Tuần qua tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Đánh giá tác động hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập WTO”.



Phát biểu tại hội thảo, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế tác động lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt tác động trực tiếp và nhanh nhất đến thương mại quốc tế và đầu tư, từ đó lan tỏa đến sản xuất trong nước, tạo việc làm và giảm nghèo. Theo ông Thành, nhìn tổng thể, hội nhập kinh tế quốc tế và đặc biệt là việc ra nhập WTO năm 2007 đã có tác dụng tích cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 4 năm qua.

Nổi bật nhất trong quá trình này là tổng vốn đầu tư toàn xã hội sau khi Việt Nam gia nhập WTO cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, năm 2009 là hơn 42% GDP. Tác động đến tăng trưởng kinh tế năm 2008 là 6,3%, năm 2009 đạt 5,3%- một con số tương đối cao hơn so với mức tăng trưởng thấp hoặc âm của nhiều nước trên thế giới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Các cơ hội đan xen thách thức từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế Việt Nam. Ngay từ năm 2007, Việt Nam đã được hưởng lợi từ hội nhập như môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, rào cản từ các đối tác thương mại đã được cắt giảm hàng loạt. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới với hàng loạt cam kết đã bắt đầu được thực hiện, đem đến những thuận lợi cho hoạt động thương mại nói chung và xuất khẩu nói riêng khi xuất khẩu trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Cụ thể năm 2007, kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2006; năm 2008 kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng lên 62,7 tỷ USD, tăng tới 29,1% so với năm 2007.

Bên cạnh đó, môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, mức độ mở cửa cũng cao hơn sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO; các điều kiện ưu đãi trong các hiệp định thương mại, đầu tư song phương và khu vực cũng được hợp lý và mở rộng, tạo điều kiện quan trọng thu hút đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, một trong những kỳ vọng lớn khi gia nhập WTO là sự chuyển đổi nhanh chóng và tích cực của thị trường lao động nhờ mở rộng sản xuất phục vụ xuất khẩu. Nhưng, kết quả cho đén nay chưa đạt được như kỳ vọng. Cơ cấu lao động chưa chuyển dịch đúng hướng, phân phối lực lượng lao động theo vùng đã xuất hiện những xáo trộn bất lợi. Đáng chú ý, lợi ích của việc hội nhập kinh tế quốc tế chưa lan tỏa ngay đến lao động khu vực nông thôn, do đó số lao động thất nghiệp của khu vực này vẫn gia tăng.

Trước đó, trong hội thảo tại TP.HCM ông Võ Trí Thành cho biết, Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư sẽ tăng sau khi gia nhập WTO. Nhưng, từ năm 2007- thời điểm Việt Nam gia nhập WTO cho đến nay- xuất khẩu của Việt Nam có tăng nhưng mức tăng không như kỳ vọng như lúc ban đầu. Tỷ lệ tăng ở mức cao, nhưng chủ yếu là do giá cả thế giới tăng, vẫn xuất khẩu nguyên liệu thô và các mặt hàng thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chứ chưa có nhiều tác động tích cực từ việc gia nhập WTO.

“Còn về nhập khẩu, chúng ta cũng dự đoán là tăng nhưng không lường được là nhập khẩu lại tăng mạnh mẽ đến mức gây ra thâm hụt cán cân thương mại lớn đến như vậy”- ông Thành nói- Hiện 70% hàng hoá Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng trung gian, tức là nhập để sản xuất và 60% hàng trung gian này nhập về dán mác, sản xuất lại để bán nội địa, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước".

Các phân tích số liệu của CIEM cho thấy, việc hội nhập kinh tế cũng giúp thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, chuyển dần từ nguyên liệu thô sang sản phẩm công nghiệp chế biến có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, trong thay đổi cơ cấu này, không có nhiều bạn hàng nhập hàng hóa của Việt Nam nhiều hơn sau khi hàng rào thuế quan được giảm xuống, mà chủ yếu là do sự lựa chọn mặt hàng theo yêu cầu thị trường giúp thay đổi cơ cấu. Hiện Việt Nam vẫn đang loay hoay, tìm cách giảm thâm hụt thương mại, với việc gần đây thâm hụt 10-11 tỷ USD với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, việc thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam không phải là vấn đề Việt Nam- Trung Quốc mà là vấn đề kinh tế vĩ mô của bản thân Việt Nam.

Việt Nam cũng kỳ vọng việc hội nhập kinh tế sẽ giúp các nhà đầu tư có cái nhìn khả quan hơn về Việt Nam, đầu tư sẽ tăng lên giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam và tạo ra nhiều việc làm mới. Thực tế, đầu tư nước ngoài chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ do sự mở cửa của lĩnh vực này. Ngoài ra, đầu tư vào bất động sản, khách sạn, nhà hàng chiếm vị trí đầu trong thu hút đầu tư FDI, nhưng những lĩnh vực mà Việt Nam muốn thu hút, như y tế, nông nghiệp, lại không thu hút được nhiều.

Để phát huy hết tiềm năng, cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, đồng thời hạn chế các tác động tiêu cực của nó, các chuyên gia cho rằng, trước tiên việc cần làm là nâng cao năng lực thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp với cam kết hội nhập và các chuẩn mực kinh tế thị trường; nghiên cứu và ban hành các quy định quản lý liên quan đến thị trường tài chính, đất đai, lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng gia tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, theo hướng chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, năng lực kết cấu hạ tầng cũng cần được cải thiện trong thời gian tới.

 

Đắc Hanh (Công thương điện tử)