Bên lề Phiên chuyên đề “Hợp tác thương mại, công nghiệp, năng lượng và đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Phi” trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế Việt Nam – châu Phi lần 2 ngày 17 tháng 8 năm 2010, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tiếp xã giao Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (UN), ông Cheick Sidi Diarra, và Bộ trưởng - Cố vấn đối ngoại và Đại diện thường trực của Tổng thống Trung Phi tại Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF),ông Joseph Kiticki.


Tại buổi tiếp Phó Tổng thư ký UN, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và ông Cheick Sidi Diarra cùng nhất trí rằng những kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và châu Phi vẫn còn rất nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của mỗi bên. Ông Cheick Sidi Diarra mong muốn Việt Nam tham gia vào các hoạt động hỗ trợ chương trình xoá đói giảm nghèo ở châu Phi, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng chính sách thương mại, phát triển kinh tế ở Việt Nam; xem xét việc ưu tiên xuất khẩu gạo cho các nước châu Phi.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết sẽ xem xét những ý kiến của Ngài Phó Tổng thư ký UN, đồng thời đề nghị UN tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ chương trình hợp tác ba bên giữa Việt Nam với các nước châu Phi có sự tham gia của Liên hợp quốc và các Tổ chức quốc tế.

Tại buổi tiếp Bộ trưởng - Cố vấn đối ngoại và Đại diện thường trực của Tổng thống Trung Phi tại Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và ông Joseph Kitickicho cùng nhất trí rằng Việt Nam và CH Trung Phi là hai nền kinh tế có thể bổ sung cho nhau, nhiều sản phẩm của Việt Nam phù hợp với nhu cầu thị trường Trung Phi như dệt may, da giầy, lương thực và ngược lại Trung Phi có tiềm năng rất lớn về khoáng sản (khai thác kim cương), nông nghiệp và những sản phẩm phù hợp cho nhu cầu sản xuất của Việt Nam.

Hai bên cùng đề xuất xem xét ký một hiệp định khung về hợp tác giữa Việt Nam và Trung Phi, tập trung vào các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư. Cụ thể, Việt Nam và CH Trung Phi cũng có thể xem xét đầu tư vào một số lĩnh vực liên quan như trồng rừng và khai thác chế biến gỗ; sản xuất mía đường; trồng và chế biến cà phê; hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, chế tác kim cương; thành lập các liên doanh sản xuất và chế biến sản phẩm tại Trung Phi; đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng; nhập khẩu vật liệu xây dựng, v.v…

Ông Joseph Kitickicho cho rằng việc tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Phi sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào khu vực thị trường với khoảng 300 triệu dân ở Trung và Tây Phi. Hiện tại, Việt Nam và Trung Phi đang triển khai thực hiện thoả thuận hợp tác ba bên giữa Việt Nam, CH Trung Phi và OIF. Phía bạn mong muốn xây dựng mô hình hợp tác này thành mô hình hợp tác điển hình ở châu Phi.
 


Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á