Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6, trong 6 tháng đầu năm 2012, có 26.324 doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động, chiếm khoảng 5,3% tổng DN đang hoạt động, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2011. CôngThương - Trong đó, đáng chú ý nhất là số DN giải thể tăng tới 35,4%. Riêng tháng 6 có 4.100 DN phá sản, chiếm 15,6% số DN ngừng hoạt động trong 6 tháng. Số lượng DN đăng ký thành lập mới 6 tháng giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Tổng cục Thống kê cũng cho biết thêm, có 31,7% số DN được khảo sát dự kiến thu hẹp sản xuất kinh doanh, 13% giảm quy mô lao động, 10% cắt giảm vốn và có tới 25,5% lường trước giảm doanh thu, 27,9% giảm lợi nhuận. Với mức tăng trưởng như hiện nay, để đạt mục tiêu tăng GDP 6 - 6,5% cho cả năm 2012, GDP phải tăng 7,28 - 8,18% trong những tháng còn lại- tỷ lệ bất khả thi.

Trong bối cảnh lạm phát liên tục những năm qua đã làm cho tiền buộc phải chui vào hàng hoá chỉ đơn giản để làm phương tiện thanh toán (do giá tăng) thay vì chui vào ngân hàng để đi ra sản xuất, tạo ra hiện tượng “tiền nhiều, vốn ít”. Tình trạng này nếu không được nhận dạng và có giải pháp thỏa đáng bằng cách có chính sách tác động vào tổng cung, tổng cầu để dẫn dắt và tôn trọng quy luật thị trường, thì sẽ dẫn đến một trong hai thái cực tiêu cực rất nguy hiểm không thua kém nhau: Hoặc “vung tay” nới lỏng tiền tệ quá mức để lạm phát siêu mã. Hoặc tiếp tục bóp chặt tổng cầu, gây ra giảm phát, làm cho nền kinh tế không tạo ra được giá trị mới, sản phẩm dở dang và tồn kho lớn do thu nhập thấp, sức mua yếu, người lao động không có tiền, thất nghiệp cao...

Trong một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 31/7, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo so với cùng kỳ năm trước đã giảm dần từ 34,9% tại thời điểm 1/3/2012, xuống 29,4% thời điểm 1/5 và 21% thời điểm 1/7. Chỉ số này đã giảm liên tiếp trong vòng 3 tháng qua nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với con số 19,3% những tháng cuối năm 2011.

Sự không bình thường này khẳng định sự giảm sút của tổng cầu có khả năng thanh toán của sức tiêu thụ cả ở trong và ngoài nước của nền kinh tế. Chính vì vậy, gần đây dù hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) đã tung ra những chương trình tín dụng với lãi suất cho vay giảm, vẫn không làm gia tăng được tín dụng một cách đáng kể và an toàn theo kỳ vọng.

Bài toán nổi lên cho nền kinh tế là làm sao để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp? Để góp phần tìm câu trả lời, xin đề xuất một số giải pháp cụ thể:

Các DN hơn lúc nào hết cần mở rộng thị trường tiêu thụ theo nguyên tắc “buôn có bạn, bán có phường” thông qua các hiệp hội ngành nghề để tổ chức hình thành các kênh phân phối hợp lý, có tổ chức từ sản xuất tới tiêu dùng ở tất cả các tỉnh, thành phố theo đặc thù truyền thống địa phương nhằm phát triển mạnh thị trường tiêu thụ ở trong nước và tổ chức các dòng sản phẩm ra các thị trường nước ngoài.

Chính phủ cần có chính sách kích cầu và coi đây là giải pháp cấp bách hiện nay. Vì trong thực tế, nền kinh tế đã và đang rơi vào trạng thái trì trệ. Lúc này kích cầu nghĩa là phải “kích” mạnh vào năng lực mua hàng hóa, dịch vụ chứ không phải “kích” mạnh vào khu vực sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ đối với những loại đã đầy ứ trong kho, nhất là bất động sản. Các chính sách kích cầu cần chỉ rõ địa chỉ, ví dụ: Tăng lương, giảm thuế giá trị gia tăng; giảm phí cầu đường; thanh tra và xóa mọi loại phí tự đặt ra không đúng thẩm quyền ở mọi ngành, mọi cấp; mua hàng tạm trữ; tiếp tục dẫn dắt thị trường giảm lãi suất cho vay; dùng các hàng rào kỹ thuật chống hàng tiêu dùng nhập khẩu tràn lan; chống ngoại hối hóa phương tiện thanh toán bằng cách tăng cường chống “đôla hóa”, chống độc quyền vàng…

Kích cầu nghĩa là phải “kích” mạnh vào năng lực mua hàng hóa, dịch vụ chứ không phải “kích” mạnh vào khu vực sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ đối với những loại đã đầy ứ trong kho, nhất là bất động sản.


 

Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai