Khai mạc Hội nghị Tham tán Thương mại 2013
Ngày 18/12, Bộ Công Thương chính thức khai mạc Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2013 với sự tham dự của 100 Đại sứ Việt Nam và Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước ngoài.
Trong diễn văn chào mừng tại Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã biểu dương các thành tích đạt được của các Thương vụ Việt nam tại nước ngoài. Trong đó, các Thương vụ đã thực hiện tốt 2 chức năng chính: Đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế, thương mại; Xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp của nước ngoài vào Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thay mặt Đảng và Chính phủ biểu dương, ghi nhận những đóng góp thiết thực và quan trọng của các Thương vụ trong việc giúp Đảng và Nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong bối cảnh kinh tế xã hội đang rất khó khăn như hiện nay.
Để có thể phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động, các Thương vụ phải là những nhà tư vấn chính sách cho Chính phủ. Bên cạnh đó cần phải tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành để đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa công tác thị trường nước ngoài, coi đây là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho kinh tế trong nước.
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Công Thương tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân Thương vụ có thành tích xuất sắc trong năm 2013.
Đối thoại giữa Tham tán thương mại với các bên liên quan
Trong khuôn khổ Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2013, ngày 18/12, Bộ Công Thương đã tổ chức buổi đối thoại giữa các Tham tán thương mại với đại diện UBND các địa phương, các Hiệp hội ngành hàng.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, buổi đối thoại được tổ chức lần này là cơ hội để các bên trao đổi về cơ chế, chính sách, xu hướng xuất khẩu ở một số thị trường trọng điểm; mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển; các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi; tìm ra những nguyên nhân khách quan, những tác động… gây cản trở cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập những thị trường này. Đây cũng là dịp để UBND các địa phương, các Sở Công Thương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kiến nghị về cơ chế, chính sách giúp tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư vào các địa phương.
Tại buổi đối thoại, các Tham tán thương mại đã tập trung chia sẻ kinh nghiệm giúp doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tranh thủ cơ hội từ việc ký kết các Hiệp định Mậu dịch tự do FTA: mở rộng thị trường xuất khẩu; tận dụng các ưu đãi; cam kết mở cửa thị trường của các nước.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư nghiên cứu thông tin nhất định về thị trường muốn hợp tác và tích cực tham gia xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm hàng hóa. Mặt khác, việc đảm bảo sự ổn định về chất lượng cũng như nguồn cung sản phẩm để tạo niềm tin, uy tín cho đối tác cũng cần được quan tâm. Với vai trò của mình, các Thương vụ sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp về vấn đề này.
Hội nghị Quán triệt và hướng dẫn triển khai chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do đến năm 2020
Ngày 17/12, tại Hà Nội, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế đã tổ chức Hội nghị Quán triệt và hướng dẫn triển khai chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đến năm 2020.
Tại Hội nghị, với sự tham dự của các Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh – Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế - Thương mại quốc tế đã giới thiệu về "Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và các trào lưu của các FTA trên thế giới".
Đến cuối năm 2013, Việt Nam đã cùng ASEAN tham gia 6 FTA khu vực (AFTA, ACFTA, AKFTA, AJFTA, AANZFTA, AIFTA) và có 2 FTA song phương (VJEPA với Nhật Bản và FTA Việt Nam - Chi-lê) với phạm vi tự do hóa khác nhau. Đồng thời, Việt Nam cũng đang đàm phán TPP, RCEP, FTA với EU, với Liên minh Thuế quan, các nước EFTA và Hàn Quốc.
Việc tham gia hội nhập ngày càng sâu và ký kết các hiệp định tự do trên đã góp phần đưa thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các đối tác đã có FTA đã tăng cao, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong đó 50% kim ngạch xuất khẩu và gần 70% kim ngạch nhập khẩu.
Bộ Công Thương với tư cách đầu mối trong đàm phán và triển khai các FTA cần tận dụng tốt hơn các lợi ích đem lại từ các hiệp định, thỏa thuận kinh tế song phương với các nước để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng tầm quan hệ thương mại, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hội thảo tư vấn xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt – Trung
Ngày 17/12/2013, tại TP Móng Cái (Quảng Ninh) đã diễn ra Hội thảo “Tư vấn xây dựng các khu kinh tế qua biên giới Việt – Trung” do Tạp chí Công Thương, Vụ Thương mại biên giới và miền núi, Vụ kế hoạch - Bộ Công Thương phối hợp với UBND Tp. Móng Cái – tỉnh Quảng Ninh và Ngân hàng phát triển châu Á ADB tổ chức.
Đây là hoạt động nhằm triển khai thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 13/10/2013 tại Hà Nội về xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới.
Tại Hội thảo, các đại biểu Việt Nam – Trung Quốc đều bày tỏ quan điểm, hai bên cùng trao đổi - thỏa thuận để hướng đến "Hai khu cơ chế tương đồng", qua đó đưa ra những cách nhìn toàn diện, sâu sắc trong xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt - Trung, tập trung vào 4 cặp cửa khẩu có vị trí tương đối đủ điều kiện là Đồng Đăng - Bằng Tường; Móng Cái - Đông Hưng; Lào Cai - Hà Khẩu và Trà Lĩnh - Long Bang, từ đó có những đánh giá và lựa chọn mô hình phát triển phù hợp vì lợi ích chung của hai nước Việt - Trung.
Bên cạnh đó, tham luận của đại biểu cũng đã mạnh dạn đề xuất, kiến nghị với Chính phủ hai nước Việt Nam – Trung Quốc và các địa phương nhiều giải pháp quan trọng trong xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt - Trung của các đại biểu là nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đến từ các bộ, ngành, địa phương biên giới Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng của Việt Nam và Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc.
Khai mạc Hội chợ thời trang Việt Nam 2013
Ngày 19/12/2013, tại trung Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Hà Nội) đã khai mạc Hội chợ Thời trang năm 2013 (Vietnam fashion show 2013). Thứ trưởng Bộ Công Thương Hỗ Thị Kim Thoa đã tham dự và cắt băng khai mạc Hội chợ.
Diễn ra từ ngày 19 đến 25/12/2013 với quy mô trưng bày khoảng 7.000 m2, Hội chợ bao gồm 400 gian hàng của 200 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực dệt may, da giày, kim hoàn, mỹ phẩm và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp.
Bên cạnh sự xuất hiện của nhiều dòng sản phẩm thiết kế sáng tạo, phong cách hiện đại, kiểu dáng phong phú và chất lượng hoàn thiện… tại Hội chợ lần này, Ban tổ chức còn tạo điều kiện để một số nhà thiết kế thời trang trẻ tham gia giới thiệu các sản phẩm, ý tưởng thiết kế mới.
100% sản phẩm là hàng dệt may do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, Hội chợ chính là một hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.
Nguồn: moit.gov.vn