Ngày 03/9/2013, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ nhằm công bố tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 8 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Điều hành quản lý giá xăng dầu, chỉ số giá tiêu dùng CPI, xuất khẩu gạo, tiến trình đàm phán gia nhập TPP và cơ hội với kinh tế Việt Nam… là những vấn đề nóng nhận được nhiều quan tâm trong cuộc họp.


Tăng trưởng xuất khẩu, FDI đóng góp chủ yếu

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 ước tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 5,2%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,9%, sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,5%. Những ngành có tốc độ tăng cao gồm: khai thác khí đốt thiên nhiên tăng 7,4%; chế biến sữa và sản phẩm từ sữa tăng 10,6%; sản xuất bia tăng 10,9%; sản xuất sợi tăng 34,0%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 57,1%; sản xuất trang phục tăng 24,4%; sản xuất giầy dép tăng 27,1%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,1%, v.v...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7 chỉ tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: một số sản phẩm tiêu thụ tăng mạnh như sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng hơn 2,2 lần, sản xuất giầy, dép tăng 34,0%; sản xuất các sản phẩm từ plastic tăng 20,6%; sản xuất dây, cáp điện và dây dẫn điện tử khác tăng 94,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 85,7%, v.v...

Về tình hình xuất khẩu, trong tháng 8 qua, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,5 tỷ USD, giảm 0,9% so với tháng 7 và tăng 11,4% so với tháng 8 năm 2012. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 84,82 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 51,25 tỷ USD, tăng 26,0% so với cùng kỳ. Khu vực FDI đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu: 8 tháng, trong 10,9 tỷ USD kim ngạch tăng thêm thì khu vực FDI (không kể dầu thô) đóng góp 10,6 tỷ USD (trên 97% kim ngạch tăng thêm).

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 11,8 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng 7 và tăng 13,5 so với tháng 8 năm 2012, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 6,65 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng 7 và tăng 15,5% so với tháng 8 năm 2012. Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 85,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 37,1 tỷ USD, tăng 4,0%, chiếm tỷ trọng 43,4%; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 48,3 tỷ USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 56,6% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.


CPI tăng không phải do tăng giá xăng dầu

Theo báo cáo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 8 ước đạt gần 216,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với thực hiện tháng trước và tăng 13,5% so với tháng 8 năm 2012. Tính chung 8 tháng ước đạt trên 1.705 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ, trong đó: nhóm thương nghiệp tăng 11,6% và chiếm tỷ trọng 76,8%; nhóm khách sạn nhà hàng tăng 15,0% và chiếm tỷ trọng 12,1%; nhóm du lịch tăng 6,7% và chiếm tỷ trọng 1,0%; nhóm dịch vụ tăng 14,9% và chiếm tỷ trọng 10,2%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội 8 tháng tăng 5,05% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý trong tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,85% so với tháng 7 và tăng 3,53% so với tháng 12 năm 2012; bình quân 8 tháng đầu năm tăng 6,9% so với cùng kỳ. Một số phóng viên đặt câu hỏi, liệu việc tăng giá xăng dầu trong tháng qua có phải là nguyên nhân dẫn đến việc chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng cao hay không? Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhận định: trong tháng 7 giá xăng dầu trong nước tăng 3 lần, tháng 8 có lúc tăng cũng có lúc giảm, song điều này ảnh hưởng không đáng kể đến việc tăng chỉ số giá tiêu dùng. Nguyên nhân chủ yếu là do giá dịch vụ y tế tăng và việc bước vào năm học mới, nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập tăng cao, nhiều loại học phí ở một số tỉnh, thành phố cũng tăng theo đã đẩy chỉ số giá nhóm giáo dục cả nước tăng 0,9% so với tháng trước.


Điều hành xăng dầu sẽ tiệm cận với thị trường

Nhiều câu hỏi được đặt ra đối với lãnh đạo Bộ Công Thương liên quan đến việc sử dụng xăng A83, Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và vấn đề quản lý điều hành giá xăng dầu. Ông Võ Văn Quyền cho biết, về việc lưu thông xăng A83, Chính phủ đã đồng thuận với đề xuất của Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đánh giá tác động của xăng A83. Đến tháng 8/2013, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Chính phủ để cho phép tạm dừng nhập khẩu, sản xuất và lưu hành xăng A83. Như vậy, hiện nay câu chuyện về đánh giá tác động và dừng sử dụng xăng A83 đang là hiện thực, quan trọng là tính toán lượng tồn và lộ trình cho phù hợp tránh gây tác động quá lớn.

Liên quan đến vấn đề điều hành giá xăng dầu, theo ông Võ Văn Quyền, Bộ Công Thương vẫn phối hợp với Bộ Tài chính điều hành căn cứ theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, theo đó, việc điều chỉnh giá phải căn cứ theo giá thị trường thế giới. Tuy nhiên việc tăng hoặc giảm không thể tức thì mà phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, phụ thuộc vào việc đánh giá tác động của việc tăng giá lên đời sống xã hội. Việc tính giá xăng dầu căn cứ trong vòng 30 ngày, chứ không tính 10 ngày, hoặc 20 ngày để điều chỉnh khiến nhiều người hiểu nhầm.

Ông Quyền nhấn mạnh: Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Tư Pháp thẩm định trước khi hoàn chỉnh trình Chính phủ. Tuy nhiên, tư tưởng nhất quán của Ban soạn thảo là kiên định theo thị trường và đảm bảo nguyên tắc tính giá do Nhà nước kiểm soát, không trao hoàn toàn việc điều hành giá cho doanh nghiệp. Việc điều hành xăng dầu sẽ tiệm cận với thị trường hơn nhưng ở mức nào, thời điểm điều chỉnh ra sao sẽ do Liên bộ quyết định. "Câu chuyện không phải là giá hôm nay bao nhiêu mà quan trọng là tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo ra những doanh nghiệp có sức sống, có năng lực để họ tự cạnh tranh và sau đó Nhà nước sẽ rút dần sự can thiệp của mình để cho thị trường tự điều hành. Quan điểm của Nhà nước trong vấn đề này là kiên định theo cơ chế thị trường”.


Đón bắt làn sóng cơ hội khi Việt Nam gia nhậpHiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động đối với nền kinh tế của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng: hiện nay các nước tham gia đàm phán TPP đã kết thúc phiên đàm phán thứ 19. Lợi ích của Việt Nam khi tham gia TPP đó là có quan hệ FTA với Hoa Kỳ trước một số nước đang phát triển khác, đang cạnh tranh với Việt Nam như: In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, v.v… Đặc biệt, khi Việt nam tham gia TPP, thuế xuất khẩu của nước ta sẽ về 0% trong vòng 10 năm. Điều này giúp chúng ta không cần quan tâm đến Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập bởi đây là cam kết đơn phương và có thể bị bãi bỏ bất kỳ lúc nào. Bên cạnh những mặt thuận lợi đó, bà Thúy cũng nhấn mạnh đến những yếu tố thách thức và khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia TPP do sức cạnh tranh còn yếu. Vì vậy, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có sự chuẩn bị tốt để đón bắt làn sóng cơ hội từ TPP, vì đây là con đường sớm muộn chúng ta phải bước qua để phát triển kinh tế. Để làm được điều đó, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, mở rộng thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như hệ thống luật pháp, v.v...
 

Biện pháp tháng 9: Điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường

Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của ngành Công Thương trong thời gian tới, các doanh nghiệp thuộc Bộ cần bám sát tình hình thực tế, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:

Nghiên cứu khai thác tối đa nhu cầu thị trường trong nước và củng cố hệ thống phân phối hàng hóa; giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống và đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu mới nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chủ động, linh hoạt trong điều tiết cung cầu nhằm bình ổn thị trường, bình ổn giá; thực hiện các chính sách hỗ trợ đưa hàng hóa về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới; phối hợp kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá và chống chuyển giá; tích cực và chủ động đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là xúc tiến thương mại biên giới, hải đảo.

Rà soát, điều chỉnh các chính sách quản lý các mặt hàng nhập khẩu phù hợp với tình hình thực tế tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư; kiểm soát, giám sát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (nhất là xuất khẩu dịch vụ và xuất khẩu tại chỗ); phối hợp rà soát bổ sung, sửa đổi tăng thuế nhập khẩu phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế đối với các mặt hàng trong Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.

Tổng cục Năng lượng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và hoàn thiện Đề án đổi mới hệ thống phân phối, kinh doanh và giá khí theo cơ chế thị trường trình Thủ tướng Chính phủ.

Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu, giá điện, than bán cho sản xuất điện theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Đẩy nhanh tiến độ và giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2013. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi thường xuyên: thực hiện tiết kiệm thêm 10,0% dự toán chi thường xuyên còn lại của các tháng cuối năm; cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thật sự cấp thiết, các khoản chi mua sắm trang thiết bị, xe ô tô; tiết kiệm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã được phân bổ cho các nhiệm vụ chi tổ chức lễ hội, đi công tác trong nước và nước ngoài, hội nghị, hội thảo... tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ cơ quan Bộ tới các đơn vị thuộc Bộ.

 

Nguồn: moit.gov.vn