Tuy được vinh danh là “Đệ nhất xứ Trà” nhưng sản phẩm chè Thái Nguyên vẫn chỉ tiêu thụ trong nước là chủ yếu.
Bắt đầu từ chất lượng
Để có vị thế trên thị trường trong và ngoài nước, ngoài bí quyết sao chè lâu đời thì việc sản xuất chè an toàn rất được Thái Nguyên chú trọng. Bài học đắt giá từ những năm 2007 về vấn nạn “chè vàng” và mới đây là sự việc “chè bẩn” khiến người sản xuất chè điêu đứng, làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc và uy tín của chè Việt trên trường quốc tế. Từ những bài học đắt giá đó, Thái Nguyên đã tuyên chiến tẩy chay “chè bẩn”. Nhiều năm qua, Thái Nguyên đã tổ chức những vùng sản xuất chè an toàn như HTX chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên). Nằm trong vùng chè đặc sản Tân Cương, HTX chè Tân Hương đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn UTZ Certified (tiêu chuẩn về sản xuất các sản phẩm nông sản tốt trên quy mô toàn cầu). Tiếp đến là xây dựng thành công 30 hộ theo mô hình quản lý chất lượng nội bộ trong sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn Global Gap Công ty CP chè Vạn Tài là đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global Gap trên cây chè với diện tích là 4ha. Điều này đã góp phần không nhỏ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và tạo thương hiệu sản phẩm. Năm 2011, tiếp tục áp dụng mô hình quản lý chất lượng Global Gap cho các hộ tại xóm Hồng Thái (xã Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên) với diện tích 5 ha; xóm Làng Chủ (xã Trung Hội, huyện Định Hoá) diện tích 2,7 ha; xóm Hương Hội (xã Sơn Phú, huyện Định Hoá) với diện tích 5 ha. Đặc biệt, hoạt động khuyến công Thái Nguyên đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 10 nghìn lao động tại các làng nghề, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các HTX chế biến chè ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến và bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè và tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương. Trong khuôn khổ Festival Trà Quốc tế Thái Nguyên 2011, một Hội thảo về cây chè với chủ đề “Chè Việt Nam hội nhập quốc tế” được tổ chức đã thu hút đông đảo các đại biểu đến từ các Hiệp hội chè thế giới và các nước, vùng lãnh thổ và sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu chè... Đa số các đại biểu cho rằng, điều kiện sống còn của ngành chè Việt Nam là cần tuân thủ nghiêm ngặt khâu tuyển chọn giống và sản xuất, chế biến chè theo đúng quy trình sản xuất chè an toàn.
Đến xúc tiến thị trường
Để sản phẩm mang thương hiệu chè Thái Nguyên vươn ra thị trường các nước trong khu vực và thế giới, từ năm 2005, Thái Nguyên đã tổ chức nhiều Lễ hội chè; Tuần văn hóa chè… đặc biệt, Thái Nguyên đã có chương trình xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu tiềm năng phát triển cây chè sang thị trường Pakistan, Trung Quốc. Trong 3 năm gần đây (2009 -2011), Trung tâm Xúc tiến Thương mại Thái Nguyên (Sở Công Thương) đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu trực tuyến giữa một số doanh nghiệp xuất khẩu chè Thái Nguyên với Thương vụ Việt Nam cùng các đối tác nhập khẩu chè tại Pakistan. Đại diện phía Hiệp hội chè và các doanh nghiệp nhập khẩu chè Pakistan đã bày tỏ mong muốn được tìm hiểu và tăng cường nhập khẩu chè Việt Nam nói chung, chè Thái Nguyên nói riêng, cũng như mong muốn được ký hợp đồng và nhận hàng trực tiếp từ các doanh nghiệp Việt Nam mà không phải thông qua nước thứ ba. Pakistan là bạn hàng truyền thống trong nhập khẩu các sản phẩm chè của Thái Nguyên. Hiện nay, Thái Nguyên có 9 doanh nghiệp xuất khẩu chè sang Pakistan, giá trị xuất khẩu hàng năm đạt trên 15 triệu USD. Sự kiện “Festival Trà quốc tế Thái Nguyên 2011” đã thu hút sự tham dự của 9 quốc gia và vùng lãnh thổ có sử dụng các sản phẩm trà và nhập khẩu các sản phẩm trà của Việt Nam; 30 đoàn của các tỉnh có thế mạnh về cây chè, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến chè trong cả nước; 50 làng chè nổi tiếng và 25 doanh nghiệp chè tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên. Festival Trà là dịp để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trà Việt Nam nói chung và Trà Thái Nguyên nói riêng với du khách trong nước và quốc tế. Ông Đinh Khắc Hiển – Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm tạo ra một vị thế riêng biệt của chè Thái Nguyên. Để làm được điều này, ngay từ bây giờ, Sở Công Thương Thái Nguyên đã phối hợp với các sở, ban ngành quản lý chất lượng chè từ khâu trồng đến chế biến, bảo quản đến kiểu dáng công nghiệp trong đóng gói nhằm tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với chè Thái.
Bảo tồn và phát triển làng nghề
Tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho thương hiệu chè Thái Nguyên trên thị trường trong nước và xuất khẩu đang là vấn đề không đơn giản. Hiện Thái Nguyên đã và đang triển khai quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn trên địa bàn toàn tỉnh, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao: Xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất trừ sâu; Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp GAP, từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm cuối cùng; Gắn quy trình sản xuất với việc được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận trong nước và quốc tế như: VietGAP, GlobalGAP, Uzt Certified… Cũng vì thế, 100% sản phẩm của làng nghề chè là sản phẩm chè sạch, chè xanh cao cấp, tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn UTZ Certified của HTX chè Tân Hương đã tập hợp được 37 hộ xã viên với diện tích 10,25 ha, sản lượng trung bình đạt gần 30 tấn búp khô/năm. 100% xã viên được đào tạo và hướng dẫn những kỹ năng thực hành sản xuất tốt, triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, an toàn lao động... Nhờ vậy, các xã viên Tân Hương đã có sự thay đổi lớn trong tập quán sản xuất, quá trình trồng và chăm sóc đã áp dụng được những kỹ thuật tiên tiến, bón phân hợp lý, sử dụng các biện pháp quản lý dịch bệnh tổng hợp, sản phẩm được thu hái đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có dư lượng hóa chất, đảm bảo lưu giữ và chế biến trong điều kiện vệ sinh... Hiện sản phẩm chè an toàn của HTX chè Tân Hương bán ra thị trường có giá từ 170.000 đồng/kg trở lên, cao hơn các vùng chè nguyên liệu khác từ 20 - 30%. Từ những năm 2009, Sở Nông nghiệp &PTNT đã tổ chức thực hiện mô hình sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP tại HTX Tân Thành, xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ với diện tích 8,7 ha gồm 20 hộ tham gia. Sau thời gian tổ chức giám sát, 20 hộ dân này đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm chè an toàn theo quy trình VietGAP. Giá trị sản phẩm chè sản xuất theo quy trình VietGAP bước đầu tăng từ 10 - 15% so với giá chè sản xuất thông thường tại địa phương. Năm 2011, Sở Nông nghiệp &PTNT tiếp tục chỉ đạo mở rộng mô hình cho 3 nhóm hộ với diện tích 5 ha. Xu hướng sản xuất chè sạch theo đang được đông đào người làm chè Thái Nguyên hưởng ứng và vận dụng có hiệu quả trên các vùng chè tập trung. Hiện, các sở, ban ngành của Thái Nguyên đang tích cực phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất chế biến chè, đồng thời tăng cường hỗ trợ bà con sản xuất chè theo quy trình sản xuất chè an toàn Viet GAP, tạo cơ hội nâng cao giá trị thu nhập của cây chè cho người nông dân.
LH