Sáng ngày 19/8, tại Hội trường cơ quan Bộ Công Thương, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương ông Ngô Quang Trung và Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam ông Lưu Duy Dần đồng chủ trì buổi họp cung cấp thông tin về Chương trình Lễ phong tặng “Nghệ nhân Nhân dân - Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ và Triển lãm - Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ năm 2016. Phần đông đại biểu tham dự cuộc họp là phóng viên, biên tập viên đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.


Tại cuộc họp, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương đã thay mặt Ban tổ chức cung cấp thông tin đến các phóng viên báo chí về Chương trình Lễ phong tặng “Nghệ nhân Nhân dân - Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ và Triển lãm - Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ năm 2016. Chương trình do Bộ Công Thương chủ trì, phố hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Số 9 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội từ ngày 26/8 đến ngày 29/8/2016.

Chương trình Lễ phong tặng “ Nghệ nhân Nhân dân - Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và Triển lãm – Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ năm 2016 (sau đây gọi là Chương trình) là hoạt động thiết thực để ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của các Nghệ nhân đã và đang cống hiến tài năng, sức lực cho việc khôi phục, duy trì, sáng tạo và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ; Giới thiệu những thành tựu, kết quả của hoạt động khuyến công trong công tác đồng hành, hỗ trợ khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống Việt Nam. Chương trình gồm 03 nội dung hoạt động chính:


1. Tổ chức Lễ phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân - Nghệ nhân ưu tú” sẽ diễn ra vào tối 26/8, dự kiến có 16 Nghệ nhân Nhân dân và 84 Nghệ nhân Ưu tú đến từ 21 tỉnh, thành phố trong cả nước được vinh danh.

 Lễ phong tặng “Nghệ nhân nhân dân - Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ nhằm tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, những người đã có công bảo tồn, phát huy nghề truyền thống; tham gia truyền nghề cho các thế hệ sau và sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc; những người đã có nhiều công lao trong việc đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trở thành các sản phẩm mang tầm vóc, thương hiệu Việt Nam đến với các nước trên thế giới. Đây là một sự kiện văn hoá có ý nghĩa, là nguồn động lực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản; đồng thời là dịp để ghi nhận, tôn vinh những nghệ nhân có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hoá của dân tộc.


Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ được đề nghị phong tặng cho 16 cá nhân các nghề: thêu, gốm, thêu phục chế, hoa lụa, đậu bạc, chạm đồng, hoa khô, điêu khắc gỗ, chạm bạc, đồng, đúc đồng, điêu khắc đá của các địa phương: Hà Nội, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.


Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú được đề nghị phong tặng cho 84 cá nhân trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ thuộc các nghề: mộc mỹ nghệ, gốm, tranh dân gian Đông Hồ, sơn mài, sơn khắc, điêu khắc, điêu khắc tạng tượng, sơn son thiếp vàng, bạc truyền thống, thêu ren, mây tre đan, mây tre, dệt lụa, gốm sứ. Các địa phương có nghệ nhân được đề cử: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bình Dương, An Giang, Long An, Trà Vinh, Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh.

2. Triển lãm - Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ (từ ngày 26/8 đến ngày29/8) quy mô 200 gian hàng, với 100% sản phẩm trưng bày là hàng thủ công mỹ nghệ và là hàng hóa Việt Nam, không có hàng hóa xuất xứ nước ngoài.

Triển lãm – Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ năm 2016 được tổ chức nhằm giới thiệu, trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, đặc sắc của các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú được đề nghị phong tặng năm 2016. Triển lãm - Hội chợ được hỗ trợ tổ chức từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia theo Quyết định số 13698/QĐ-BCT ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Theo đó 100% các gian hàng trưng bày được miễn phí, ngoài việc giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, đặc sắc của các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, Triển lãm – Hội chợ còn thu hút, trưng bày, giới thiệu quảng bá những sản phẩm thủ công mỹ nghệ các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề thủ công mỹ nghệ đến với người tiêu dùng; đồng thời tìm kiếm cơ hội phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường …Trong thời gian diễn ra Triển lãm – Hội chợ có các hoạt động thao diễn tay nghề của nghệ nhân, thợ giỏi thuộc một số làng nghề truyền thống Việt Nam.


3. Tổ chức Lễ phong tặng “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam”  sự kiện này được Ban tổ chức thực hiện vào tối ngày 27/8.

Lễ phong tặng “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam” nhằm vinh danh các gia đình, dòng họ đã gìn giữ, phát huy những nghề truyền thống của dân tộc cũng như việc gìn giữ, lưu truyền các tác phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là hoạt động tôn vinh và tri ân tới các Tổ nghề thủ công mỹ nghệ đã có công lao khai sáng, truyền dạy nghề; khơi dậy niềm tự hào về các làng nghề, ngành nghề truyền thống; đồng thời khích lệ tinh thần học hỏi, nâng cao, phát triển nghề thủ công mỹ nghệ cho các thế hệ tiếp sau.

Toàn bộ hoạt động của Chương trình được Bộ Công Thương giao Cục Công nghiệp địa phương, Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ Công Thương), Hiệp hội làng nghề Việt Nam chủ trì, phối hợp với đơn vị tổ chức sự kiện, một số Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long -  Hà Nội tổ chức thực hiện.
 


                                                            CỤC CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG (ARID)