Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng ngày 01/4/2014, tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã giải đáp nhiều vấn đề "nóng" của Ngành đang được đông đảo người dân cả nước và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, trong đó hai vấn đề được quan tâm nhiều nhất là việc thu gom nông sản của thương lái nước ngoài và vấn đề đầu tư ngoài ngành của EVN.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, với trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương cũng như các đơn vị liên quan đã từng bước quản lý được hoạt động thu mua nông sản của thương lái nước ngoài. Trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng này cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân cũng như nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ thi hành công vụ, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường.
Liên quan đến các câu hỏi có hay không việc EVN tính chi phí xây dựng nhà vào giá điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, không có câu chuyện qua 6 dự án nhiệt điện đưa chi phí xây dựng nhà ở vào giá thành điện năm 2011, trừ Nhiệt điện Ô môn 1 được xây dựng từ trước đây cả chục năm, nhưng tỉ lệ đưa vào giá thành cũng rất nhỏ. Đồng thời, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh đầu tư của ngành điện đối với các công ty thành viên là đầu tư vào các công trình điện chứ không phải đầu tư ra ngoài ngành. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2015, ngành điện phải thoái vốn hết đối với phần 2.000 tỷ đồng đầu tư ra lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm.
Trong phần kết luận phần trả lời chất vấn, UV Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ Công Thương đã có nhiều chủ động trong việc thường xuyên theo dõi các diễn biến của thị trường để kịp thời phát hiện và và có hướng xử lý, bảo đảm lợi ích của nông dân. Thời gian tới, Bộ Công Thương cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chủ động có các giải pháp gắn tiêu thụ với sản xuất.
Bộ Công Thương triển khai “Năm tăng cường và đổi mới công tác dân vận”
Ngày 01/4/2014, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị triển khai “Năm tăng cường và đổi mới công tác dân vận 2014” và ký giao ước thi đua về công tác dân vận giữa các khối đơn vị trực thuộc Bộ.
Tại Hội nghị, ông Đào Minh Hải – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Công Thương cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân vận, ngày 23 tháng 8 năm 2013, Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động số 463-Ctr/ĐUB và quyết định chọn năm 2014 là Năm tăng cường và đổi mới công tác dân vận (Năm dân vận 2014) nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ về công tác dân vận.
“Năm dân vận 2014” sẽ được triển khai sâu rộng với hai khâu đột phá. Trước hết nhằm nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên, người lao động, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác dân vận trong Đảng bộ Bộ Công Thương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác dân vận ở cơ quan Nhà nước, trọng tâm là thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng tham mưu chủ trương, chính sách hợp lòng dân với mục tiêu xây dựng và thực hiện nền hành chính dân chủ, kỷ cương, công khai, minh bạch và tránh nhiệm; sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa, nêu cao đạo đức công vụ, v.v…
Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cùng lãnh đạo Đảng ủy, Ban Dân vận Trung ương, đại diện 4 khối đơn vị trực thuộc Bộ (bao gồm khối Quản lý nhà nước, khối Đơn vị sự nghiệp, khối Cơ quan đoàn thể và khối Doanh nghiệp) đã ký giao ước thi đua về triển khai “Năm dân vận 2014”.
Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Pê-ru
Ngày 03/4/2014 tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi tiếp và làm việc với ông Luis Tsuboyama - Đại biện Lâm thời Pê-ru tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, ông Luis Tsuboyama chia sẻ: “Năm 2013, Peru mở Đại sứ quán tại Việt Nam đã thể hiện Chính phủ Pê-ru luôn coi trọng và muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực”. Ông Luis Tsuboyama cho biết, Peru đánh giá rất cao tiềm năng phát triển hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP).
Trong thời gian tới, Pê-ru dự kiến sẽ triển khai nhiều kế hoạch nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và đầu tư với Việt Nam. Ngoài ra, ông Luis Tsuboyama cũng mong muốn nhận được sự phối hợp của các Bộ, ngành Việt Nam để cùng cập nhật thông tin chính sách đầu tư, thương mại về thị trường của nhau, tạo một cơ sở thông tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán Pê-ru tại Việt Nam trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu thị trường để cùng khai phá hơn nữa tiềm năng kinh tế của hai bên.
Năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 154,3 triệu USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Pê-ru đạt 110,5 triệu USD, tăng 9,8%; nhập khẩu từ Pê-ru đạt 43,8 triệu USD, giảm 119% so với năm 2012.
Khai mạc Hội chợ Hùng Vương 2014
Tối ngày 03/4/2014, tại Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã diễn ra Hội chợ Hùng Vương 2014. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã tới dự và phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ.
Diễn ra từ ngày 03 – 09/4/2014 (tức ngày 04/3 đến ngày 10/3 năm Giáp Ngọ 2014), đây là hoạt động nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo thực hiện.
Hội chợ có quy mô 350 gian hàng của trên 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Phú Thọ, trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm chất lượng, mẫu mã phong phú, đa dạng như hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, phân bón, nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, trang trí nội ngoại thất, điện, điện tử, hàng may mặc, thời trang, nông lâm thủy sản, lương thực, thực phẩm chế biến, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm cơ khí, máy móc phục vụ nông nghiệp và cơ giới hóa nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề.
Hội chợ Hùng Vương 2014 được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Phú Thọ quảng bá hình ảnh, tăng cường giao lưu thương mại, xúc tiến đầu tư, liên doanh liên kết, mở rộng thị trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Hội chợ cũng là một trong những hoạt động chính thức của Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Ngọ.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tin tưởng Hội chợ Hùng Vương năm 2014 sẽ là cầu nối hiệu quả, là kênh xúc tiến thương mại quan trọng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong khu vực trung du miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung gặp gỡ giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Đồng thời Hội chợ cũng góp phần thúc đẩy hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, đầu tư giữa các tỉnh thuộc khu vực.
"Công nghệ và dịch vụ Pháp dành cho ngành dệt và vải kỹ thuật Việt Nam”
Đây là tên Hội thảo được UBIFRANCE (Cơ quan xúc tiến xuất khẩu Pháp) và UCMTF (Liên minh các nhà chế tạo thiết bị ngành dệt của Pháp) tổ chức ngày 3/4/2014 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Năm Việt Nam - Pháp. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã tham dự và phát biểu khai mạc tại Hội thảo.
Hội thảo có sự phối hợp tổ chức của Bộ Công Thương Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA). Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh ngành Dệt May Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm qua, đạt mức doanh thu 23 tỷ USD, tương đương với 10% GDP vào năm 2013. Sản xuất của Việt Nam, trong đó có dệt may, đang ngày càng hướng tới các trang thiết bị mang lại giá trị gia tăng cao để có thể thực hiện quyết tâm của chính phủ Việt Nam đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh và sản lượng so với các nước láng giềng châu Á.
Pháp là nước đứng thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu thiết bị ngành dệt với kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD/năm, với các khách hàng tại hơn 115 quốc gia. Các nhà chế tạo thiết bị ngành dệt của Pháp là những công ty hàng đầu thế giới trong phân khúc công nghệ của họ. Họ có mặt trên thị trường với các thiết bị và công nghệ đặc biệt, dành riêng cho một số đối tượng khách hàng nhất định.
Tại đây, bảy công ty hàng đầu của Pháp giới thiệu những giải pháp tốt nhất và nhiều đổi mới về công nghệ trong ngành dệt, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể cải thiện sức cạnh tranh trên thị trường như: Dây chuyền xé, cân định lượng và trộn xơ, tái chế phế liệu ngành dệt, chế biến xơ cho vải không dệt; dây chuyền chế biến xơ tự nhiên; sản xuất các phụ kiện thay thế; dây chuyền sản xuất vải không dệt, v.v...
Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương