Giá gạo xuất khẩu vẫn thấp nên giá gạo trong tháng 6 vẫn tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,27%, tuy có tăng chút ít so với tháng trước (0,14%) nhưng vẫn là mức thấp nếu so với cùng kỳ các năm từ 2004 trở lại đây. Đó là nhận định của Tổ Điều hành thị trường trong nước họp ngày 26/5. CPI tháng 5 các năm 2004 là 0,9%; 2005 tăng 0,5%; 2006 tăng 0,6%; 2007 là 0,8% và năm 2008 tăng 3,91%.



CPI 5 tháng chiếm hơn một nửa mục tiêu đề ra


Theo phân tích của các thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước, yếu tố quan trọng khiến CPI tháng 5 tăng ít là do giá một số mặt hàng thiết yếu (dầu thô, phôi thép, cao su…) trên thị trường thế giới giảm mạnh. Do chịu tác động từ tâm lý lo ngại khủng hoảng nợ của các nước châu Ấu nên đồng euro bị sụt giá mạnh so với đồng USD. Giá dầu thô ngọt nhẹ từ mức 86,15 USD/thùng (ngày 30/4) xuống còn 69,41 USD/thùng (ngày 18/5) và hiện đang giao dịch quanh mức 70 USD/thùng; phôi thép từ 670- 680 USD/tấn (đầu tháng 4) giảm xuống còn 590- 600 USD/tấn CFR (21/5 thị trường Đông Nam Á; phân bón ure giảm nhẹ còn 222- 230 USD/tấn (21/5, thị trường Yuzhnyy); giá đường có lúc xuống còn 437,8 USD/tấn (7/5, thị trường London) và hiện ở mức gần 500 USD/tấn (24/5); giá gạo 100% B Thái Lan ổn định ở mức 460 USD/tấn FOB, gạo 5% tấm Việt Nam vẫn quanh mức 360 USD/tấn (thị trường Đông Nam Á)…


Tương ứng với giá thế giới, nhiều mặt hàng trong nước cũng có chiều hướng giảm giá nhẹ hoặc ổn định, nguồn cung dồi dào, nhu cầu không cao như gạo, phân bón, xăng dầu, xi măng, đường, thép xây dựng…Tuy nhiên, nhân tố quan trọng khiến CPI tăng thấp là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm tỷ trọng gần 40% trong rổ hàng hóa) giảm 0,12% do giá lương thực tiếp tục giảm, giá thịt lợn tươi sống cũng giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tính đến 24/5, cả nước có 1 tỉnh có dịch lở mồm long móng, 15 tỉnh có dịch lợn tai xanh.
Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm đã tăng 4,55%- chiếm hơn một nửa mục tiêu kiềm chế CPI cả năm (8%). Theo ông Trương Quang Hoài Nam- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đồng thời là tổ phó Tổ điều hành thị trường trong nước: Việc kiềm chế CPI theo mục tiêu đề ra trong những tháng còn lại là rất khó khăn, đòi hỏi nỗ lực hết sức của các ngành, các cấp và các doanh nghiệp.


Tháng 6, giá nhiều mặt hàng tiếp tục ổn định


Tổ điều hành dự báo, trong tháng 6 tình hình thời tiết, dịch bệnh còn nhiều diễn biến khó lường và bắt đầu mùa du lịch nên có thể ảnh hưởng tới một số nhóm hàng như thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình…Tuy nhiên, các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tiếp tục dao động ở mức thấp; giá cả một số mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn ổn định hoặc giảm nhẹ (lúa gạo, xăng dầu, thép xây dựng…). Cụ thể, giá lương thực tháng 6 sẽ phụ thuộc vào giá xuất khẩu gạo, nhưng do giá xuất khẩu hiện vẫn ở mức thấp, tiêu thụ gạo không cao trong khi các tỉnh phía Bắc nguồn cung bắt đầu tăng từ vụ thu hoạch mới nên dự báo giá lúa gạo vẫn sẽ tiếp tục ổn định.


Do bệnh tai xanh trên lợn đang diễn biến phức tạp và lan rộng, gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng, khiến tiêu thụ thịt lợn giảm, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thay thế (thịt bò, thịt gà…) tăng cao hơn. Vì thế, dự báo, giá thịt lợn tiếp tục giảm, giá các sản phẩm thịt thay thế vẫn đứng ở mức cao.Vì là tháng nắng nóng, không gieo cấy nên nhu cầu phân bón trong nước sẽ không tăng đột biến, trong khi nguồn cung dồi dào và giá nhập khẩu không tăng nên giá phân bón tiếp tục ổn định.


Đặc biệt, thép xây dựng do giá nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm có xu hướng giảm, trong tháng 5 đã 2 lần giảm giá 400.000- 500.000 đồng/tấn. Trong khi nhu cầu không cao, tồn kho lớn, dự báo giá thép sẽ tiếp tục giảm nhẹ.Đến hết tháng 6, giá xăng dầu, điện, nước không tăng, cùng với việc tiếp tục triển khai các biện pháp kiềm chế lạm phát của các bộ, ngành theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 6/4/2010 của Chính phủ nên dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 chỉ tăng nhẹ.
 

Theo: Báo Công Thương điện tử