Với mục tiêu góp phần thúc đẩy ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên (MT-TN) phát triển mạnh mẽ, Hội nghị ngành công thương 14 tỉnh vùng duyên hải MT-TN được tổ chức thường niên nhằm trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, tìm kiếm những giải pháp và khả năng liên kết vùng, liên kết với các vùng trong nước và thế giới, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy công nghiệp, thương mại phát triển, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Ngoài ra, trọng tâm của Hội nghị lần này còn bàn đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, căn cứ vào điều kiện của từng địa phương, sở Công Thương các tỉnh đều đã hết sức tích cực, quyết liệt và có những đề xuất giải pháp cụ thể trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết hàng tồn kho, ổn định sản xuất... Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương đã được triển khai tích cực và đồng bộ. Các Sở Công Thương trong Vùng đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện để nâng cao năng lực sản xuất của ngành. Các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, khuyến công, quản lý thị trường… đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng ngành Công Thương các tỉnh, khu vực duyên hải MT-TN được đánh giá là khá ổn định và duy trì được mức tăng trưởng hàng năm. Trong 7 tháng đầu năm 2012, lĩnh vực công thương đã có những bước phát triển với nhiều ngành đạt khá, công tác quản lý nhà nước ngành được tập trung triển khai một cách tích cực. Cụ thể, tổng giá trị SXCN toàn vùng ước đạt trên 66.979 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ, đạt 55% kế hoạch. Chỉ số SXCN của 14 tỉnh, thành đều tăng; trong đó có 08 tỉnh, thành phố chỉ số SXCN cao hớn mức bình quân cả nước là Quảng Nam (+12,5%); Khánh Hòa (+10,8%); Quảng Trị (+10,68%); Huế (+9,5%); Ninh Thuận (9,16%); Quảng Bình (+7,79%); Bình Định (+6%); Đà Nẵng (+5,47%). Các sản phẩm chủ yếu hầu hết vẫn giữ được mức tăng trưởng khá như: Linh kiện điện tử (Đà Nẵng); Vật liệu xây dựng (Quảng Bình, Bình Định, Kon Tum); thép cán (Đà Nẵng, Quảng Nam); bia, sữa (Quảng Ngãi, Đà Nẵng); phân bón (Quảng Trị, TT- Huế); tinh bột sắn, đồ gỗ, ván gỗ (Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai); nước yến (Khánh Hòa); đường (Phú Yên, Bình Định); Cao su, cà phê, hạt điều (Gia lai, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Đắc Nông).
Trong thời gian qua, để thu hút và quảng bá cho Vùng, các địa phương đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2012, Festival Huế, Hội chợ Vietbuid, Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao... Các chương trình thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, bán hàng khuyến mãi tại siêu thị, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn đã góp phần thúc đẩy thị trường tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ Vùng 7 tháng đầu năm 2012 đạt 187.624 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do sức ép tăng giá hàng hoá và nguy cơ lạm phát tăng cao, hoạt động SXCN và thương mại còn một số hạn chế: SXCN còn chậm đi vào đầu tư chiều sâu, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa có sự thay đổi lớn, hàm lượng giá trị gia tăng trong SXCN còn thấp, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, mức độ ứng dụng khoa học - kỹ thuật và năng lực dự báo thị trường chưa cao. Doanh nghiệp thương mại chưa đủ mạnh để hình thành hệ thống phân phối hiện đại, chưa tận dụng được lợi thế liên kết Vùng để phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa.
Tại hội nghị, sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã đánh giá cao những nỗ lực trong phát triển lĩnh vực công thương toàn Vùng. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị ngành Công Thương các địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, làm tốt công tác tham mưu, dự báo cho tỉnh để có hướng xử lý kịp thời những vướng mắc trong chỉ đạo điều hành nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2012.
Về nội dung hợp tác liên kết giữa các địa phương trong vùng, theo Thứ trưởng, đây là một yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, để phát triển lâu dài, bền vững, trước hết, các Sở Công Thương cần rà soát, xây dựng quy hoạch công nghiệp – thương mại của địa phương, trên cơ sở đó, xây dựng mối liên kết hợp tác với các tỉnh, thành trong vùng để cùng phát triển. Việc hợp tác, liên kết phải sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, đồng thời cần có giải pháp cụ thể, phải xây dựng các phương án cụ thể, tránh liên kết theo phong trào. Có như thế việc liên kết mới phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, của vùng.Hội nghị ngành Công thương 14 tỉnh – thành phố duyên hải MT-TN lần thứ VI – năm 2013 sẽ được tổ chức tại tỉnh Kon Tum.
AIP.