Là các quốc gia đang trong giai đoạn phát triển, nhu cầu các nguyên vật liệu ngành xây dựng phục vụ các dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng dân dụng tương đối lớn trong đó có mặt hàng xi-măng. Nhu cầu tiêu thụ xi-măng của toàn khu vực hiện vào khoảng 8 triệu tấn/năm và được dự báo tăng trưởng mỗi năm khoảng 12%/năm trong thời gian tới. Kenya là nước tiêu thụ xi măng lớn nhất khu vực chiếm tới 50% tổng nhu cầu, tiếp theo là Tanzania 32%, Uganda 12%, Rwanda 4% và Burundi 2%.
Trong khi đó, năng lực sản xuất xi-măng của toàn bộ khối hiện vào khoảng 7,1 triệu tấn/năm trong đó Kenya có năng lực sản xuất lớn nhất chiếm tới 49% sản lượng sản xuất của toàn khu vực, tiếp đó Tanzania 31%, Uganda 18%, Burundi và Rwanda chiếm 2%.
Sản xuất xi măng tại các nước khu vực đang gặp phải một số khó khăn trở ngại đó là chi phí sản xuất cao, đặc biệt là chi phí năng lượng. Chi phí này hiện chiếm tới 50% chi phí sản xuất xi-măng tại khu vực trong khi đó loại chi phí này tại các nước Ai Cập, Trung Quốc, Ấn Độ thấp hơn rất nhiều. Giá điện cho mỗi kw/h tại Ai Cập và Trung Quốc chỉ vào khoảng 03 US cents trong khi đó mức giá điện tại Uganda là 10 US cents, 19 US cents ỏ Kenya và 07 US cents ở Tanzania. Tương tự chi phí nhiệt năng chỉ vào khoảng 7,2 USD cho mỗi tấn xi-măng sản phẩm ở Ai Cập, trong khi đó mức chi phí này gấp hơn 5 lần tại Uganda. Cơ sở hạ tầng yếu kém, khiến cho chi phí vận tải tăng cao là một nhân tố góp phần làm gia tăng giá bán xi măng vốn đã rất cao tại các quốc gia EAC.
Do sản xuất vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cũng như giá xi măng nội địa khá cao đã khiến cho nhu cầu đối với xi măng nhập khẩu đang có xu hướng gia tăng đặc biệt tại các quốc gia không có nhiều lợi thế như tại Uganda, Rwanda, Burundi. Đây cũng là các quốc gia hiện đang nhập khẩu xi măng nhiều nhất với tỉ lệ nhập khẩu tương ứng là 33%, 25% và 22% tổng lượng xi măng nhập khẩu của toàn khu vực.
Trong thời gian gần đây, xi-măng nước ta đã bắt đầu hiện diện tại thị trường khu vực Châu Phi. Trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu một lượng xi-măng xấp xỉ gần 100.000 tấn với trị giá 14,21 triệu USD sang các thị trường khu vực Châu Phi trong đó Công-gô là nước nhập khẩu lớn nhất với 42.500 tấn, tiếp đó là Guinea 27.500 tấn, Mozambique 18.000 tấn…Tuy nhiên, xi-măng của Việt Nam vẫn chưa có mặt tại thị trường các nước EAC. Với sự nỗ lực và kinh nghiệm thâm nhập thị trường tích lũy được trong việc xuất khẩu xi-măng sang châu Phi của các doanh nghiệp nước ta trong thời gian qua, chắc chắn, xuất khẩu xi-măng Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn được tiếp tục mở rộng sang nhiều nước Châu Phi hơn nữa trong đó có các nước khu vực EAC./.
Nguồn: Vụ KV4 - Bộ Công Thương