Trong tuần từ ngày 30/6 đến ngày 06/07/2014, nhiều hoạt động của ngành Công Thương đã diễn ra, nổi bật là: Bộ Công Thương tổ chức Giao ban trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương về công tác quản lý thị trường 6 tháng cuối năm 2014; Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”; Thứ trưởng Cao Quốc Hưng tham dự Tọa đàm trực tuyến xăng sinh học E5; Trao tặng giải thưởng báo chí tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, v.v…


Bộ Công Thương: Khẩn trương hoàn thiện chính sách giúp quản lý thị trường tốt hơn

Ngày 01/7/2014, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương tổ chức Giao ban trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương về công tác quản lý thị trường 6 tháng cuối năm 2014. Phát biểu tại Giao ban, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: Bộ Công Thương sẽ khẩn trương hoàn thiện chính sách giúp quản lý thị trường tốt hơn.

Báo cáo công tác Quản lý thị trường 6 tháng đầu năm 2014, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: nhìn chung, do bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, cấp ủy và chính quyền địa phương, lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch hành động, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương của Chính phủ, góp phần hạn chế buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 7.731 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với trị giá 118,35 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ phát hiện tăng 650 vụ (tăng 9,18%), trị giá hàng vi phạm giảm 61,25 tỷ đồng (giảm 34,1%).

Sáu tháng đầu năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 90.826 vụ (giảm 1.057 vụ, giảm 1,15 % so với cùng kỳ năm 2013), xử lý 48.691 vụ vi phạm (giảm 325 vụ, giảm 0,67% so với cùng kỳ năm 2013); với tổng số thu nộp ngân sách 202, 76 tỷ đồng (tăng 27,45 tỷ đồng, tăng 15,65 % so với cùng kỳ năm 2013); trị giá hàng tịch thu chưa bán 67,24 tỷ đồng (giảm 67,74 tỷ đồng, giảm 50,18 % so với cùng kỳ năm 2013).

Phát biểu tại Hội nghị giao ban, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và thành tích của các lực lượng Quản lý thị trường trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời, để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: lực lượng quản lý thị trường cần quyết liệt, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết đấu tranh với các mặt hàng buôn lậu "nóng" như: xăng dầu, khí hóa lỏng; vi phạm về sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm; sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng; thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, v.v… Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tập trung ngăn chặn các hành vi lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam dùng hành Việt Nam” để trà trộn hàng lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ tại thị trường trong nước. Liên quan đến các vấn đề về hành lang pháp lý, thứ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật giúp lực lượng quản lý thị trường hoạt động tốt hơn. Bộ cũng sẽ đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo người dân các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng từ các hàng hóa không rõ nguồn gốc, đặc biệt là rau, quả, thuốc lá nhập lậu.

Để hàng Việt phát triển bền vững

Ngày 3/7/2014, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã tới dự và chủ trì Hội nghị. Theo đánh giá chung, Cuộc vận động đã mang lại những kết quả tích cực và tác động không nhỏ đến thay đổi hành vi, thói quen, văn hóa tiêu dùng của người Việt.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính trị (từ 31 tháng 7 năm 2009) là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trong nước bền vững qua việc phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; động viên các doanh nghiệp sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay, góp sức giải quyết những khó khăn, bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

Theo đánh giá chung, Cuộc vận động triển khai được 5 năm đã mang lại những kết quả tích cực, tạo tiền đề để triển khai hiệu quả Cuộc vận động trong những năm tiếp theo. Một xu hướng đáng mừng hiện nay là người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng, v.v...

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: “Kết quả của Cuộc vận động đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2012 về việc tăng cường Cuộc vận động. Cuộc vận động hình thành nên một phong trào mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước, đã tạo ra xu hướng lựa chọn tiêu dùng hàng Việt Nam. Cuộc vận động không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt Nam mà còn có ý nghĩa tích cực trong việc thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống của nhân dân, duy trì phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước trong điều kiện tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới”.

Trao tặng giải thưởng báo chí tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Sáng ngày 4/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương, Hội Nhà báo Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức lễ trao “Giải báo chí toàn quốc tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2013”.

Giải thưởng được Bộ Công Thương khởi xướng từ năm 2007. Từ năm 2012, Bộ Công Thương chính thức phối hợp về mặt chuyên môn với Hội Nhà báo Việt Nam để tổ chức thành một sự kiện mang tính thường niên, một sự kiện toàn quốc với tên gọi: “Giải báo chí toàn quốc tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.

Mục đích của giải thưởng là nhằm tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng kịp thời những cán bộ, phóng viên, cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương có thành tích trong tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Giải thưởng đã trở thành một giải thưởng có uy tín, nhận được sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của các cơ quan thông tấn báo chí.

Năm 2013, giải đã nhận được gần 300 tác phẩm dự thi của các tác giả đang công tác tại các cơ quan báo chí cả nước. Qua vòng sơ khảo, 60 tác phẩm thuộc 4 thể loại: truyền hình, phát thanh, báo mạng và báo in đã được chọn đi tiếp vào vòng chung khảo. Vòng chấm chung khảo diễn ra ngày 03/6/2014 với sự tham gia của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo uy tín, các chuyên gia về năng lượng, tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương và lãnh đạo EVN. Các tác phẩm đoạt giải đã bao quát được vấn đề về tiết kiệm năng lượng, tính phát hiện những mô hình tốt, cách làm hay.

Theo Ban tổ chức, các tác phẩm đã bao quát được các vùng miền, các ngành nghề, các vấn đề về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, có những tác phẩm có tính phát hiện những mô hình tốt, những cách làm hay. Bên cạnh đó, nhờ sự phối hợp giữa các nhà báo giàu kinh nghiệm và các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, đã đảm bảo chọn được các tác phẩm báo chí vừa đúng nội dung chủ đề yêu cầu của ngành năng lượng, vừa có hình thức thể hiện giàu tính chuyên nghiệp.

Ban tổ chức đã trao 4 giải A (mỗi giải 10 triệu đồng); 8 giải B (mỗi giải 7 triệu đồng); 12 giải C (Mỗi giải 5 triệu đồng) và 8 giải Khuyến khích (mỗi giải 2 triệu đồng) cho 32 tác giả, nhóm tác giả.

Ngay sau Lễ tổng kết và trao giải, Ban tổ chức đã phát động “Giải báo chí tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2014”. Đối tượng tham dự là các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên báo chí trong cả nước. Ban tổ chức chính thức nhận tác phẩm dự thi đến ngày 15/2/2015. Các tác phẩm tham dự phải được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 1/1/2014 đến hết ngày 31/12/2014. Dự kiến, công bố và trao giải vào tháng 4/2015.

Gỡ nút thắt cho sản xuất và tiêu thụ xăng sinh học E5

Ngày 2/7/2014, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã tham dự buổi Tọa đàm trực tuyến xăng sinh học E5 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức.

Theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xăng E5 sẽ được sử dụng bắt buộc thay thế cho nhiên liệu truyền thống trên các phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 tỉnh, thành phố lớn là: Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa-Vũng Tàu từ ngày 01/12/2014 và sẽ chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ 01/12/2015. Đây là chủ trương lớn nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng quốc gia, giải quyết các vấn đề về môi trường và phát thải carbon tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay vẫn ít người dân biết thông tin về xăng sinh học và băn khoăn về giá thành, chất lượng của xăng E5 nên có tâm lý e ngại khi sử dụng.

Ông Nguyễn Phú Cường - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng: “Giá xăng E5 hay E10 chủ yếu được quyết định bởi giá xăng nền là RON 92 từ 90%-95%. Còn lại 5%-10% tỉ lệ phối trộn cồn ethanol là phần sản xuất ở trong nước, lại có ý nghĩa về môi trường nên không chịu thuế nhập khẩu, được ưu đãi thuế môi trường. Do đó, chắc chắn giá thành không cao. Càng tăng từ xăng E5 lên xăng E10 thì giá càng giảm so với xăng khoáng thông thường”.

Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra đối với vấn đề chất lượng của xăng E5. Ông Trần Văn Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, xăng E5 đạt tiêu chuẩn TCVNEQ-2009 và là sản phẩm công nghệ tốt, phù hợp với môi trường, không ảnh hưởng tới máy móc, thiết bị sử dụng.

Bàn về vấn đề năng lực sản xuất xăng sinh học, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, đến đầu năm 2013 cả nước đã có 6 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đi vào hoạt động với công suất thiết kế đạt 535 triệu lít ethanol/năm. Như vậy, với công suất hiện có, các nhà máy sản xuất ethanol hoàn toàn có khả năng thay thế 100% và vượt toàn bộ nhu cầu tiêu dùng xăng cả nước đến năm 2015 với tỷ lệ phối trộn 5%. “Hiện tại xăng E5 và xăng thông thường có giá thành như nhau vì tuân theo nguyên tắc thị trường, nhưng Chính phủ sẽ xem xét để hỗ trợ về thuế và phí cho xăng sinh học", Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chia sẻ.

Khởi công nhà máy thủy điện Thác Mơ mở rộng

Ngày 5/7, tại Bình Phước, Công ty CP thủy điện Thác Mơ khởi công nhà máy thủy điện Thác Mơ mở rộng, nâng công suất Nhà máy từ 150 MW lên 225 MW, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia 52 triệu kWh mỗi năm.

Thủy điện Thác Mơ nằm trên thượng nguồn sông Bé tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, cách TP.HCM khoảng 170 km. Công trình sử dụng chung lưu vực và hồ chứa của nhà máy hiện hữu, do đó tiết kiệm được khá nhiều chi phí đầu tư.

Các hạng mục chính của công trình bao gồm: Kênh dẫn vào, cửa lấy nước, đập vai, đường ống áp lực ngầm, nhà máy thủy điện, kênh xả và một ngăn lộ trên trạm phân phối.Hiện nay lưu vực sông Bé hợp lưu với sông Đồng Nai, sau hồ Trị An có ba bậc thang thủy điện gồm Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng.

Được biết, tổng vốn đầu tư dự án thủy điện Thác Mơ mở rộng khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chiếm 85% (khoảng 5,9 tỷ yen), còn lại là vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Công trình sẽ xây dựng trong 36 tháng.

WB phê duyệt 270 triệu USD cải cách ngành điện Việt Nam

Ban Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phê duyệt khoản vay 200 triệu USD và khoản tín dụng 70 triệu USD giúp Chính phủ Việt Nam cải cách ngành điện, tăng sức đề kháng trước tình trạng biến đổi khí hậu và phát triển ít cácbon hơn.

Khoản vay 200 triệu USD nhằm hỗ trợ Hoạt động Chính sách phát triển cải cách ngành điện lần thứ 3, trong đó bao gồm việc đưa vào vận hành thương mại thị trường sản xuất điện cạnh tranh đầy đủ; sự tham gia của các công ty phát điện mới vào thị trường này; chuyển đổi các công ty phát điện thành những công ty độc lập và chuyển sang áp dụng một hệ thống giá điện minh bạch hơn. Khoản vay này do Hiệp hội phát triển Quốc tế cấp. Đây là nguồn vốn của Nhóm Ngân hàng Thế giới cấp cho các nước nghèo nhất.

Đối với khoản tín dụng 70 triệu USD nhằm hỗ trợ Hoạt động Chính sách phát triển về biến đổi khí hậu lần thứ 3 để giúp Chính phủ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng việc thông qua các chính sách và tăng cường năng lực thể chế giúp tăng khả năng chống chọi biến đổi khí hậu và phát triển ít cácbon.

Khoản tín dụng này do Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế, nhánh cấp vốn cho các nước thu nhập trung bình của Nhóm Ngân hàng Thế giới cấp.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: "Thông qua việc hỗ trợ thành lập thị trường điện hiện đại và hiệu quả sẽ giúp Chính phủ đưa ra các chính sách để tăng khả năng chịu đựng biến đổi khí hậu.”

Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều rủi ro về biến đổi khí hậu nhất. Thiên tai và nước biển dâng đã gây tổn thất lớn về kinh tế và tính mạng con người, trong đó chỉ riêng thiên tai đã gây thiệt hại lên tới 1,5% GDP hàng năm.


nguồn: moit.gov.vn