Xác định phát triển doanh nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, phát triển sản xuất.

Thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó quy định rõ về việc hỗ trợ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị đối với DNNVV.

Ngày 12/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, thay thế Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 về phát triển ngành nghề nông thôn. Nghị định quy định một số nội dung, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề, như: Tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất; đầu tư, tín dụng; tạo điều kiện và hỗ trợ về xúc tiến thương mại, thực hiện các hoạt động triển khai ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực;…

Các hoạt động khuyến công thực hiện theo Nghị định số 134/2004/NĐ-CP trước đây và hiện nay đang thực hiện theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP cũng nhằm khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo  điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) thông qua các hoạt động cụ thể: Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của các cơ sở CNNT; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm CNNT; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; tổ chức hội chợ, triển lãm hàng CNNT, hàng thủ công mỹ nghệ; …; tư vấn trợ giúp các cơ sở CNNT trong việc: Lập dự án đầu tư, marketing;  liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ - thiết bị mới…; hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường...

Công tác khuyến công ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm, năm 2017 tổng kế hoạch kinh phí khuyến công của cả nước là 260 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2016; trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia chiếm 42,3%, tăng 8,12%; kinh phí khuyến công địa phương chiếm 57,7%, tăng 14%.

Năm 2018, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công hướng đến mục tiêu chuẩn hóa công tác quản lý nhà nước về khuyến công để các đơn vị thực hiện và đối tượng thụ hưởng thuận lợi hơn trong việc áp dụng, triển khai  cũng như tăng tính khích lệ, hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng; công tác đổi mới cách thức xây dựng đề án, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực hơn nữa cũng là những nội dung quan trọng đang được Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) triển khai thực hiện.

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất nói chung và sản xuất CNNT nói riêng đang ngày càng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, nhất là  kế hoạch kinh tế xã hội năm 2018, rất cần sự chủ động, nỗ lực, hợp tác của doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên cả nước.


CTV. Arit