Trong tuần qua đã diễn ra nhiều hoạt động nổi bật của ngành Công Thương như: Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc; Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Thứ trưởng Trần Tuấn Anh kiểm tra tình hình xuất khẩu nông sản tại Lạng Sơn; Khai mạc SaigonTex 2015 tại TP.HCM; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác Quý I/2015; Bộ Công Thương chung tay giúp sức nông dân trồng dưa hấu, v.v...

Nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

 

Trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 07 đến ngày 10/4/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng đã có buổi hội đàm song phương với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành vào chiều ngày 08/4/2015 tại Bắc Kinh.

Về thương mại, hai Bên nhất trí tiếp tục tăng cường thúc đẩy hợp tác thương mại hàng nông sản, đặc biệt là mặt hàng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Hai Bộ trưởng cũng đạt được sự nhất trí về việc phối hợp thúc đẩy thành lập tiếp các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại một số địa phương Trung Quốc theo nội dung cam kết trong Hiệp định giữa hai Chính phủ, tạo thêm cầu nối hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.

Về lĩnh vực công nghiệp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị phía Trung Quốc phối hợp triển khai các biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm một số vướng mắc, tồn tại trong một số dự án hóa chất, năng lượng, luyện kim do doanh nghiệp Trung Quốc làm Tổng thầu EPC tại Việt Nam. Trước mắt, để thực hiện các thỏa thuận trên, hai Bên nhất trí việc Bộ Công Thương Việt Nam cử Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công Thương dẫn đầu sang Trung Quốc trong dịp cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2015 để trao đổi cụ thể.

 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kiểm tra tình hình xuất khẩu nông sản tại Lạng Sơn
 
Ngày 11/4, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh và đại diện các Vụ, Cục chức năng của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc, kiểm tra tình hình xuất khẩu nông sản tại Lạng Sơn và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải phóng hàng hóa.
 
 
Từ ngày 16/3 đến nay, lượng nông sản, chủ yếu là trái cây (dưa hấu, thanh long, xoài, chôm chôm…) của các tỉnh phía Nam qua cửa khẩu Tân Thanh tăng mạnh. Đặc biệt, mặt hàng dưa hấu tăng rất mạnh, khoảng 500-550 xe/ngày, trong khi chỉ thông quan được khoảng 260-340 xe/ngày, gây hiện tượng ùn ứ cục bộ tại khu vực thông quan của cửa khẩu. Các phương tiện phải xếp hàng đôi từ khu vực ngã ba Pác Luống; các đoạn đường từ Ma Mèo đến Pá Phiêng (trên Quốc lộ 4) và tư Dốc Quýt đến Tam Lung (trên Quốc lộ 1A).
 
Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã rất nỗ lực trong điều hành, giải tỏa hàng hóa nông sản; tuy nhiên, do lượng xe, hàng dồn về khu vực cửa khẩu vẫn có chiều hướng tăng, nên lượng xe ùn ứ vẫn ở mức cao, khoảng 500 xe/ngày.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, Lạng Sơn cần tiếp tục thực hiện tốt hơn các kế hoạch đã đề ra; đồng thời phối hợp tốt với các địa phương trong công tác dự báo, khuyến nghị tới các doanh nghiệp, thương nhân để điều tiết lượng hàng hóa cho phù hợp. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có những giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc quy hoạch, trồng, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và điều phối sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Đồng loạt triển khai chống buôn lậu thuốc lá trên mọi mặt trận

Trong 6 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 9.401 vụ, xử lý 4.794 vụ, thu giữ 1.035.327 bao thuốc lá các loại, xử phạt vi phạm hành chính hơn 16 tỷ đồng. Song bên cạnh đó vẫn còn nhiều việc phải làm để Chỉ thị thực sự phát huy tác dụng và đi sâu vào cuộc sống.

Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công Thương, đến nay, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 9.401 vụ (tăng 58 % so với số vụ kiểm tra trong 6 tháng đầu năm 2014), xử lý 4.794 vụ (tăng 35,6 % so với 6 tháng đầu năm 2014), thu giữ 1.035.327 bao thuốc lá các loại (tăng 25 % so với 6 tháng đầu năm 2014), xử phạt vi phạm hành chính hơn 16 tỷ đồng (tăng 52,4 % so với 06 tháng đầu năm 2014). Thu giữ 16 ô tô, 358 xe máy, 07 ghe, xuồng máy các loại và chuyển cơ quan công an khởi tố 14 vụ.

Phân tích những khó khăn vướng mắc về tình hình đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, chặt chẽ. Thuốc lá sản xuất trong nước được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, giá thành cao do phải đóng các loại thuế, trong khi người hút thuốc chưa thay đổi được gu, lợi nhuận từ việc buôn lậu, buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu rất lớn. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong việc trao đổi thông tin, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm chưa chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời, nhiều lúc vẫn còn mang tính cục bộ. Do thuốc lá nhập lậu chủ yếu được cất giấu tại địa điểm khác hoặc cất giấu tại nhà ở, các đối tượng kinh doanh dùng nhà ở để làm nơi cất giấu tang vật nên lực lượng Quản lý thị trường rất khó khăn trong công tác ngăn chặn vì chờ đến khi UBND cấp huyện quyết định khám nơi cất giấu tang vật là chỗ ở thì tang vật đã bị tẩu tán. Số vụ xử lý thuốc lá nhập lậu vắng chủ ngày càng gia tăng. Các lực lượng chức năng mỏng, thiếu kinh phí, phương tiện; kinh phí phục vụ mua tin, tổ chức kiểm tra, bắt giữ thuốc lá nhập lậu hiện vẫn còn khó khăn.

 

 Khai mạc SaigonTex 2015 tại TP.HCM

Sáng ngày 9/4/2015, tại Trung tâm triển lãm và hội chợ Tân Bình, quận Tân Bình, TP.HCM đã khai mạc triển lãm Quốc tế máy, thiết bị ngành may mặc, linh kiện, nguyên phụ liệu - vải 2015 (SaigonTex 2015). Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã tham dự sự kiện này.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, theo kế hoạch phát triển của ngành dệt may Việt Nam, đến năm 2015 ngành phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 28 tỷ USD, chỉ tiêu nội địa hóa 60-70%. Để hoàn thành mục tiêu này, việc đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý chất lượng, hoàn thiện chuỗi cung ứng… là yêu cầu cấp thiết. Do đó, triển lãm lần này là cơ hội và cầu nối để các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất – kinh doanh trong và ngoài nước gặp gỡ đối tác, trao đổi quảng bá thương hiệu, tìm kiếm bạn hàng…

Theo ông Hoàng Vệ Dũng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, triển lãm năm nay thực sự thành công khi thu hút được 655 doanh nghiệp đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ với khu vực trưng bày lên tới 15.000m2, tăng 15% về quy mô so với năm trước. Năm nay các công ty châu Âu vẫn duy trì số lượng tham dự triển lãm, các công ty trong khu vực châu Á có sự gia tăng 16,8%. Đáng chú ý ở SaigonTex 2015 là sự hiện diện của cụm gian hàng quốc gia Ấn Độ với khu gian hàng riêng biệt được trang trí và trưng bày đẹp mắt.

SaigonTex 2015 có hai lĩnh vực chính gồm máy móc và phụ kiện ngành dệt may. Năm nay cả hai lĩnh vực cân bằng nhau về số lượng công ty tham gia, trong đó ngành phụ kiện tăng trưởng 23,6%, ngành máy móc tăng trưởng 13,4% so với năm ngoái.

 

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác Quý I/2015

Ngày 8/4, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quý I/2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2015.

Trong Quý I/2015, tất cả các đơn vị đều giữ được nhịp độ sản xuất kinh doanh bình thường, các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch quý I đã đề ra và đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2014, đặc biệt giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2014 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước quý I/2015 đạt 6,03%. Công tác triển khai thực hiện đề án tái cấu trúc doanh nghiệp được triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đảm bảo tiến độ yêu cầu tại Quyết định 46 của Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Tập đoàn đã làm việc trực tiếp với từng đơn vị thành viên để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai phương án tái cấu trúc giai đoạn 2012-2015 đã được Tập đoàn phê duyệt. Về cơ bản, các đơn vị trong Tập đoàn đều giữ được nhịp độ sản xuất kinh doanh bình thường và hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Nhiều đơn vị đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao (tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất trên vốn chủ sở hữu bình quân đạt trên 2% - so với lãi suất huy động của ngân hàng trung bình là 6,5%/năm, tương đương trung bình 1,6%/quý).

 

Khởi động Dự án đầu tư mở rộng, nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai

Ngày 7/4/2015, tại xã Bản Qua (huyện Bát Xát), Tổng Công ty Khoáng sản - Vinacomin (Vimico) đã tổ chức Lễ khởi động Dự án đầu tư mở rộng, nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai. Dự buổi lễ có các đồng chí: Doãn Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Phạm Văn Cường, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Thành Lâm - Thành viên HĐTV Tập đoàn.

Dự án đầu tư mở rộng, nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai có tổng vốn đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng. Dự án sử dụng công nghệ luyện đồng tiên tiến, đồng bộ, đảm bảo yêu cầu cao về môi trường, nâng công suất luyện đồng từ 10.000 tấn/năm lên 30.000 tấn/năm thông qua việc xây dựng mới một dây chuyền luyện đồng công suất 20.000 tấn đồng kim loại, 84.500 tấn axít, 1.395 kg vàng và 616 kg bạc thỏi/năm.

Theo kế hoạch, năm 2017, dự án sẽ hoàn thành, góp phần không nhỏ thay đổi diện mạo tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Bát Xát nói riêng, qua đó tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Nhân dịp này, Vimico đã trao 150 tấn xi măng cho 3 xã: Bản Qua, Bản Vược, Cốc Mỳ xây dựng đường giao thông nông thôn. 

Bộ Công Thương chung tay giúp sức nông dân trồng dưa hấu

Ngày 09/4/2015 tại trụ sở Bộ Công Thương (54 Hai Bà Trưng - Hoàn Kiếm - Hà Nội), Công đoàn Cơ quan Bộ Công Thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu đã tổ chức chương trình thiện nguyện mua dưa hấu hỗ trợ cho nông dân miền Trung. Đây là chương trình nhằm chung tay góp sức giúp người dân miền Trung vượt qua những khó khăn trước mắt bằng việc mua dưa hấu ủng hộ.

Chương trình phát động đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khối cơ quan Bộ nhằm bày tỏ, chia sẻ sự cảm thông với những người nông dân miền Trung, qua đó thể hiện được tinh thần cộng đồng sâu sắc.

Bà Nguyễn Thị Hoa - Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Bộ Công Thương cho rằng, qua hoạt động này Bộ Công Thương mong muốn tạo ra sức mạnh tập thể thông qua mỗi hành động thiết thực của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Bộ. Đây cũng là một hành động nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó mỗi trái dưa là một tấm lòng, cùng chung tay vì một cuộc sống giàu ý nghĩa.

Cùng phối hợp thực hiện hoạt động trên, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết những ngày qua, Cục đã liên hệ với Sở Công Thương một số tỉnh nhằm giải tỏa ùn tắc ở cửa khẩu thông qua việc tìm đầu mối tiêu thụ dưa ở thị trường Hà Nội. Do vậy, trước mắt đơn vị đã tổ chức phát động cán bộ công chức khối cơ quan Bộ mua ủng hộ 14 tấn dưa hấu. Thông qua chương trình này, Bộ Công Thương thể hiện quyết tâm hỗ trợ đồng bào vùng trồng dưa miền Trung cũng như giúp doanh nghiệp vận tải, xuất khẩu đang gặp vấn đề ách tắc dưa tại cửa khẩu. Quan trọng hơn, hành động thiện nguyện ý nghĩa này đã thể hiện trách nhiệm của mỗi đoàn viên công đoàn của Bộ Công Thương góp phần giải quyết vấn đề này. Chương trình cũng là lời nhắc nhở tới các đơn vị, địa phương liên quan cần sớm có giải pháp nhanh chóng, đồng bộ, cần thiết phải nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu nhằm tránh lặp lại tình trạng nông sản hàng hóa bị ách tắc tại vùng biên.

 
 
 
Nguồn: moit.gov.vn