Tuần qua, rất nhiều hoạt động của ngành Công Thương đã diễn ra sôi nổi, đáng chú ý là: Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có buổi tọa đàm với đoàn viên, thanh niên ngành Công Thương, tiếp và làm việc với ông U Maung Myint, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Mi-an-ma; Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tham dự Khóa họp lần thứ IV UBLCP Việt Nam - CH Séc; Hội nghị phổ biến Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự Hội nghị các Công ty Dầu khí Quốc gia trên thế giới lần thứ 8; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) quyết định mở riêng chuyên mục với tên gọi “Minh bạch xăng dầu”.


Việt Nam - Mi-an-ma: Tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến chính sách thương mại và đầu tư

Ngày 14/5/2014, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có buổi làm việc với ông U Maung Myint, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Mi-an-ma.Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: mục đích lớn nhất của buổi làm việc giữa hai Bên lần này là cùng nhau tìm cách giải quyết những vấn đề còn tồn tại, tháo gỡ khó khăn cản trở quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước và khai thông, thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại lên tầm cao mới, tương xứng với quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Thay mặt Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước trong thời gian tới. Đây là lần đầu tiên đoàn đại biểu của Bộ Công nghiệp Mi-an-ma đến thăm và làm việc tại Bộ Công Thương Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công nghiệp Mi-an-ma đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn của doanh nghiệp Mi-an-ma khi hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời Bộ trưởng cũng có những chia sẻ để các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn khi đầu tư vào thị trường Mi-an-ma. Theo Bộ trưởng U Maung Myint, Việt Nam và Mi-an-ma là hai nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, kinh tế, cùng là thành viên của ASEAN và CLMV. Chính phủ hai nước luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước.

Việt Nam hiện đứng thứ 8 trong danh sách các nhà đầu tư tại Mi-an-ma, tuy nhiên con số đầu tư vẫn còn khiêm tốn và không thuộc lĩnh vực công nghiệp. Do đó, tại buổi làm việc, Bộ trưởng hai nước đều thống nhất quan điểm cần có nhiều biện pháp thiết thực, tích cực hơn nữa thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước.

Tọa đàm Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thanh niên xung kích, đi đầu

Thực hiện Chương trình công tác Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương, được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ngày 12/5/2014, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức chương trình “Tọa đàm Bộ trưởng Bộ Công Thương với đoàn viên, thanh niên năm 2014” với chủ đề “Phát huy vai trò của Tuổi trẻ ngành Công Thương trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng biểu dương Đảng ủy, Đoàn thanh niên Bộ Công Thương đã có sáng kiến tổ chức buổi Tọa đàm, giao lưu để Bộ trưởng cũng như các cấp ủy Đảng, đơn vị hiểu được tâm tư, nguyện vọng của thế hệ trẻ, những đoàn viên, thanh niên của Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đánh giá đây là một hoạt động thiết thực, góp phần hướng đến kỉ niệm 63 năm ngày Truyền thống ngành Công Thương (14/5/1951 - 14/5/2014). Theo Bộ trưởng, buổi Tọa đàm cũng là một kênh thông tin hết sức quan trọng để tuổi trẻ ngành Công Thương nhìn lại những kết quả đã đạt được trong những năm qua. Qua đó, phát huy vai trò hơn nữa trong sự nghiệp phát triển ngành Công Thương nói riêng và quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước nói chung. Buổi Tọa đàm diễn ra trong không khí cởi mở, thân thiện giữa Bộ trưởng và đoàn viên, thanh niên toàn Ngành. Nhiều câu hỏi của đoàn viên, thanh niên các đơn vị như: Văn phòng Bộ, Cục, Vụ, Viện… gửi tới Bộ trưởng đã được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải đáp một cách thỏa đáng.

Tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định, muốn đi lên chủ nghĩa xã hội phải có con người. Con người xã hội chủ nghĩa ở đây bao gồm tất cả những con người tham gia xây dựng, bảo vệ đất nước, những người lao động trẻ, trong đó có đoàn viên, thanh niên. Nói đến lao động trẻ là nói đến sức khỏe, tinh thần, nhiệt huyết, nói đến sự năng động, sáng tạo, xung kích đi đầu, nói đến vai trò tiên phong.

Khóa họp lần thứ IV UBLCP Việt Nam - CH Séc: Thúc đẩy hợp tác thương mại

Ngày 12/5, Khóa họp lần thứ IV Ủy ban liên Chính phủ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa (CH) Séc về hợp tác kinh tế đã diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và Bộ trưởng Bộ Công Thương CH Séc Jan Mladek đồng chủ trì Khóa họp. Tham dự Khóa họp còn có đại điện các Bộ, ban, ngành và đông đảo doanh nghiệp hai nước Việt Nam và CH Séc.

Tại Khóa họp, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã điểm lại tình hình kinh tế của Việt Nam cũng như tình hình hợp tác thương mại giữa Việt Nam và CH Séc. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, hiện nay trao đổi thương mại 2 chiều vẫn chưa xứng với tiềm năng của hai nước. Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2013 trao đổi thương mại của 2 nước mới đạt 240 triệu USD, trong khi xuất khẩu của Việt Nam đạt 64 tỷ và Séc đạt 300 tỷ USD.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, 2 bên hoàn toàn có nhiều tiềm năng để nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên mức 1 tỷ USD trong thời gian tới. Trên lĩnh vực đầu tư, tiềm năng hợp tác của 2 bên cũng rất lớn.

Về phía mình, Bộ trưởng Bộ Công Thương CH Séc Jan Mladek khẳng định, Chính phủ CH Séc coi Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia ưu tiên hàng đầu về hợp tác thương mại, đầu tư, đồng thời là đối tác chiến lược trong giai đoạn 2015 – 2020. Ông Jan Mladek cũng bày tỏ mong muốn kỳ họp lần này sẽ góp phần tháo gỡ các rào cản, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác trong thời gian tới, nhất là trên các lĩnh vực mà CH Séc đặc biệt quan tâm như: xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, khai thác mỏ, v.v…

Kết thúc Khóa họp, hai bên đã thỏa thuận sẽ tận dụng các lợi thế nhằm thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như: khoáng sản, năng lượng, thực phẩm, thiết bị công nghiệp, y tế, giao thông, tài chính – dịch vụ, quốc phòng, v.v… Hai bên thống nhất Khóa họp lần thứ V Ủy ban liên Chính phủ giữa Việt Nam và CH Séc dự kiến sẽ diễn ra tại Bra-ha, CH Séc vào năm 2016.

Không thiếu điện trong năm nay

Trong chuyên mục Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 11/5/2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng giải thích những vấn đề về minh bạch giá điện cũng như việc đảm bảo không để thiếu điện trong mùa khô 2014 và 2015.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, chưa có lúc nào ngành điện vận hành trong trạng thái tốt như thế này, tốt bởi có phương án dự phòng. Bình quân hiện nay hệ số dự phòng khoảng 20% trên tổng nhu cầu điện. Như vậy có nghĩa rằng, trong tình hình bình thường, khi nhu cầu điện tăng bình quân chừng 10-11%, ngành điện hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu, và điều này cũng đúng với năm 2014 và kể cả năm 2015.

Tuy nhiên, có dự phòng và dự phòng với tỷ lệ như vậy nhưng nếu chẳng may xảy ra một sự cố lớn thì cũng có thể có thời điểm việc cung cấp điện có khó khăn. Vừa qua, do sự cố của mỏ khí ở phía ngoài khơi vùng biển giữa Việt Nam và Malaysia, liên quan đến vấn đề kỹ thuật, cho nên việc cung cấp khí cho sản xuất điện có bị ảnh hưởng. Và đứng trước tình hình này, ngành điện cũng đã có những phương án để ứng phó, trong đó đặc biệt là đưa vào vận hành đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước - Cầu Bông. Đây là nguồn điện 500kV thứ hai để cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ngày 5/5 vừa qua đã vận hành rồi và vận hành rất tốt, đảm bảo cho việc cung ứng điện cho mùa khô này của khu vực phía Nam.

Ngoài ra, ngành điện cũng có một phương án dự phòng nữa nếu trường hợp có yêu cầu cao hơn về điện thì sẽ huy động các nhà máy điện chạy những nguồn nguyên liệu khác như chạy dầu diezen, chạy dầu ma giút thì ngành điện sẽ đáp ứng đủ nhu cầu điện cho các tháng mùa khô của năm nay cũng như năm 2015.

Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam: Nhân dân là chủ thể quyền lực tối cao

Ngày 14/5/2014, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phổ biến Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam nhằm giới thiệu nội dung của Hiến pháp tới toàn thể cán bộ, công chức trong ngành Công Thương, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Hiến pháp, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: thời gian qua, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan thuộc Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội; Chỉ thị số 22/CT-TW của Bộ Chính trị, thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phân công trong quá trình tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Thực tiễn cho thấy quá trình tổng kết Hiến pháp và quá trình lấy ý kiến về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi, rộng khắp trong toàn ngành Công Thương.

Giới thiệu những nội dung chính của Hiến pháp tại Hội nghị, PGS. TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho biết: trước khi bản Hiến pháp 2013 ra đời, nước Việt Nam đã có 4 bản Hiến pháp (các năm 1946, 1959, 1980, 1992). Mỗi bản Hiến pháp ra đời đánh dấu những mốc lịch sử quan trọng của nước ta trong công cuộc giữ nước, dựng nước và phát triển hội nhập quốc tế.

Hiến pháp năm 1992 đã đóng góp nhiều cho Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, Hiến pháp 1992 đã bộc lộ nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, cùng với sự phức tạp của tình hình thế giới hiện nay đặt ra những yêu cầu cấp bách cần phải thay đổi. Do đó, toàn đảng toàn dân đã thống nhất thay đổi Hiến pháp năm 1992 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp hơn với tình hình phát triển chung. Hiến pháp năm 2013 được xem là bản hiến pháp thứ 5 trong lịch sử lập hiến của Việt Nam.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự Hội nghị các Công ty Dầu khí Quốc gia trên thế giới lần thứ 8

Từ ngày 13/5 đến ngày 16/ 5/ 2014, Đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do Tổng Giám đốc Đỗ Văn Hậu dẫn đầu đã tham dự Hội nghị các Công ty Dầu khí Quốc gia trên thế giới (World National Oil Congress) lần thứ 8 được tổ chức tại London, Vương quốc Anh. Đây là diễn đàn giữa các lãnh đạo cấp cao của các công ty dầu khí quốc gia thảo luận về các vấn đề được quan tâm nhất hiện nay trong lĩnh vực dầu khí, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, thảo luận về phương hướng giải quyết những thách thức trong chiến lược huy động vốn, quản lý rủi ro về thăm dò khai thác và môi trường, các cơ hội đầu tư trên toàn cầu.

Tham luận tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) Đỗ Văn Khạnh có bài trình bày tổng quan về ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, tiềm năng, cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, kêu gọi đầu tư giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVEP và các Công ty Dầu khí Quốc gia (NOC) và Quốc tế (IOC) trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí tại Việt Nam và trên thế giới trên cơ sở hợp tác hai bên cùng có lợi, tuân thủ luật pháp quốc tế và thông lệ dầu khí.

Nhân dịp này, Tổng Giám đốc Đỗ Văn Hậu đã có buổi làm việc với Lãnh đạo cấp cao một số công ty, đối tác chiến lược và các đối tác ở khu vực Trung Đông, châu Phi như Perenco, Shell... để trao đổi về việc triển khai các dự án hiện có và cơ hội hợp tác mới. Đoàn công tác cũng đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu của Schlumberger, nghe giới thiệu về công nghệ tăng cường sản lượng khai thác, tối ưu hóa quá trình khoan thăm dò, khai thác dầu khí và trao đổi khả năng hợp tác với PVEP để tăng cường hệ số thu hồi dầu trong hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Minh bạch xăng dầu: Tiếp tục chủ động cấp tin trên website của Tập đoàn

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa quyết định mở riêng chuyên mục với tên gọi “Minh bạch xăng dầu” trong mục “Tin tức - sự kiện” trên website công cộng có địa chỉ www.petrolimex.com.vn để công bố, công khai các thông tin của doanh nghiệp đến đông đảo người tiêu dùng, khách hàng, đối tác, cổ đông, phóng viên các cơ quan báo chí truyền thông.

Trước đó, ngày 22/42014 Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ban hành Chỉ thị 11/CT-BCT về việc tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu. Sau khi nghiên cứu kỹ các nội dung Chỉ thị 11, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) quyết định mở riêng 1 chuyên mục với tên gọi “Minh bạch xăng dầu” trong mục “Tin tức - sự kiện” trên website công cộng có địa chỉ www.petrolimex.com.vn để công bố, công khai các thông tin của doanh nghiệp đến đông đảo người tiêu dùng, khách hàng, đối tác, cổ đông, phóng viên các cơ quan báo chí truyền thông.

Ngoài ra, về quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG): Định kỳ theo quý, Petrolimex sẽ công bố tình hình biến động BOG (số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ, luỹ kế phát sinh kỳ báo cáo, số dư cuối kỳ). Hình thức đăng: Nguyên văn (scan) báo cáo Petrolimex gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương như hiện nay và bổ sung địa chỉ nhận thông tin là Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (www.moit.gov.vn). Đồng thời Petrolimex tiếp tục thực hiện chế độ báo cáo nhanh về BOG theo chỉ đạo tại văn bản số 4233/BTC-TCDN ngày 05 tháng 4 năm 2013 của Bộ Tài chính.

Đối với việc công khai kết quả sản xuất - kinh doanh, từ khi chuyển sang cổ phần (01.12.2011) đến nay, Petrolimex vẫn công bố thông tin đầy đủ tại chuyên mục "Nhà đầu tư" trên website Petrolimex theo đúng quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gồm các báo cáo tài chính chưa kiểm toán (quí, năm) và báo cáo tài chính đã kiểm toán (6 tháng, cả năm). Từ tháng 5/2014, các báo cáo này sẽ được hiển thị thêm tại chuyên mục "Minh bạch xăng dầu". Hình thức đăng: Nguyên văn (scan) các biểu mẫu báo cáo mà Petrolimex gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như hiện nay và bổ sung địa chỉ nhận thông tin là Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương theo yêu cầu của Chỉ thị 11.

Về giá bán lẻ xăng dầu, Petrolimex đã và đang thực hiện, hiện nay đã thành nề nếp. Mỗi khi điều chỉnh giá, Petrolimex đăng Thông cáo báo chí (TCBC), gửi TCBC đến tất cả các cơ quan báo chí trung ương, chuyên ngành và các địa phương. TCBC Petrolimex đã đính kèm đường link chỉ dẫn đến các văn bản có liên quan của cơ quan quản lý nhà nước.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương