Sáng ngày 28 tháng 3 năm 2015, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Họp giao ban trực tuyến tại ba điểm Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM, nhằm đánh giá tình hình hoạt động của ngành công nghiệp và thương mại trong quý I năm 2016. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp.


Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, trong quý I năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3%, đây là mức tăng thấp so với mức tăng 9,1% của cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu được nhận định là do khai thác dầu thô giảm; nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học, sản xuất thiết bị điện có xu hướng tăng chậm lại so với cùng kỳ năm 2015.

Ngoài ra, điện sản xuất cung cấp cho ngành công nghiệp và xây dựng tăng 9,12% thấp hơn mức tăng 17,9% cùng kỳ 2015 là những dấu hiệu cho thấy sự khó khăn trong sản xuất. Đây là những yếu tố cần quan tâm để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển ngành phù hợp.

Báo cáo tại cuộc họp cũng chỉ ra, trong thời gian tới, tình hình sản xuất công nghiệp dự báo sẽ khả quan hơn. Cụ thể, trong quý I năm 2016, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,7%, thấp hơn 2,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mức hợp lý. Giá dầu thế giới dự báo vẫn ở mức thấp, đây là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm trước khi giá dầu phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, giá một số dịch vụ hỗ trợ sản xuất như kho bãi, vận tải giảm so với cùng kỳ cũng là yếu tố thuận lợi trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các nhóm hàng dệt may, da giầy có đơn hàng ổn định. Bắt đầu bước vào mùa hè, nhiều sản phẩm như sản xuất điện, sản xuất hàng thiết bị điện, điện lạnh, sản xuất đồ uống mức tiêu thụ tăng dẫn đến sản xuất sẽ tăng.

Ông Vũ Bá Phú cũng nhấn mạnh, về phía doanh nghiệp, luôn duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ dộng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng trong và ngoài nước nhằm đa dạng hóa thị trường, chủ động tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mới ký kết, tăng cường xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước.

Việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc sẽ mở ra nhiều cơ hội thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam.


Quý I Việt Nam xuất siêu 776 triệu USD


Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong quý I năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng khoảng 6,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng khá thấp so với năm 2015 vì một số mặt hàng lớn có tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2015 như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, linh kiện điện tử đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, xuất khẩu của nhóm tiếp tục giữ vai trò quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nói chung. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, túi xách đều tăng trưởng cao hơn mức tăng xuất khẩu trung bình chung của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu quý I năm 2016 của cả nước tăng thêm 1,5 tỷ USD, trong đó, khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng khoảng 2 tỷ USD, kim ngạch khu vực trong nước có dấu hiệu tăng nhẹ.

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát và cần hạn chế tiếp tục được kiểm soát. Giá nhập khẩu nhiều mặt hàng trong nhóm cần thiết nhập khẩu giảm so với cùng kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ sản xuất.

Do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu nên quý I, Việt Nam xuất siêu ước khoảng 776 triệu USD, đây là tháng thứ 3 liên tiếp có xuất siêu.

Về tình hình thực hiện mục tiêu kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu quý I năm 2016 ước đạt khoảng 21,3% kế hoạch Quốc hội và Chính phủ giao. Mặc dù quý I chưa phải thời điểm và mùa vụ xuất khẩu, tuy nhiên mức tăng xuất khẩu quý I thấp hơn mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu là 10%.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất cho doanh nghiệp


Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị tích cực thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương nhằm thúc đẩy sản xuất, thương mại.

Cụ thể, Chính phủ đặt ra yêu cầu trong quý II và thời gian tới cần cụ thể hóa những yêu cầu trong Nghị quyết 01 của Chính phủ, các Chỉ thị, Nghị quyết trong phiên họp thường kỳ để khắc phục những yếu kém còn tồn tại.

Đối với các lĩnh vực sản xuất của Ngành, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình nguồn nước tại các hồ chứa; bảo đảm điều tiết nước hợp lý để vừa đảm bảo phục vụ sản xuất điện, vừa đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt.

Thực hiện tốt việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển, nghiên cứu bổ sung phát triển trong kế hoạch đầu tư kinh doanh. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất công nghiệp cho các doanh nghiệp. Cần tập trung vào một số giải pháp như tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.


Đối với lĩnh vực thương mại đang đứng trước cơ hội. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay thì năm 2016 sẽ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt, năng lực cạnh tranh chậm được nâng cao, vì vậy cần tập trung vào từng lĩnh vực cụ thể.

Khai thác tốt, phối hợp chặt chẽ, khai thác các thị trường mới nổi, thúc đẩy xuất khẩu đối với một số mạt hàng mạnh, mặt hàng mới. Cần quan tâm khai thác tốt hơn hình thức xúc tiến thương mại, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý, trong quý II, cần đặt trọng tâm hướng vào hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần sắp xếp doanh nghiệp, cổ phần hóa, đề án tái cơ cấu các dự án đầu tư trọng điểm cần được lồng ghép, đảm bảo hiệu quả cạnh tranh. Các khối doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng cần thực hiện tốt Nghị quyết 01 của Chính phủ, các Nghị quyết trong các phiên họp thường kỳ.

Đối với các đơn vị như Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Cục Hóa chất, Vụ Khoa học và công nghệ cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát, phân cấp nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển sản xuất ở các địa phương. Tập trung sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, thực hiện đồng bộ xúc tiến thương mại vùng sâu, vùng xa, có biện pháp xúc tiến thương mại nội địa và quốc tế. Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, cần đẩy mạnh các công trình trọng điểm quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng chung của đất nước. Các lĩnh vực như công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ cần phối hợp với các Tập đoàn bám sát tiến độ đầu tư vào các dự án, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với những vấn đề lớn, cần báo cáo lãnh đạo kịp thời để có phương hướng xử lý.


Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, bên cạnh tiến độ ban hành, cần quan tâm đến chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, cách thức thực hiện. Cần phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt cần tôn trọng và có mối quan hệ tốt với báo chí, đảm bảo thông tin tuyên truyền hiệu quả, kịp thời.

Về thủ tục hành chính, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan trong Bộ cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát và có kế hoạch đăng ký cải cách hành chính, cũng như quy trình hành chính công trong môi trường đầu tư kinh doanh. Cần đơn giản, minh bạch các thủ tục trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nâng cao hệ thống kho bãi. Tháng 4 là tháng cao điểm của hoạt động xuất khẩu, chính vì thế cần làm tốt công tác điều tiết, thúc đẩy thương mại biên giới và ở địa phương. Cần quan tâm hơn nữa đến công tác đối ngoại trong khung khổ hội nhập.


Nguồn: moit.gov.vn