Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 6,7% so với tháng 11/2011, so với tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8%. Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6%. Một số ngành có tốc độ tăng trưởng cao như: khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 11,0%; chế biến, bảo quản thuỷ sản và sản phẩm từ thuỷ sản tăng 8,5%; chế biến sữa và sản phẩm từ sữa tăng 11,2%; sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tăng 10,3%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 8,7%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 10,2%; Sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 9,3%... Ngược lại, khai thác và thu gom than cứng giảm 9,3%; sản xuất thuốc lá giảm 0,2%; sản xuất vải dệt thoi giảm 2,3%; sản xuất giày, dép giảm 0,6%; sản xuất giấy nhăn, bì nhăn, bao bì từ giấy và bìa giảm 9,7%; sản xuất xi măng, thạch cao giảm 6,2%; sản xuất điện tử dân dụng giảm 7,5%....Tính chung 11 tháng, sản xuất tuy vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ tăng không cao (chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 4,5%; 7 tháng tăng 4,8%; 8 tháng tăng 4,7%; 9 tháng tăng 4,8%; 10 tháng tăng 4,5% so với cùng kỳ).
Về hoạt động thương mại, tháng 11, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,2 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng 10 nhưng tăng 14,2% so với tháng 11/2011, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 5,9 tỷ USD, giảm 1,3% so với tháng 10 nhưng tăng 22,8% so với tháng 11/2011. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 104,0 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ, trong đó: xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 57,85 tỷ USD, tăng 34,5%.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 10,25 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng 10 và tăng 7,0% so với tháng 11/2011, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng 10 và tăng 25,8% so với tháng 11/2011.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 103,99 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 49,03 tỷ USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 47,1%; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 54,96 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 52,9% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Về cán cân thương mại, ước xuất siêu 11 tháng là 14 triệu USD, bằng 0,01% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu từ các thị trường Châu Á như Trung Quốc (gần 15,0 tỷ USD), ASEAN (3,4 tỷ USD), Hàn Quốc (9,1 tỷ USD), Đài Loan (5,9 tỷ USD).
Trong tháng 11, thị trường hàng hoá sôi động hơn so với tháng trước. Nhiều địa phương bắt đầu thực hiện kế hoạch ứng vốn hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tháng 11 tăng 0,47% so với tháng trước. Tính từ đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng 6,52%; 11 tháng đầu năm tăng 9,43% so với cùng kỳ năm 2011.
Hàng tồn kho giảm
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,4% so với tháng trước và tăng 20,9% so với cùng kỳ. Tuy tồn kho cao hơn tháng trước và cao hơn cùng kỳ nhưng tập trung chủ yếu ở một số ngành hàng phục vụ tiêu dùng dân cư chuẩn bị đón tết như: sản xuất bia tăng 29,3% so với tháng trước và tăng 57,6% so với cùng kỳ; sản xuất thuốc lá tăng 5,0% và tăng 45,0%; may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 11,7% và tăng 48,5%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 8,5% và tăng 21,7%, v.v... Tuy nhiên, một số ngành tồn kho giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ như: sản xuất đường giảm 36,2% và giảm 48,2%; sản xuất thiết bị dẫn điện giảm 27,7% và giảm 27,1%; v.v... Nếu như cách đây 2 tháng, lượng than tồn kho các loại xấp xỉ 10 triệu tấn thì tính đến đầu tháng 11/2012, tồn kho mặt hàng này chỉ còn gần 8,8 triệu tấn.
Đánh giá tình hình trên, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho biết, hàng tồn kho đang ngày càng giảm. Đây là kết quả nhờ hàng loạt các biện pháp tích cực của Bộ Công Thương như: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại; giảm giá, khuyến mãi hàng hóa; chương trình đưa hàng hóa Việt Nam về thị trường nông thôn...“Vấn đề hàng tồn kho sẽ phải tiếp tục xử lý trong thời gian tới chứ không thể giải quyết ngay trong một sớm, một chiều”, thứ trưởng nhấn mạnh.
Sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu
Trong tháng, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; tiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra, xử lý các sai phạm trong kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... với hàng hóa phổ biến là hàng tiêu dùng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm bình ổn thị trường, giá cả những tháng cuối năm, nhất là đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật tư thiết yếu.
Kết quả, trong tháng đã kiểm tra 9.302 vụ, xử lý 4.691 vụ vi phạm (trong đó 693 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 549 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng; 2.650 vụ kinh doanh trái phép và 799 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá) với số thu 9.68 tỷ đồng (trong đó phạt vi phạm hành chính 7,49 tỷ; trị giá hàng tịch thu là 2,16 tỷ và truy thu thuế là 20,36 triệu đồng). Tính đến hết tháng 11, theo báo cáo chưa đầy đủ, đã kiểm tra 134.508 vụ, xử lý 70.123 vụ vi phạm với tổng số tiền thu được là 310,28 tỷ đồng.
Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ Công Thương và các địa phương rà soát lại để sửa đổi, bổ sung những điều khoản cần thiết theo hướng từng bước tạo ra thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn, giảm dần điều hành của Nhà nước. Từ tháng 12/2012, Bộ Công Thương tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của địa phương, doanh nghiệp để tiến hành sửa đổi, bổ sung.
Tập trung tranh thủ mọi cơ hội hoàn thành kế hoạch 2012
Để phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2012, tạo đà cho năm tới, Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát tình hình thực tế, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm:
1. Khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất nhằm giảm tồn kho và thúc đẩy sản xuất; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; triển khai thực hiện tốt Thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các doanh nghiệp thuộc Bộ; tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí, đặc biệt là sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên nhằm tăng hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần giảm nhập siêu.
2. Tập trung giám sát chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư đang thực hiện, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm nhằm thực hiện hoàn thành kế hoạch đầu tư năm 2012.
3. Trong tháng cuối năm, cần tập trung kiềm chế lạm phát, theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, bình ổn giá; thực hiện các chính sách kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần kiềm chế nhập siêu; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới; kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, an sinh xã hội.
4. Tích cực và chủ động đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là xúc tiến thương mại biên giới, hải đảo.
5. Theo dõi sát sao, cập nhật tình hình diễn biễn giá cả, tiến độ xuất khẩu các mặt hàng, những biến động của thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và doanh nghiệp xuất khẩu về vốn, thị trường, thủ tục... góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.
6. Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục tích cực phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất điện để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng dân cư trong những tháng cuối năm.
Nguồn: moit.gov.vn