Kinh tế năm 2013 đã tạo ra những tiền đề quan trọng để tiếp tục vươn lên tầm cao hơn trong năm tới, nhen nhóm sự khởi sắc cho những năm tiếp theo, mặc dù còn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.


Hoàn thành kế hoạch 2013

Năm 2013, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chỉ có 2 trong tổng số 15 chỉ tiêu kế hoạch chưa được hoàn thành, đó là tổng vốn đầu tư toàn xã hội mới đạt 29,1% GDP (kế hoạch là 30%) và tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước đội lên cao ở mức 5,3% GDP (kế hoạch là 4,8%). Có thể xem như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 cơ bản được hoàn thành. Trong đó, đáng chú ý là ba điểm chốt - ba “mũi giáp công” canh giữ cho nền kinh tế ổn định vĩ mô, tăng trưởng hợp lý; gồm tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,4% (năm 2012 chỉ đạt 5,25%), tăng trưởng xuất khẩu 15,4% so với 2012 với kim ngạch xuất siêu 863 triệu USD và CPI tăng khoảng 7% (dưới mức 8% đã đề ra).

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 có thể chưa làm hài lòng đông đảo doanh nhân và những nhà đầu tư, nhưng kết quả đạt được như năm qua đã được đánh giá là “hợp lý”. Bởi trong bối cảnh phải tập trung sức xử lý nợ xấu, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả và phải hạ thấp mặt bằng lãi suất tín dụng xuống mức phù hợp với cung cầu của thị trường tài chính - tiền tệ và kiềm chế lạm phát… thì việc thắt chặt đầu tư công là giải pháp tình thế không thể tránh khỏi. Năm 2013 là năm “đánh đổi” thành công giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế với ổn định kinh tế vĩ mô, nhằm khắc phục sự tăng trưởng “bong bóng” để giữ uy tín cho đồng tiền Việt Nam, đồng nghĩa với việc bảo vệ sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước trong hội nhập quốc tế.

Khả thi chỉ tiêu kế hoạch 2014

Chính những kết quả của năm 2013 đã cho thấy, các chỉ tiêu của kế hoạch năm 2014 theo Nghị quyết số 53/2013/QH13 vừa được Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIII thông qua đều có tính khả thi cao và khả năng vượt kế hoạch là xác suất lớn.
Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội năm 2014 như sau: GDP tăng 5,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10% cùng với tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu, CPI tăng khoảng 7% so với năm trước và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 30% GDP. Rõ ràng, trên cơ sở đã đạt được trong năm 2013, đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2014 đã được điều chỉnh tăng lên, nhằm tiếp thêm “năng lượng” cho nền kinh tế. Với nguồn vốn này, nếu được sử dụng hiệu quả như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo trước Quốc hội vừa qua là hệ số ICOR đã giảm từ 6,7 giai đoạn 2008 - 2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011 - 2013, v.v…. Và với việc tái cấu trúc toàn nền kinh tế lẫn từng cơ quan, doanh nghiệp, năng suất lao động năm 2014 cũng được gia tăng 10% so với năm trước như Thủ tướng Chính phủ đã nêu.

2014 bản lề cho 2015

Năm 2014 - năm “áp chót” của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Vì vậy kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Nghị quyết 53 của Quốc hội khẳng định, năm 2014 tiếp tục thực hiện “tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý”, bởi “kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn và chưa thể tăng trưởng cao trong 1-2 năm tới”. Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, Quốc hội nhấn mạnh việc “ổn định và lành mạnh hóa thị trường tài chính, nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp, xử lý cơ bản nợ xấu doanh nghiệp, nợ xấu ngân hàng, nợ đọng xây dựng cơ bản…. Thực hiện triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết”. Đồng thời “Ưu tiên đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; đến năm 2015 tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản, có hiệu quả rõ rệt”.

Gắn kết nhiệm vụ 2 năm 2014 và 2015 với nhau, Quốc hội đã đề ra định hướng chung: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 2 năm 2014 - 2015 khoảng 6%/năm; CPI tăng 7%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 31-32% GDP”, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường và liên kết kinh tế với các nước.

Nghĩa là việc điều chuyển vốn đầu tư cùng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2 năm 2014 - 2015 cần phải hết sức linh hoạt, sáng tạo. Muốn kinh tế năm 2015 tăng trưởng cao, thì đồng vốn chi ra phải “gieo trồng” ít nhất là từ trong năm 2014.

Nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2014 là năm thử thách các nhà quản lý trong việc vận dụng nghệ thuật thu hút và khai thác các nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn dân doanh.

Kinh tế Việt Nam có khởi sắc rõ rệt được hay không chính là phải khởi phát từ 2014; kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 có về đích ở mức sẽ được coi là “khiêm tốn” hay “hợp lý”… cũng tùy thuộc khá lớn vào kết quả của kinh tế năm 2014.

 

Nguồn: VEN