Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu thử nghiệm 30.000 tấn phân urea sản xuất trong nước từ Nhà máy phân đạm Phú Mỹ của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo), một doanh nghiệp thành viên của tập đoàn.

Hai lý do khiến đạm Phú Mỹ xin xuất khẩu phân là lượng phân uea sản xuất trong nước cùng với phân nhập khẩu trong 11 tháng qua đã vượt nhu cầu và việc xuất khẩu urea của nhà máy như một bước tập dượt cho tương lai, khi Việt Nam dư thừa phân urea.

11 tháng qua, lượng phân urea nhập khẩu đã vượt 1,7 triệu tấn, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi năng lực sản xuất của đạm Phú Mỹ năm nay có khả năng đạt 750.000 tấn urea, cùng với hơn 150.000 tấn của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (nhà máy đạm Hà Bắc), đã vượt xa so với nhu cầu urea của ngành nông nghiệp (khoảng 1,7-2 triệu tấn).

Dù đã và đang xảy ra cơn sốt ảo phân bón nhưng hiện lượng tồn kho phân urea ở Nhà máy đạm Phú Mỹ hơn 100.000 tấn và tồn kho còn xảy ra ở nhiều nhà nhập khẩu urea khác.

Một quan chức Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ông ủng hộ phương án xuất khẩu của đạm Phú Mỹ, bởi trong tương lại không xa, Việt Nam sẽ dư thừa urea và từ một quốc gia nhập khẩu urea triền miên hàng chục năm qua, sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu urea ra thị trường thế giới.

Hiện tại năng lực sản xuất urea của đạm Phú Mỹ và đạm Hà Bắc hơn 900.000 tấn nhưng sau năm 2010, khi Nhà máy phân đạm Cà Mau đi vào hoạt động, cung cấp thêm 800.000 tấn urea, rồi tới dự án phân đạm Ninh Bình với 550.000 tấn urea hàng năm thì lúc đó, năng lực sản xuất urea của cả nước vọt lên hơn 2,2 triệu tấn, dư thừa so với nhu cầu của ngành nông nghiệp.

Các doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã có lúc xin Bộ Công Thương xuất khẩu phân urea nhưng đó là lượng phân urea nhập khẩu nhưng không tiêu thụ được trong nước.
 

Thời báo kinh tế Sài Gòn