Tham dự Lễ công bố, về phía UNIDO có ông Wifried Luetkenhorst - Giám đốc điều hành UNIDO, ông Augusto Luis Alcorta - Giám đốc, Chi nhánh Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Phát triển, UNIDO, ông Patrick Gilabert - Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam; về phía Bộ Công Thương có ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng, ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm Năng lượng - Tổng cục Năng lượng.
Báo cáo Phát triển Công nghiệp của UNIDO với tựa đề: "Sử dụng năng lượng hiệu quả trong công nghiệp để tạo ra của cải bền vững: nắm bắt lợi ích môi trường, kinh tế và xã hội" nhằm kêu gọi đầu tư vào công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả để đạt sự tăng trưởng bền vững. Đây là điều thiết yếu để vượt qua những thách thức lớn mà ngày nay cả thế giới đang phải đối mặt.
Giới thiệu Báo cáo, Giám đốc điều hành UNIDO, ông Wifried Luetkenhorst nhấn mạnh: "Đầu thế kỷ XIX, dân số thế giới chỉ khoảng 1 tỷ người. Nay con số đó đã là 7 tỷ. Một thế giới với 7 tỷ người cần phải học cách sống bền vững để tồn tại. UNIDO đang nỗ lực để nâng cao nhận thức và cung cấp một lộ trình cho phát triển công nghiệp. Đây chính là lý do tại sao chúng tôi tin rằng sử dụng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp thực sự là quan trọng. Việc làm này sẽ giải quyết được các thách thức như tăng trưởng xanh, tạo việc làm, đảm bảo an ninh, biến đổi khí hậu, sản xuất lương thực và xóa đói giảm nghèo. Sử dụng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp là cần thiết để củng cố các nền kinh tế, bỏa vệ hệ sinh thái và đạt được lợi ích xã hội".
Ông Luetkenhorst cho biết Báo cáo là đóng góp chính của UNIDO cho sáng kiến Năng lượng Bền vững cho Tất cả mọi người được đưa ra bởi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban-Ki-Moon. Sáng kiến này nhằm mục đích đạt được 3 mục tiêu toàn cầu có liên quan đến nhau vào năm 2030: phổ cập tiếp cận với các dịch vụ năng lượng hiện đại; tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng; tăng gấp đôi tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng của thế giới.
Báo cáo Phát triển công nghiệp tập trung đặc biệt vào các nước đang phát triển, được hỗ trợ bởi một bộ số liệu thống kê về giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế tạo (MVA), xu hướng xuất khẩu sản phẩm chế tạo, và các chỉ số quan trọng khác. Báo cáo cũng trình bày Chỉ số cạnh tranh công nghiệp (CPI) của UNIDO.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Báo cáo Phát triển Công nghiệp 2011 của UNIDO cho thấy việc nâng cao hiệu quả năng lượng sử dụng trong công nghiệp là một trong những xu hướng tất yếu để công nghiệp có thể phát triển bền vững trên toàn thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thực tế trên thế giới đã chứng minh rằng việc đầu tư vào công nghệ, hệ thống và quy trình hiệu quả năng lượng có thể đem lại lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường để đạt được sự tăng trưởng xanh.
Bằng việc phân tích số liệu về cường độ năng lượng và các nhân tố tác động vào xu hướng thay đổi cường độ năng lượng sử dụng của các nhóm nước có thu nhập khác nhau, Báo cáo đã chỉ ra rằng: hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp toàn cầu đã được cải thiện trọng 2 thập kỷ gần đây (cường độ năng lượng sử dụng trong công nghiệp đã giảm trung bình 1,7% trong giai đoạn 1990-2008); cường độ năng lượng sử dụng trong công nghiệp của các nước đang phát triển đã cao hơn rất nhiều lần so với các nước phát triển; có hai nhân tố chính tác động tạo ra xu hướng giảm cường độ năng lượng sử dụng là thay đổi công nghệ và thay đổi cơ cấu kinh tế.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan để ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng như xây dựng nguồn nhân lực để triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả một cách rộng khắp tại Việt Nam. Việt Nam rất hoan nghênh các sáng kiến của UNIDO về việc các nước cùng nhau giải quyết 5 vấn đề chính để đạt được mục tiêu giảm cường độ năng lượng sử dụng khoảng 3,4% hàng năm đến năm 2030, đó là:
- Xây dựng các chỉ tiêu kết quả và các tiêu chuẩn quốc tế;
- Hỗ trợ các thay đổi về cơ cấu và công nghệ;
- Đóng góp vào việc chuyển giao công nghệ;
- Thúc đẩy các cơ chế tài chính để hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ;
- Xây dựng thể chế điều phối và giám sát quốc tế về hiệu quả sử dụng năng lượng.
Thứ trưởng nhấn mạnh việc tạo ra cơ chế phối hợp quốc tế để thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Hành động này sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách về cường độ năng lượng sử dụng giữa hai nhóm nước này và góp phần rất quan trọng vào việc phát triển công nghiệp bền vững và giảm thiểu sự biến đổi khí hậu của trái đất. Thứ trưởng khẳng định Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực thực hiện các hoạt động để ủng hộ tuyên bố của Liên Hợp Quốc - "Năm 2012 là năm quốc tế về năng lượng bền vững cho tất cả mọi người".
Trung tâm Tin học