Có hiệu lực ngày 15/5/2010, lệnh cấm xuất khẩu gỗ tươi đã mang lại những kết quả đầu tiên. Số lượng các đơn vị chế biến gỗ đã tăng 13,4% với 93 nhà máy tính đến hết năm 2010 trong khi năm 2009 là 82 nhà máy. Công suất chế biến công nghiệp cũng tăng từ 1,6 triệu m3 lên 1,625 triệu m3 (+1,5%).
Với 688.000 ha được cấp phép khai thác, công ty Rougier của Pháp là một trong 3 doanh nghiệp nhận được chứng chỉ quản lý tốt về rừng, đáp ứng được các tiêu chí về môi trường và kinh tế - xã hội. Rougier có 1 nhà máy gỗ dán gần thủ đô Libreville và 2 nhà máy cưa nằm ở phía Tây và Đông Nam đất nước. Công suất các nhà máy này sẽ tăng gấp đôi kể từ tháng 7/2011. Hiện công ty Rougier có biên chế khoảng 1500 người.
Một công ty lớn khác là Công ty quốc gia về gỗ của Ga-bông (SNBG) chuyên kinh doanh gỗ tươi cũng đã liên doanh với tập đoàn Cremona (Italia) để đầu tư xây dựng một khu liên hợp công nghiệp với công suất chế biến 250.000 m3 gỗ/năm. Đặt tại tỉnh Owendo, khu liên hợp này sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Pogab và Leroy, hai công ty của tập đoàn Plysorol của Li-băng cũng dự kiến đầu tư 25 triệu euro giai đoạn 2011-2012 để cơ cấu lại các nhà máy sản xuất gỗ dán tại Ga-bông. Nếu như trước đây, gỗ trám chỉ được Pogab đưa sang chế biến tại Pháp thì giờ đây hoạt động này được thực hiện ngay tại Ga-bông. Công ty Pogab có kế hoạch nâng tổng số biên chế từ 275 lên 1000 người. Còn công ty Leroy, có giấy phép khai thác 600.000 ha gỗ trám sẽ đầu tư xây dựng lại đường sá, cầu cống và tổ chức lại lĩnh vực logistics tại Ga-bông. Doanh nghiệp này sẽ xây dựng kế hoạch quy hoạch rừng để được cấp chứng nhận cho các sản phẩm gỗ của mình.
Lệnh cấm xuất khẩu gỗ tươi của Ga-bông. Cách đây một năm, ngày 15/5/2010, Chính phủ Ga-bông đã chính thức áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gỗ tươi nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước.
Ga-bông là quốc gia Châu Phi có diện tích rừng chiếm khoảng 80% diện tích lãnh thổ, điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến gỗ. Ngành này đóng góp 6% GDP và tạo ra 15.000 việc làm trực tiếp và 5000 việc làm gián tiếp. Ban đầu, quyết định cấm xuất khẩu gỗ tươi cũng vấp phải sự phản đối của dư luận vì kéo theo việc giảm hoạt động xuất khẩu, gây mất việc làm của nhiều người dân.
Phần lớn các doanh nghiệp lâm sản nước này chỉ chế biến khoảng 1,5 triệu tấn gỗ tươi (chiếm khoảng 25% gỗ khai thác) và xuất khẩu toàn bộ số gỗ tươi còn lại. Theo Bộ Luật Lâm nghiệp của Ga-bông, đến năm 2012, các doanh nghiệp trong nước phải đạt mức chế biến gỗ địa phương là 75%.
Tổng thống Cộng hòa Ga-bông, Ali Bongo cho biết Ga-bông cần phải phục hồi ngành công nghiệp chế biến gỗ địa phương với mục đích tăng công suất chế biến gỗ mỗi năm lên khoảng 50%. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2010, Chính phủ Ga-bông đã vay 266 triệu euro tại nhiều ngân hàng thương mại để đầu tư phát triển ngành công nghiệp thế mạnh này.
Năm 2010, Việt Nam nhập khẩu từ Ga-bông 3702 tấn gỗ trị giá 5,9 triệu USD. Còn trong 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã mua của quốc gia Trung Phi này 3 triệu USD gỗ và sản phẩm gỗ.
Hoàng Đức Nhuận (Theo Jeune Afrique)