Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện có gần 20 cụm CN-TTCN cũng không tránh được tình trạng này. Cụm CN- TTCN Bắc An Gia, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, được quy hoạch từ năm 2011, có tổng diện tích hơn 25ha, với mục tiêu chính là làm nơi di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, song cho đến nay vẫn chưa có cơ sở sản xuất nào đến đây, mặc dù UBND huyện Quảng Điền đã có nhiều giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện... Ông Nguyễn Thành - Phó Ban đầu tư và XD hạ tầng huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế cho biết: Huyện đã ban hành các văn bản quy định về hỗ trợ tháo gỡ di dời nhà xưởng, hỗ trợ thời gian nghỉ sản xuất và hỗ trợ lãi suất đầu tư. Bên cạnh đó giá cho thuê đất cũng như giá cho thuê hạ tầng hợp lý, vừa phải nhưng mà lực cản lớn nhất hiện nay để các hộ sản xuất di dời vào các CCN là về vấn đề cơ sở hạ tầng.
Theo ông Nguyễn Thành, kể từ khi hình thành đến nay, ngân sách địa phương mới đầu tư vào đây khoảng 2,5 tỷ đồng, trong đó 1 tỷ đồng dành cho di dời mồ mả với diện tích 2,3ha, 1,5 tỷ đồng cho đầu tư hạ tầng gồm: xây dựng 1 đoạn đường bê tông và 1 tuyến đường đổ đất cấp phối, điện, nước. Với một khu nhỏ lẻ như thế này thì mục tiêu thu gom các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở trên địa bàn khu dân cư vào chỉ mang tính bao cấp, chứ mang tính kinh doanh là không có, mà nếu như kêu gọi nhà đầu tư nào đến đầu tư từ cơ sở hạ tầng rồi cho các cơ sở khác thuê thì việc này là không hiện thực.
Tổng diện tích cụm CN-TCCN Bắc An Gia chỉ có 25ha, quá nhỏ để kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng với phương thức cho thuê đất trong khu vực để đổi lấy chi phí xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó việc phân thành từng lô trong cụm CN-TTCN xem ra cũng chưa phù hợp. Đơn cử như vài cơ sở cơ khí, nằm ngay trong khu dân cư, muốn di dời vào cụm CN Bắc An Gia để giải quyết vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất, nhưng việc phân lô trên đang khiến cho những cơ sở này ngần ngại. Ông Hồ Đăng Lợi - Chủ cơ sở cơ khí Lợi - Sia, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tâm sự: Nếu như mở rộng sản xuất thì với diện tích 767 m2 cho xưởng cơ khí của doanh nghiệp thì như vậy ước lượng mới thỏa mãn khoảng 50% diện tích đất, thành ra nếu huyện tạo điều kiện được với nguyện vọng ban đầu chúng tôi xin thuê 1500m2 thì sau này doanh nghiệp mới có cơ hội phát triển chứ không thì chỉ cầm chừng coi như chưa vào cụm.
Chuyện cây cầu Phú Thứ, cây cầu nằm trên tuyến đường huyết mạch nối Quốc lộ 1A đi thẳng đến khu CN Phú Đa, huyện Phú Vang. Để đến được khu công nghiệp của địa phương đây là con đường ngắn nhất, tiết kiệm chi phí vận tải. Tuy nhiên, quy định tải trọng của cầu chỉ có 8 tấn, đồng nghĩa với việc ô tô tải trọng lớn, như xe container không thể qua cầu. Nếu đi qua cầu Trường Hà thì thuận lợi hơn, nhưng phải đi vòng khá xa, hơn nữa đường vòng này phải qua nhiều khu đông dân cư, với những đường dây điện do người dân tự kéo ngang qua đường, có nhiều điểm không đạt chiều cao theo quy định, nên cũng nhiều trở ngại. Công ty CP dệt may Huế, là nhà đầu tư thứ ba đến với khu công nghiệp Phú Đa, với dự án xây dựng một nhà máy may, quy mô 1600 lao động, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Hiện nay, doanh nghiệp đang phải trung chuyển từ dệt may Huế về Phú Thứ qua các phương tiện vận tải nhỏ. Về việc này, ông Hoàng Việt Cường - Phó Ban quản lý các khu CN Thừa Thiên Huế cho biết: Trước mắt là dùng phương pháp trung chuyển hoặc đi theo con đường khác dài hơn theo cầu Trường Hà, hoặc là thuê kho phía bên này cầu Phú Thứ.
Giao thông đến với khu CN đã vậy, hạ tầng trong khu CN nhìn chung vẫn chưa có gì. Nếu không có sự chỉ dẫn của người dân địa phương thì thật khó để nhận ra đây là khu công nghiệp. Kể cả Công ty CP dệt may Huế đến đầu tư, thì tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 3 nhà đầu tư mạnh dạn về đây. Trong đó 2 doanh nghiệp đầu tư trước là nhà máy sản xuất gạch bê tông siêu nhẹ và nhà máy sản xuất giống lúa, thì nay gần như ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Ông Hoàng Việt Cường, cho biết thêm: Các doanh nghiệp rất ngại, ngại thứ nhất là vận chuyển hàng hóa phải trung chuyển tốn rất nhiều tiền, cho nên nhiều nhà đầu tư đã đến xem khu CN nhưng đều quan ngại về hạ tầng. UBND tỉnh cũng đã nắm được vấn đề này và đã có chỉ đạo để xây dựng cầu. Tuy nhiên về vốn còn rất nhiều khó khăn.
Theo quy hoạch, tỉnh TT- Huế hiện có gần 20 cụm CN-TTCN và hầu hết đều rất hạn chế về cơ sở hạ tầng. Trong khi chờ đợi hạ tầng cơ sở ở đây được cải thiện, thì thực tế trên đang làm nản lòng các nhà đầu tư và đang kìm hãm việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Lê Hùng (ARID)