Quy mô nhỏ lẻ, nguồn vốn hạn hẹp, chất lượng chưa cao, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng phong phú và chưa theo kịp với nhu cầu thị trường... là đặc điểm chung của các làng nghề, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung.


Trước thực trạng đó, việc tìm chỗ đứng và đầu ra cho sản phẩm là một trong những khó khăn chung của nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và các làng nghề.
Trong đó, khôi phục, phát triển nghề và làng nghề truyền thống là chủ trương lớn của tỉnh trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Với mục tiêu này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt đề án “Khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề TTCN tỉnh đến năm 2015” và ban hành kế hoạch “Khôi phục, phát triển nghề, làng nghề truyền thống và sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu 2009-2010”. Trên cơ sở đó, Trung tâm Khuyến công tỉnh có chức năng quan trọng trong công tác xúc tiến thương mại đói với làng nghề và sản phẩm thủ công mỹ nghệ thông qua các hội chợ và triển lãm. Đây là điều kiện thuận lợi cho sản phẩm của các làng nghề có cơ hội tiếp cận, quảng bá sản phẩm với thị trường và khách hàng.

 


Trong năm 2010, thông qua nguồn vốn khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ các làng nghề, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm: Hội chợ quốc tế hàng TCMN, đồ gỗ và quà tặng Việt Nam 2010 tại TP HCM; Hội chợ triển lãm Làng nghề và phố nghề kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; Hội chợ triển lãm gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010; Hội chợ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực Bắc Trung bộ (Thanh Hóa 2010) và khu vực miền Trung - Tây nguyên (Phú Yên 2010)... Nhân Festival Thuận An biển gọi 2010, Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ tổ chức Hội chợ sản phẩm làng nghề Phú Vang. Tại các hội chợ, triển lãm, nhiều sản phẩm của các làng nghề gồm: nón lá, mây tre đan, thêu, tranh khắc trên đồng, lồng đèn, sản phẩm mô hình lắp ghép, mộc mỹ nghệ, chạm, khảm xà cừ; sản phẩm gốm sứ; đúc đồng, điêu khắc... được trưng bày, giới thiệu, quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng, du khách và các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu. Thông qua đó, cơ sở sản xuất, làng nghề còn có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, phát triển sản phẩm; ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm..., hoạt động đào tạo, truyền nghề được Trung tâm Khuyến công đặc biệt quan tâm và đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống.

 

Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, Trung tâm đã phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức các lớp đào tạo, truyền nghề nhằm cung ứng lao động cho các cơ sở sản xuất, làng nghề. Tính riêng năm 2010, đã có hàng chục lớp đào tạo nghề được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm lao động ở các vùng nông thôn; bao gồm: 2 lớp đào tạo nghề mây tre đan theo các mẫu mới làm hàng TCMN và lưu niệm của HTX Bao La (Quảng Điền); 1 lớp đào tạo nghề sản xuất xăm lưới phục vụ đánh bắt thủy sản tại thôn Vân Trình, xã Phong Bình (Phong Điền); 4 lớp đào tạo nghề thêu tay truyền thống tại Phú Bài (Hương Thủy), Phú Đa, Vinh Thanh (Phú Vang), Hương Giang (Nam Đông); 3 lớp đào tạo nghề mộc mỹ nghệ tại làng nghề Hương Hồ (Hương Trà); 6 lớp đào tạo nghề mộc mỹ nghệ và mộc dân dụng cao cấp phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH Ngọc Anh; 2 lớp đào tạo nghề mộc mỹ nghệ và dân dụng tại DNTN Tân Tiến (Quảng Điền); lớp đào tạo nghề mộc mỹ nghệ tại Công ty TNHH Liên Thành; lớp đào tạo nghề sản xuất hoa sen giấy truyền thống làng hoa giấy Thanh Tiên... Hoạt động đào tạo nghề của các đề án khuyến công không chỉ đáp ứng nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mà còn góp phần cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cho các làng nghề, cơ sở sản xuất trong việc mở rộng sản xuất sản phẩm mỹ nghệ truyền thống cho tiêu dùng và xuất khẩu.
 

CTV. Nguyễn Hoàng