số xã đạt tiêu chí về điện nông thôn là 7.709 xã chiếm 85% tổng số xã của cả nước. Về đầu tư cải tạo, xây mới chợ nông thôn: dự kiến từ năm 2010 đến 2015 là 5.161 tỷ đồng, chủ yếu là vốn xã hội hóa và các nguồn khác. Đến nay, cả nước có 3.203 xã đạt tiêu chí số 7 chiếm 35,3% so với tổng số xã cả nước.
Phương hướng, giải pháp hoàn thiện chính sách
Mục tiêu đến năm 2020, thông qua các chương trình khuyến công trên cả nước sẽ hỗ trợ đào tạo được khoảng 200.000 lao động cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ khoảng 20.000 lượt học viên tham gia các khoá đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, hội nghị, hội thảo chuyên đề; hỗ trợ cơ sở CNNT xây dựng 250 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ cho 400 cơ sở CNNT; hỗ trợ 2.500 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ngoài nước; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải chung cho khoảng 200 cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020 dự kiến sẽ có 8.624 xã đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn, chiếm 95,16%. Trong đó, phấn đấu có 95% số xã đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. Đến năm 2020 có 4.526 xã đạt tiêu chí số 7 về chợ nông thôn, chiếm 50% tổng số xã trên địa bàn cả nước.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn có những khó khăn: Việc xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của một số địa phương còn chậm; Các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, chưa thật sự được tiếp cận với các cơ chế, chính sách sách ưu đãi để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; Công tác huy động vốn đầu tư còn gặp nhiều khó khăn; Liên kết giữa các địa phương trong vùng còn yếu; Việc đầu tư cho điện nông thôn để đạt tiêu chí số 4 rất khó khăn và tốn kém; Nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho đầu tư chợ nông thôn còn hạn chế; Hiệu quả đầu tư khai thác, kinh doanh chưa cao nên khó thu hút xã hội hóa đầu tư từ các doanh nghiệp... Do đó cần có các phương hướng, giải pháp hoàn thiện chính sách về phát triển công nghiệp.
Đối với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương: cần đẩy mạnh công tác rà soát quy hoạch và thực hiện các quy hoạch. Xây dựng cơ chế chính sách phát triển công nghiệp địa phương, khuyến công, cụm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Công Thương trong các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Tổ chức các Hội nghị về phát triển công nghiệp Vùng.
Về công tác khuyến công, cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn, tăng kim ngạch xuất khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp, tăng mạnh công nghiệp chế biến các sản phẩm nông - lâm - thủy sản; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nâng cao năng lực của tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công.
Trong công tác quản lý cụm công nghiệp (CCN), đánh giá, tổng kết 5 năm thực hiện Quy chế quản lý CCN ban hành kèm theo Quyết định số 105/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung Quy chế hoặc xây dựng Nghị định thay thế cho phù hợp với thực tiễn. Xử lý các CCN hình thành trước Quy chế quản lý CCN có hiệu lực theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT ngày 10/10/2012 của Bộ Công Thương và Bộ KH&ĐT. Từ chương trình khuyến công quốc gia đề xuất Ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề xuất Chính phủ xem xét cơ chế bố trí vốn ngân sách nhà nước hàng năm hoặc cấp vốn thông qua các dự án ODA, vốn vay ưu đãi để đầu tư điện nông thôn; đặc biệt là chính sách vốn ngân sách nhà nước đầu tư điện nông thôn cho các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế để huy động, xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ. Hướng dẫn các địa phương thành lập Ban quản lý chợ, Hợp tác xã, Doanh nghiệp quản lý chợ nông thôn theo Nghị định 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
Lê Mai Hương