Bộ Công Thương cho biết: Trước đây Việt Nam thường nhập siêu nhưng nay đã có 4 năm xuất siêu. Điều này cho thấy cán cân thương mại đã cân bằng nhưng với dự báo rất có thể việc sẽ nhập siêu trở lại do những mặt hàng có sự đóng góp lớn cho xuất khẩu như nông sản có kim ngạch giảm dần.


Với đặc điểm sản xuất nông thuỷ sản phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, thường xuyên chịu ảnh hưởng bão lụt; mặt hàng này là nhóm giá trị ban đầu mang lại thấp. Đơn cử như mặt hàng cà phê, lúa gạo, hạt tiêu, điều… có giá trị xuất khẩu rất thấp, mặc dù, nước ta đứng vị trí thứ nhất, thứ nhì. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa làm chủ được thị trường, không quyết định giá mà phải chạy theo giá của thị trường. Ngoài ra, Việt Nam cũng có sản lượng gạo lớn nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm. Điều này cho thấy, xuất khẩu của chúng ta không bền vững khi những mặt hàng có tỷ trọng xuất lớn nhưng xuất khẩu bấp bênh.


Về định hướng xuất khẩu trong thời gian tới liên quan đến mặt hàng nông lâm thuỷ sản, Bộ Công Thương cho rằng điều bắt buộc là phải nâng cao năng suất chất lượng, chế biến sâu và ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến để nâng giá trị. Ví dụ như xuất khẩu gạo ngày càng khó khăn, giá thấp thì các sản phẩm chế biến từ bột gạo  đang được các thị trường Nhật, Mỹ, Pháp.. ưa chuộng. Nếu như gạo xuất khẩu phải đạt các tiêu chuẩn tỉ lệ tấm là 25%, 15% hoặc 5% thì nguyên liệu làm bột gạo chỉ là tấm, một loại phụ phẩm của gạo. Vì vậy, giá nguyên liệu đầu vào cũng thấp hơn nhiều so với gạo trắng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Còn sản phẩm chế biến thì có giá xuất khẩu cao gấp 4 lần so với việc xuất khẩu gạo thô.


Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 11%/năm. Để đạt được mục tiêu này, theo Bộ Công Thương, phải chú trọng hơn nữa trong việc phát triển nguồn hàng xuất khẩu. Có biện pháp dài hạn, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm ổn định, bền vững, nhất là các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực, có lượng hàng hoá lớn.


Bảo Khánh