Những ngày cao điểm của Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 nằm trọn vẹn trong tháng 02 năm 2013 nên thị trường hàng hóa trong tháng diễn ra khá sôi động với các hoạt động mua sắm, lễ hội trong dịp Tết. Tuy nhiên, thị trường Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, sức mua tăng không cao, mặt bằng giá các hàng hoá phục vụ Tết nhìn chung không cao hơn so với Tết năm trước.

 

Cùng với sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể, thị trường trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 khá ổn định, cung cầu bảo đảm, giá cả hàng hóa diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá.

Hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết trên thị trường phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường hàng hóa Tết với giá hợp lý, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết, do đã được các địa phương chuẩn bị khá chu đáo , với sự theo dõi sát sao và xử lý kịp thời các biến động cục bộ của các Bộ, ngành, sự chủ động, kịp thời trong công tác thông tin tuyên truyền nên đã góp phần hạn chế việc tăng giá bất hợp lý.

Các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán nhìn chung nguồn cung dồi dào, giá cả biến động theo quy luật thông thường, không tăng đột biến, không có hiện tượng găm hàng, sốt giá. Đối với các mặt hàng xăng dầu, mặc dù chịu áp lực từ thị trường thế giới nhưng giá xăng dầu bán lẻ trong nước tiếp tục được giữ ổn định trong dịp Tết. Một số mặt hàng như phân bón, sữa, giá tăng do ảnh hưởng của tính mùa vụ và giá thế giới, các hàng hóa khác nhìn chung ổn định hoặc giảm nhẹ (đường, thức ăn chăn nuôi, xi măng, sắt thép.v.v...).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ xã hội tháng 2/2013 đạt 210.017 tỷ đồng, giảm 1,03% so với tháng 1/2013. Trong cơ cấu ngành của tổng mức bán lẻ, nhóm thương nghiệp và du lịch giảm do đối với các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giầy dép, đồ gia dụng, v.v… việc mua sắm đã được người tiêu dùng mua sớm trong các chương trình khuyến mại dịp Tết Dương lịch (tháng 1/2013) nên nhu cầu mua sắm hàng hóa tháng 2 chủ yếu tập trung cho các mặt hàng thực phẩm, hoa cây cảnh dịp Tết.

Ngoài ra, do kỳ tính tổng mức bán lẻ tháng 2 ngắn hơn tháng 1 đến 3 ngày nên tổng mức bán lẻ tháng 2 đã giảm so với tháng 1. Như vậy tổng mức bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt 422,224 tỷ đồng, tăng 10,02% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các nhóm thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ đều tăng từ 10-14%, riêng nhóm du lịch giảm 4,35% do nhu cầu đi du lịch dịp Tết năm nay giảm so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2013 tăng 1,32% so với tháng 1/2013 do thời gian cao điểm của Tết Nguyên đán nằm trong kỳ tính giá của CPI tháng 2. Tuy nhiên so với cùng kỳ của nhiều năm trước, đây là mức tăng khá thấp của tháng Tết, nguyên nhân một phần là do sức mua không cao nhưng quan trọng hơn cả là sự chuẩn bị hàng hóa, công tác phục vụ Tết và triển khai các chương trình bình ổn thị trường tại nhiều địa phương đã tạo tâm lý ổn định cho thị trường và giảm thiểu hiện tượng đầu cơ, tích trữ hàng hóa trong dịp Tết, hạn chế việc tăng giá tùy tiện ngoài thị trường.

Trong cơ cấu CPI tháng 2, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 2,28%) do một số mặt hàng thực phẩm tăng trong những ngày cận Tết và ngay sau Tết nhưng mức tăng này cũng không phải là lớn và tập trung vào các mặt hàng như thủy sản, thịt bò, gà. Tiếp đến là nhóm đồ uống, thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm hàng hóa dịch vụ khác (tăng lần lượt 1,5%, 1,08% và 1,07%) do đây cũng là các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết. Các nhóm còn lại tăng từ 0,02-0,81%, riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,03%.

Trong cơ cấu vùng miền, CPI tháng 2 (tháng Tết) tại vùng thành thị đã tăng thấp hơn nông thôn do nhóm hàng thực phẩm tại thành thị tăng thấp hơn nông thôn. CPI tại các địa phương lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ tăng thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Như vậy có thể thấy công tác chuẩn bị Tết tại các địa phương và việc triển khai chương trình bình ổn đã có tác động tích cực trong việc kiềm chế tăng giá hàng hóa trong dịp lễ, tết.

 

 

Vụ Thị trường trong nước