Thị trường hàng hóa tháng 4 giá nhiều mặt hàng thiết yếu tiếp tục ổn định và giảm nhẹ, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,02% so với tháng 3/2013, tổng mức bán lẻ đạt 214.409 tỷ đồng, tăng 0,84% so với tháng 3/2013. Đó là những điểm sáng trong bức tranh về tình hình hoạt động thị trường tháng 4 do Vụ thị trường trong nước mới công bố.


CPI tăng nhẹ

Báo cáo của Vụ thị trường trong nước cho biết, mặc dù thị trường hàng hóa tháng 4 kém sôi động, tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng và nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn tương đối chậm song giá nhiều mặt hàng thiết yếu tiếp tục ổn định và giảm nhẹ (xăng dầu, LPG, lương thực, thực phẩm, xi măng, thép xây dựng…). Nhìn chung các hoạt động sôi động trên thị trường chủ yếu tập trung vào các hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu du lịch trong 02 dịp nghỉ lễ dài cuối tháng 4.

Đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2013 tăng 0,02% so với tháng 3/2013. Mặc dù một số nhóm có tỷ trọng lớn như hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở, vật liệu xây dựng giảm lần lượt 0,91% và 0,44% nhưng do nhóm thuốc, dịch vụ y tế và nhóm giao thông tăng khá cao lần lượt là 3,62% và 1,2% nên chỉ số giá chung vẫn tăng nhẹ. Nguyên nhân tăng chỉ giá của 02 nhóm giao thông và thuốc dịch vụ y tế là do việc điều chỉnh giá xăng dầu hồi cuối tháng 3 và điều chỉnh phí dịch vụ y tế của một số địa phương (Hải Phòng, Nam Định, Bình Thuận). Các nhóm hàng còn lại chỉ tăng 0,02-0,45%, nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,15%.


Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước đạt 214.409 tỷ đồng, tăng 0,84% so với tháng 3/2013. Trong đó, mức tăng chủ yếu tập trung ở ngành du lịch (tăng 2,37%) và khách sạn, nhà hàng (tăng 1,16%) do trong tháng có 02 dịp nghỉ lễ dài làm gia tăng nhu cầu du lịch, ăn uống, khách sạn. Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 4 tháng đầu năm 2013 đạt 815.890 tỷ đồng, tăng 12,04% so với cùng kỳ năm 2012. Theo cơ cấu, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm khách sạn, nhà hàng tăng 15,18%, nhóm dịch vụ tăng 14,44%; nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất là thương nghiệp chỉ tăng 11,35%. Trong cơ cấu loại hình kinh tế, có thể thấy rõ sự vượt trội của nhóm đầu tư nước ngoài (tăng 35,17%) trong khi đó nhóm kinh tế nhà nước giảm 9,17%; các nhóm còn lại tăng từ 10-17,68%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 4 tháng đầu năm chỉ tăng 4,88%.

Theo đánh giá chung của Vụ thị trường trong nước, 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tăng 2,41%, trong đó đóng góp lớn nhất vẫn là các nhóm hàng: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,16%, nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 3,04%, nhóm hàng hóa dịch vụ khác tăng 2,32% do vào dịp đầu năm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này lớn, giá tăng trong tháng Tết; nhóm thuốc và dịch vụ y tế mặc dù chiếm tỷ trọng không lớn nhưng với mức tăng cao (tăng 12,01%) cũng đã góp phần làm gia tăng chỉ số giá chung 4 tháng đầu năm. Các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,39-1,95%, riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,28%.

Tháng 5: cân đối cung cầu và điều tiết thị trường

Trước tình hình diễn biến của thị trường như trên, theo dự báo của các chuyên gia, trong tháng 5 tới do sức mua hàng hóa chưa cải thiện nhiều cùng với xu hướng giảm giá của nhiều mặt hàng quan trọng như xăng dầu, một số thực phẩm, lương thực nên mặt bằng giá chung sẽ không có biến động tăng. Tuy nhiên trong kỳ tính giá của tháng 5 có 02 dịp nghỉ lễ lớn (10/3 âm lịch và 30/4-1/5) nên giá cước vận tải, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng và ăn uống ngoài gia đình có thể tăng nên chỉ số giá chung sẽ tăng nhẹ so với tháng 4. Vì vậy, Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời đề xuất các biện pháp xử lý cho phù hợp.


Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành về cân đối cung cầu và điều tiết thị trường cũng cần được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, nhiều sản phẩm sữa đồng loạt tăng giá và các sản phẩm có thành phần sữa nhưng đăng ký là thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng đang gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước. Trước thực trạng này, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã có nhiều kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Để tiếp tục triển khai các giải pháp theo ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, ngày 10 tháng 4 năm 2013, Bộ Công Thương đã tổ chức họp với các Bộ, ngành có liên quan (Cục Quản lý giá, Tổng Cục hải quan - Bộ Tài chính; Cục an toàn thực phẩm – Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị trong Bộ Công Thương như Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh, Vụ Công nghiệp nhẹ) bàn các giải pháp bình ổn thị trường sữa và đã có Công văn số 09/TĐH ngày 15 tháng 4 năm 2013 về việc báo cáo cuộc họp về các giải pháp bình ổn thị trường sữa gửi các bộ, ngành làm rõ các nội dung cần triển khai theo các giải pháp đã thống nhất tại cuộc họp ngày 10 tháng 4, theo đó: nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý để có sự thống nhất về tên gọi, phân loại từ khâu nhập khẩu tới khâu lưu thông tại thị trường trong nước để ngăn chặn tình trạng gian lận thuế; bổ sung đưa vào đối tượng thuộc dạng kê khai giá, bình ổn giá; thống nhất về việc ghi nhãn trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật liên quan; kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan, vi phạm về thông tin quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm…

Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia tổ công tác khảo sát thực tế thị trường sản phẩm chăn nuôi các tỉnh phía nam (Đồng Nai, Bình Dương) trong 02 ngày 16-17 tháng 4 năm 2013. Nhìn chung gói hỗ trợ cho ngành chăn nuôi chưa phát huy hiệu quả, những khó khăn của ngành chăn nuôi vẫn chưa được tháo gỡ, giá các sản phẩm chăn nuôi (giá lợn hơi) ở mức thấp, ảnh hưởng tới hiệu quả chăn nuôi, nguy cơ giảm đàn nhất là đối với đàn nái, dễ dẫn tới rủi ro mất cân đối cung cầu về lâu dài. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đồng bộ các giải pháp (cả các giải pháp ngắn hạn và dài hạn) để tháo gỡ khó khăn kịp thời cho ngành chăn nuôi.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu theo sát với diễn biến của thị trường thế giới, phù hợp với nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật, để giảm bớt khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Trong tháng 4, giá bán lẻ xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 2 lần liên tiếp với tổng mức giảm gần 1.000 đồng.

 

Vụ Thị trường trong nước