Hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (VIETRADE) phối hợp Cục Xúc tiến Mậu dịch Hồng Kông (HKTDC) tổ chức. Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều khẳng định, Hồng Kông là một thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu Việt Nam.
Ông Lê Xuân Dương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam cho biết, đặc khu hành chính Hồng Kông mặc dù chỉ có hơn 7 triệu dân nhưng có GDP bình quân đầu người rất cao, với 36.000 USD/người vào năm 2012. Nông nghiệp đóng góp vào cơ cấu GDP của Hồng Kông gần như là 0%, công nghiệp cũng giảm dần, trong khi dịch vụ chiếm tới 93%, gồm dịch vụ vận chuyển, viễn thông, ngân hàng, tài chính, y tế giáo dục, v.v… Do thiếu đất trồng trọt nên Hồng Kông nhập nhiều lương thực, thực phẩm từ nước ngoài. Đây là điều kiện thuận lợi để những mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông.
Đặc biệt, Hồng Kông là một thị trường tự do, thể hiện ở mức thuế rất thấp, Chính phủ ít can thiệp vào các hoạt động của doanh nghiệp. Hồng Kông cũng có cơ sở hạ tầng giao thông và xã hội phát triển. Khu đặc trị kinh tế này còn là nơi có sân bay bận rộn nhất thế giới về vận chuyển hàng hóa quốc tế và cảng container bận rộn thứ 3 thế giới.
Ngoài ra, hệ thống dịch vụ thương mại, bán buôn, bán lẻ của Hồng Kông cũng rất phát triển. Đây được xem là trung tâm tài chính, thương mại quan trọng của Châu Á và thế giới, đồng thời tập trung nhiều trụ sở các công ty lớn của Châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt, Hồng Kông còn được xem là cửa ngõ thương mại – đầu tư của Trung Quốc với nước ngoài, v.v... Do vậy, thông qua thị trường Hồng Kông, hàng Việt Nam có cơ hội thâm nhập vào thị trường Trung Quốc cũng như những nước khác.
Cũng theo ông Lê Xuân Dương, quy mô thương mại của thị trường Hồng Kông lớn thứ 11 trên thế giới. Năm 2012, Hồng Kông nhập khẩu 504 tỷ USD hàng hóa, tăng 3,9% so với năm trước, đồng thời thị trường này cũng xuất khẩu 443 tỷ USD hàng hóa, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những mặt hàng sản xuất tại Hồng Kông chỉ có 8 tỷ USD, giảm 10,4%, còn hàng hóa tạm nhập tái xuất chiếm 435 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm trước.
Theo các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hồng Kông, đồng thời cần tận dụng nơi này làm cửa ngõ để đưa hàng hóa sang các nước khác.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông gặp thuận lợi do hai nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (có hiệu lực từ ngày 1/1/2010).
Theo ông Lê Xuân Dương, năm 2012, Việt Nam xếp thứ 17/30 về quan hệ kinh tế thương mại lớn nhất với Hồng Kông, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4,7 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất sang Hồng Kông 3,7 tỷ USD, tăng 12% và nhập khẩu 1 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm trước. Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chủ yếu là hàng nông sản thực phẩm, tiếp đến là linh kiện phụ kiện máy văn phòng, máy tính, linh kiện điện tử và bán dẫn, gạo, linh kiện và thiết bị viễn thông, v.v…
Về đầu tư, Hồng Kông có xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư sang Việt Nam do chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng tăng cao, những ưu đãi trước đây giảm dần.
Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang Hồng Kông và tận dụng thành công “cửa ngõ” này, tại hội thảo, các diễn giả đã giới thiệu tới doanh nghiệp Việt Nam những phương pháp để quảng bá, tiếp thị thông qua Hồng Kông để sang các thị trường khác.
Ông Lê Xuân Dương cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần lựa chọn những hội chợ phù hợp, có uy tín, lựa chọn những gói quảng bá sản phẩm với chi phí thấp nhất. Thông qua Cục Xúc tiến Mậu dịch Hồng Kông tại Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu tới đây sẽ tổ chức nhiều hơn các hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, trong đó nếu tập hợp số lượng doanh nghiệp đủ lớn thì sẽ tổ chức thành các gian hàng quốc gia Việt Nam tại các hội chợ triển lãm ở Hồng Kông.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn có thể tiếp cận khách mua hàng quốc tế thông qua giải pháp tiếp thị toàn diện của HKTDC như: quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp trên trang trực tuyến hktdc.com, cũng như giới thiệu những yêu cầu của khách hàng để giúp doanh nghiệp tìm kiếm được khách hàng tiềm năng; doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể đặt quảng cáo sản phẩm, thương hiệu của mình đến khách hàng quốc tế qua tạp chí của HKTDC, v.v...
Cục Xúc tiến thương mại