Các doanh nghiệp của ta đã xuất khẩu linh kiện phụ tùng ôtô, xe máy sang 24 trên 54 quốc gia châu Phi, với tổng giá trị đạt 47,8 triệu USD. Các nước nhập khẩu chính gồm có Ai Cập (11,2 triệu USD), Nigeria (9 triệu USD), Togo (7,8 triệu USD), Senegal (7,4 triệu USD), Nam Phi (4,5 triệu USD), Ghana (2,75 triệu USD), Sudan (1,3 triệu USD)... Một số nước châu Phi nhập khẩu xe máy nguyên chiếc của Việt Nam là Togo, Ma-rốc, Ghana và Angola.
Trong quá khứ, châu Phi chủ yếu nhập xe ôtô cũ từ Châu Âu, nhưng đến nay, các nhà sản xuất xe hơi của Trung Quốc đã đặt chân lên mảnh đất này và bán những chiếc xe mới với giá thấp hơn các model xe cũ của Châu Âu. Chẳng hạn như chiếc Chery QQ chỉ có giá tại Trung Quốc từ 4.000 tới 6.000 USD. Thị trường Châu Phi rất quan trọng đối với Trung Quốc bởi các quốc gia ở đây không có những quy định về môi trường và độ an toàn ngặt nghèo như ở Châu Âu hay các nước khác.
Tuy nhiên, nhà sản xuất có lợi thế xâm nhập vào Châu Phi nhất có lẽ là Ấn Độ. Ngành công nghiệp xe hơi Ấn Độ vừa mới ra đời nhưng đã phát triển nhanh chóng. Chất lượng xe của họ cao hơn nhiều so với xe của Trung Quốc.
Về xe máy, châu Phi là thị trường tiềm năng cho hàng Việt Nam. Tại nhiều thành phố châu Phi, xe ôm là một phương tiện giao thông rất phổ biến, còn ở những nước nghèo và ở các tỉnh xa trung tâm thủ đô, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chính. Xe máy xuất khẩu sang châu Phi đòi hỏi giá thành phải chăng, có thể đi lại được ở những địa hình khó khăn do cơ sở hạ tầng đường bộ ở nhiều nước châu Phi chưa được tốt.
Bên cạnh hoạt động xuất khẩu thông thường, doanh nghiệp Việt Nam cần tính tới việc đầu tư lắp ráp tại một số thị trường trọng điểm. Cách đây vài năm, mới chỉ có một doanh nghiệp Việt Nam thành công trong việc lắp ráp và tiêu thụ xe máy tại Mali.
Nguồn: Vụ KV4, Bộ Công Thương