Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 2/2012, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục khó khăn, áp lực tăng giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, tình trạng thiếu vốn, lãi suất ngân hàng cao, biến động tỷ giá tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp trong Ngành.


Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp và thương mại của ngành Công Thương đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung 2 tháng so với cùng kỳ 2011, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,9%. Một số sản phẩm công nghiệp phục vụ sản xuất có tốc độ tăng cao như: điện sản xuất tăng 6,9%, than sạch tăng 4,8%, khí hóa lỏng tăng 35,3%, dầu thô khai thác tăng 11,6%...

 

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh, ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng 1 và tăng 66,3% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,3 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 02 tháng đầu năm ước đạt 380,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,0% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 2 tháng tăng 4,4%).

 

Để thực hiện tốt, hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 đồng thời hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đề ra của năm 2012, Bộ Công Thương chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc Bộ và sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần triển khai một số giải pháp chủ yếu sau:

 

- Khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng; Chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; Theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu; Thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần kiềm chế nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô.

 

- Tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, tăng cường quản trị doanh nghiệp có hiệu quả, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí, đặc biệt là sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên nhằm tăng hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần giảm nhập siêu.- Tập trung kiềm chế lạm phát, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường sau tết; Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới; Kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

- Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tái đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; Rà soát, hoàn thiện quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Tập trung giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án đầu tư đang thực hiện, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm.- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận giữa doanh nghiệp và nhân dân trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội; Đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Công Thương.
 

 

AIP