Từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 3 năm 2012, tại thủ đô của Nhà nước Cô-oét đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Năng lượng Quốc tế lần thứ 13 (IEF). Tại Cung điện Bayan, Quốc vương Cô-oét Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Sabah phát biểu khai mạc Hội nghị và chào mừng các đại biểu là Trưởng đoàn các nước, tổ chức quốc tế, tập đoàn, tổng công ty.


Trong tuyên bố khai mạc, Quốc vương Cô-oét thông báo tất cả các quốc gia trên thế giới đều có quyền tìm kiếm sự phát triển kinh tế xã hội cũng như không ngừng nâng cao mức sống của người dân nước mình và điều này đòi hỏi cần chống lại sự thiếu hụt năng lượng và bảo đảm năng lượng cho mọi người.

Hội nghị năm được tổ chức tại khách sạn Regency bên bờ Vịnh Péc-xích và có sự tham dự đông đảo của các đoàn cấp bộ trưởng năng lượng đến từ 72 quốc gia chiếm 90% nguồn cung cấp và nhu cầu năng lượng của thế giới, trong đó có nhiều nước lớn hoặc có thế mạnh trong lĩnh vực năng lượng như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh, Canada, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Cô-oét, Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, A-déc-bai-gian, Bru-nêi, I-ran, I-rắc, Ca-ta, Singapore, Nam Phi… 50 tổ chức quốc tế cũng cử người đứng đầu hoặc đại diện cấp cao tham dự Hội nghị như Liên Hợp quốc (UN), Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Ủy ban Châu Âu (EC), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)…. IEF là một diễn đàn trao đổi thông tin liên chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối thoại cấp toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng giữa các nước sản xuất và các nước tiêu thụ dầu khí.


Với bốn phiên thảo luận, tập trung vào các chủ đề “Đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai: Kế hoạch và đầu tư cho dài hạn”, “Thị trường năng lượng: Giảm bớt sự bất ổn”, “Đạt được tính bền vững về môi trường và xã hội: Giảm bớt sự lan tỏa và tiếp cận cho tất cả”, “Đối thoại năng lượng toàn cầu: Biểu đồ cho hợp tác năng lượng trong tương lai”, dưới sự chủ trì luân phiên của các Bộ trưởng Dầu mỏ Cô-oét Hani Abudllaziz Hussain, Bộ trưởng Hợp tác quốc tế và các công việc EU của Hà Lan Ben Knapen, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ An-giê-ri Youcef Yousfi, Bộ trưởng Năng lượng Nga Sergei Shmatko, các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị IEF lần thứ 13 đã cùng nhau trao đổi những nội dung quan trọng như: cơ sở hạ tầng cần thiết cho năm 2035 nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng, nhu cầu về năng lượng tăng lên trong tương lai đòi hỏi cần có nhiều dự án đầu tư trị giá hàng nghìn tỷ USD và điều này đem lại nhiều thách thức lớn đối với tất cả các ngành công nghiệp năng lượng; những lo ngại về ảnh hưởng bất lợi đối với kinh tế, chính trị và xã hội do giá dầu biến động và thay đổi đột ngột trên thị trường kể từ năm 2008, sự vận động của giá cả là yếu tố tạo nên thị trường nhưng việc giá cả biến động đột ngột trong những năm gần đây có ảnh hưởng bất lợi, làm gia tăng sự bất ổn và gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như thiệt hại cho các dự án đầu tư vào ngành dầu khí và các nguồn năng lượng khác; an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu nên không có các giải pháp kinh tế hữu hiệu trong phạm vi biên giới quốc gia, các nhà hoạch định chính sách của các chính phủ ngày càng lo ngại về sự hài hòa giữa các mục tiêu năng lượng và môi trường; đối thoại giữa các nước sản xuất và tiêu thụ đã trải qua thời gian lâu dài và lễ ký kết Hiến chương IEF vào tháng 2 năm 2011 diễn ra đồng thời với thời điểm lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập diễn đàn đối thoại năng lượng cấp toàn cầu; sự thừa nhận về phụ thuộc lẫn nhau đã mở ra một kỷ nguyên mới trong hợp tác giữa các nước sản xuất, tiêu thụ, chuyển tải và dự báo những kết quả cụ thể tốt đẹp vì quyền lợi chung; các mục tiêu cụ thể cần được đặt ra cho hai năm tới.

Phát biểu tại phiên họp báo sau khi bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Dầu mỏ Cô-oét cho biết, nhiều đề xuất đã được Trưởng đoàn các nước thành viên IEF đưa ra nhằm góp phần làm ổn định thị trường dầu thế giới và bảo đảm nguồn cung cấp trong tương lai, trong đó đặc biệt chú trọng tới các yếu tố như kế hoạch, đầu tư và biến động giá cả. Đối với giá dầu hiện nay, Bộ trưởng Hani Abudllaziz Hussain nhấn mạnh, nhiều ý kiến và thông tin về giá cả và nguồn cung dầu mỏ đã được chia sẻ, Hội nghị cũng thảo luận các yếu tổ quan trọng xác định lên giá dầu bao gồm nguồn cung và nhu cầu, những mối bận tâm về thực trạng địa chính trị và những ảnh hưởng liên quan tới mức độ của giá cả. Tầm quan trọng của việc bảo đảm tính minh bạch trên thị trường dầu mỏ và cam kết đối với Sáng kiến Dữ liệu Dầu mỏ chung (JODI) cũng được các thành viên IEF nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, Diễn đàn Kinh doanh Năng lượng Quốc tế lần thứ 5 (IEBF) đã được tổ chức với sự tham dự của đại diện lãnh đạo 36 tập đoàn/tổng công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng đến từ các nước trên thế giới, trong đó có Chevron, Exxonmobil, Total, Saudi Aramco, Petronas, Mitsubishi, IOC, CNPC, KPC, Kogas, Maersk Oil, Somo, Sonangol…. Hai phiên thảo luận của Diễn đàn IEBF tập trung vào các chủ đề “Đầu tư cho năng lượng: Liệu có sự bất ổn trong tương lai?” và “Hợp tác NOC-IOC: Định hướng cho sự thành công của các đối tác” đã có nhiều tham luận của đại diện các tập đoàn như KPC, JGC, NNPC, SOMO, SONATRACH, ONGC, TOTAL, TPAO, VOPAK.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng IEF lần thứ 13 và Diễn đàn IEBF lần thứ 5 tổ chức tại Cô-oét do Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang làm Trưởng đoàn, các thành viên tham gia đoàn gồm có đại diện lãnh đạo Tổng Cục Năng lượng, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á và đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PETROLIMEX). Trưởng đoàn Việt Nam đã tham dự tích cực vào các phiên thảo luận cũng như các hoạt động chung trong khuôn khổ Hội nghị. Bên lề Hội nghị IEF lần thứ 13, Thứ trưởng Lê Dương Quang đã có các buổi tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo Bộ năng lượng của một số nước, lãnh đạo tổ chức quốc tế và lãnh đạo một số tập đoàn năng lương lớn trên thế giới.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Dầu mỏ nước chủ nhà Cô-oét, Thứ trưởng Lê Dương Quang đã chúc mừng ngài Hani Abudllaziz Hussain vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Dầu mỏ Cô-oét. Thứ trưởng cũng cảm ơn phía Cô-oét đã mời Việt Nam tham dự Diễn đàn IEF lần này. Đây là dịp tốt để Việt Nam thu nhận được nhiều thông tin bổ ích trong lĩnh vực năng lượng từ Diễn đàn. Thứ trưởng thông báo đại diện Tập đoàn PVN đã có cuộc trao đổi với đại diện của Tập đoàn KPC của Cô-oét về tiến trình hợp tác trong việc triển khai dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đây là dự án quan trọng đối với Việt Nam và cả hai bên đều có mong muốn thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Mặc dù còn một vài điểm khác biệt và thời gian còn lại không nhiều nhưng hai bên cần tích cực trao đổi để thu hẹp khoảng cách và hy vọng dự án có thể sớm được khởi công trong cuối tháng 3 năm nay. Bộ trưởng Hani Abudllaziz Hussain nhiệt liệt chào mừng Thứ trưởng Lê Dương Quang dẫn đầu đoàn Việt Nam sang tham dự Diễn đàn IEF được tổ chức tại Cô-oét và thông báo, IEF là Diễn đàn lớn để các nước sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ năng lượng cũng như các công ty đa quốc gia và công ty xuyên quốc gia hoạt động trong lĩnh vực năng lượng gặp gỡ, trao đổi về những vấn đề liên quan vì lợi ích chung. Đối với dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bộ trưởng Dầu mỏ Cô-oét cho biết, đây là dự án quán trọng đối với Cô-oét và nhận được sự quan tâm của Quốc vương Cô-oét. Cả Việt Nam và Cô-oét đều có lợi từ việc thực hiện dự án, sự thành công của dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế của mỗi nước. Cô-oét có nhiều kinh nghiệm triển khai và vận hành các dự án liên doanh lọc dầu với nhiều nước trên thế giới như với Italy, Ai Cập và một số nước khác ở Châu Âu. Bộ trưởng Cô-oét hy vọng Tập đoàn KPC/KPI có thể hợp tác liên doanh chặt chẽ với đối tác PVN của Việt Nam. Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam để dự án sớm đi vào hoạt động. Bộ trưởng Dầu mỏ Cô-oét bày tỏ mong muốn không chỉ sớm nhìn thấy dự án có thể tiến hành lễ động thổ xây dựng mà còn mong muốn nhìn thấy trong thực tế dòng dầu thô đầu tiên của Cô-oét cung cấp cho nhà máy lọc dầu. Bộ trưởng cũng cho rằng, thành công của dự án sẽ là hình mẫu của sự hợp tác và là bài học cho nhiều dự án liên doanh khác giữa hai nước.

Tại buổi làm việc với Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Thứ trưởng Lê Dương Quang chúc mừng bà Maria Van Der Hoeven được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cơ quan năng lượng quốc tế. Thứ trưởng đã thông báo về tình hình phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong thời gian gần đây, bao gồm cả nhu cầu về năng lượng hiện nay và trong tương lai. Chính phủ Việt Nam chú trọng phát triển nguồn năng lượng truyền thống (than, thủy điện…) và nguồn năng lượng mới, trong đó có kế hoạch xây dựng nhà máy điện nguyên tử trước năm 2020. Việt Nam đã thực hiện Luật tiết kiệm năng lượng, có tiềm năng về nguồn năng lượng gió và mong muốn có sự giúp đỡ của Cơ quan Năng lượng quốc tế. Thứ trưởng đánh giá cao thiện chí hỗ trợ và hợp tác của IEA và cho biết Việt Nam sẵn sàng hợp tác trong các nội dung như cung cấp thông tin, đào tạo…. Bà Maria Van Der Hoeven cảm ơn Thứ trưởng Lê Dương Quang đã dành thời gian cho buổi gặp làm việc và cho biết, IEA đã có hợp tác với nhiều nước ở Châu Á và cả khối ASEAN, IEA mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác trực tiếp với Bộ Công Thương của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng (trao đổi thông tin, hợp tác dự án, đào tạo dữ liệu thống kê năng lượng, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành năng lương…) và mời Bộ Công Thương tham gia một số hội thảo quốc tế trong năm 2012 do IEA tổ chức. Tổng giám đốc IEA hy vọng sự hợp tác giữa IAE và Bộ Công Thương sẽ có những bước phát triển nhanh thông qua việc tạo lập những cơ chế hợp tác thiết thực trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Năng lượng Hoa Kỳ Deniel B. Poneman, Thứ trưởng Lê Dương Quang nêu rõ, Hoa Kỳ là cường quốc về sản xuất và phát triển năng lượng do có ngành khoa học kỹ thuật phát triển. Việt Nam là nước đang phát triển nên nhu cầu về năng lượng trong tương lai sẽ tăng nhanh và muốn có sự hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng. Ngành năng lượng chính của Việt Nam bao gồm điện, than, dầu khí và Việt Nam muốn phát triển hợp tác dầu khí với Hoa Kỳ. Về lĩnh vực điện nguyên tử, Việt Nam có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện nguyên tử (nhà máy số 1 làm với Nga, nhà máy số 2 làm với Nhật Bản) và trong quy hoạch dài hạn sẽ có 4 nhà máy điện nguyên tử. Bộ Công Thương Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm về hoạch định chính sách phát triển năng lượng của Hoa Kỳ. Thứ trưởng Deniel B. Poneman thông báo, năng lượng là vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của nhiều nước trên thế giới. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang phát triển nhanh. Trao đổi thương mại giữa hai nước tăng mạnh. Trong khi đó, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng phát triển nhưng chậm hơn so với tốc độ trao đổi thương mại. Hợp tác về năng lượng giữa hai nước trong thời gian tới không chỉ đi vào những lĩnh vực do các doanh nghiệp thực hiện mà nên quan tâm tới việc hoạch định chính sách, tạo lập môi trường cho doanh nghiệp hoạt động. Thứ trưởng Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cũng thông báo Tổng thống Obama đã ủng hộ chiến lược phát triển năng lượng từ nguồn truyền thống sang các nguồn năng lượng mới. Đồng thời, phía Hoa Kỳ muốn tăng cường hợp tác với Bộ Công Thương trong các dự án dầu khí. Thứ trưởng Hoa Kỳ cũng đề cập tới một nội dung hiệp định hợp tác với Việt Nam nhưng do vấn đề này Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối triển khai của phía Việt Nam nên Thứ trưởng Lê Dương Quang ghi nhận ý kiến của Thứ trưởng Deniel B. Poneman để chuyển cho Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, trả lời phía Bạn.

Tại buổi tiếp Chủ tịch và Tổng giám đốc KPC/KPI, Thứ trưởng Lê Dương Quang đánh giá cao sự hợp tác giữa KPI/KPC và PVN trong dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đây là dự án lớn nên có nhiều khó khăn, phức tạp phát sinh nên rất mong các đối tác hai bên sẽ cùng nhau trao đổi để thu hẹp những ý kiến còn khác nhau. Thứ trưởng cũng khẳng định, dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn là quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và góp phần vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia nên Chính phủ Việt Nam ủng hộ và tạo điều kiện tối đa. Hiện nay, chỉ còn một vài điểm đang thảo luận nên tin tưởng hai bên sẽ sớm thống nhất và không nên kéo dài để tránh xảy ra những yếu tố biến động. Chủ tịch và Tổng giám đốc KPC/KPI bày tỏ vui mừng gặp lại các đồng nghiệp ở PVN và chúc Thứ trưởng Lê Dương Quang cùng đoàn Việt Nam có chuyến công tác tốt đẹp tại Cô-oét. Lãnh đạo KPC/KPI nhất trí với các ý kiến của Thứ trưởng Lê Dương Quang và cho biết, dự án Nghi Sơn cũng quan trọng đối với Cô-oét, là một bên đối tác, KPC/KPI sẽ cố gắng hết sức để cùng với PVN đạt được những tiến triển thành công. Hai bên đã trải qua nhiều cuộc thảo luận khó khăn nên Lãnh đạo KPC/KPI khẳng định cam kết đối với việc thực hiện dự án và cảm ơn sự ủng hộ quý báu của Chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam. Trong thời gian tới, KPC/KPI rất mong tiếp tục nhận được những định hướng và giúp đỡ quan trọng của Chính phủ và Bộ Công Thương Việt Nam.

Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Lê Dương Quang cũng dành thời gian tiếp lãnh đạo tập đoàn VOPAK của Hà Lan. Các hoạt động của Trưởng đoàn Việt Nam đã góp phần vào thành công chung của Hội nghị lần này. Cũng trong thời gian tham dự Hội nghị IEF lần thứ 13, Thứ trưởng Lê Dương Quang và đoàn công tác đã đến thăm, làm việc với Đại sứ Bùi Quốc Trung cùng toàn thể cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Cô-oét.

 

 

 

 

Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á