Ngày 8 tháng 8 năm 2013, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Lê Dương Quang thay mặt Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và ông Mahmoud Aboud, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Comoros tại Bắc Kinh, thay mặt Phó Tổng thống phụ trách Bộ Tài chính, Kinh tế, Ngân sách Đầu tư và Ngoại thương Comoros, đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo, theo đó Việt Nam sẽ cung cấp cho Comoros 60.000 tấn gạo mỗi năm, thời gian từ tháng 8/2013 đến hết tháng 12/2015.


Tham dự buổi lễ về phía Bộ Công Thương Việt Nam còn có đại diện Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Hợp tác quốc tế, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Tổng Công ty lương thực miền Nam (Vinafood2). Việc ký kết Bản ghi nhớ này sẽ là cơ sở pháp lý cho việc thiết lập quan hệ mua bán gạo ổn định, trực tiếp, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương nói chung và quan hệ thương mại nói riêng.



Trước đó, tại buổi tiếp Đại sứ Comoros, Thứ trưởng Lê Dương Quang nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc phát triển quan hệ hợp tác với các nước châu Phi trong đó có Comoros. Việt Nam và Comoros có nhiều tiềm năng phát triển hợp tác thương mại. Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý xa xôi, hai bên còn ít trao đổi các đoàn, thiếu thông tin về thị trường, doanh nghiệp dẫn đến việc giao thương giữa hai nước vẫn còn rất hạn chế. 3 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Comoros đạt 1,78 triệu USD trong đó mặt hàng xi măng chiếm 1,43 triệu USD.



Để tăng cường quan hệ hợp tác, Thứ trưởng đề nghị hai bên cần: Hoàn thiện khung pháp lý, cụ thể là ký mới các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hoạt động. Việc ký MOU về thương mại gạo là một tiền đề quan trọng và là hoạt động cụ thể góp phần tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương. Hai bên cần theo sát, đôn đốc và hỗ trợ hai đơn vị đầu mối trong việc thực hiện những nội dung đã thỏa thuận trong MOU này; Tăng cường trao đổi các đoàn cấp Chính phủ, doanh nghiệp, qua đó có thể tìm hiểu thực tế về tiềm năng, thế mạnh của nhau, đưa ra những chính sách, biện pháp phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tiếp xúc và kinh doanh trực tiếp; Thường xuyên cung cấp những thông tin về cơ hội kinh doanh, đầu tư, danh sách các hội chợ triển lãm quốc tế lớn, danh sách các công ty xuất nhập khẩu uy tín để doanh nghiệp hai nước có điều kiện tiếp cận, giao dịch trực tiếp.


Đại sứ Mahmoud Aboud hoàn toàn nhất trí với những ý kiến của Thứ trưởng Lê Dương Quang và cho biết Chính phủ Comoros cũng rất chú trọng phát triển quan hệ với các nước Châu Á trong đó có Việt Nam, đồng thời hi vọng việc hai nước ký kết Bản ghi nhớ về thương mại gạo sẽ là tiền đề thúc đẩy quan hệ thương mại và hợp tác song phương. Tuy là quốc gia nhỏ song Comoros mỗi năm nhập khẩu khoảng 70.000 - 80.000 tấn gạo. Mỗi người dân tiêu thụ trung bình 100 kg gạo/năm.


Đại sứ Mahmoud Aboud cũng mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp chế biến, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất máy nông nghiệp, v.v… Đại sứ cho biết Chính phủ Comoros đang xem xét và dự kiến sẽ cử đoàn do Thứ trưởng Bộ Tài chính, Kinh tế, Ngân sách Đầu tư và Ngoại thương sang Việt Nam để sớm triển khai việc thực hiện MOU đã ký và bàn các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.


Mở rộng thị trường xuất khẩu gạo sang Comoros còn có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Châu Phi, khu vực hiện chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo hàng năm của Việt Nam, tạo động lực đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường khác trong khu vực. Qua đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nâng cao vai trò chủ động, tích cực trong việc tìm kiếm thị trường mới và góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đây là Bản ghi nhớ về thương mại gạo thứ ba được ký kết giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ đối tác các nước Châu Phi sau các MOU đã ký với Sierra Leone và Cộng hòa Guinea.



Đôi nét về nền kinh tế Comoros: Comoros là một quốc gia nhỏ nằm ở khu vực Đông Phi, có diện tích 2.235 km2, dân số hơn 700 nghìn người. Tổng sản phẩm quốc nội của Comoros năm 2012 đạt 595 triệu USD, tăng trưởng 2,5%. GDP bình quân đầu người là 790 USD Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm 50%, công nghiệp 10%, dịch vụ 40%. Comoros hiện chưa tự túc lương thực và vẫn đang nhập khẩu nhiều ngũ cốc, đặc biệt là gạo. Chính phủ Comoros thời gian qua đã nỗ lực ban hành các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo, tư nhân hóa các xí nghiệp Nhà nước, cải thiện dịch vụ y tế, đa dạng hóa xuất khẩu, xúc tiến du lịch và giảm tỷ lệ tăng dân số. Lượng kiều hối của 150.000 người Comoros ở nước ngoài góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng GDP.

Ngoại thương Comoros còn rất khiêm tốn, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 27,5 triệu USD năm 2012 với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm vani, hương liệu nước hoa, đinh hương, cùi dừa, cà phê, v.v… Các đối tác xuất khẩu chính gồm Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Hà Lan, Ấn Độ. Năm 2012, kim ngạch nhập khẩu của Comoros đạt 211,2 triệu USD với các mặt hàng nhập khẩu chính là gạo và lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, xi măng, xăng dầu, trang thiết bị vận tải. Các đối tác nhập khẩu chính là Pakistan, Pháp, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Kenya, Ấn Độ, v.v...

Ngành công nghiệp của Comoros chưa phát triển, chỉ chiếm 10% GDP, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đánh bắt cá và trưng cất nước hoa. Comoros được biết tới như là đảo dầu thơm, là nơi sản xuất nhiều nhất thế giới tinh dầu ngọc lan tây, nguyên liệu chính để sản xuất nước hoa hảo hạng. Comoros còn là quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất Vani; Ngược lại, lĩnh vực dịch vụ khá phát triển, đóng góp 40% GDP của Comoros. Chính phủ đang tập trung phát triển ngành du lịch để khai thác lợi thế của một quốc đảo với nhiều bờ biển đẹp.

Về phát triển thương mại, Chính phủ khuyến khích việc tư nhân hóa doanh nghiệp, đa dạng hóa xuất khẩu và thương mại. Comoros là thành viên của Ủy ban Ấn Độ Dương (COI) và COMESA gồm 19 nước khu vực Đông và Nam Phi và Ấn Độ Dương. Tháng 5/2006, Comoros đã gia nhập Hiệp định Tự do mậu dịch (FTA) của COMESA. Comores còn là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực khác trong đó có Liên minh châu Phi (AU) và Liên đoàn Ả rập. Là thành viên của COMESA, Comoros áp dụng một biểu thuế hải quan chung đối với các nước ngoại khối: 5% đối với nguyên liệu và trang thiết bị, 10% đối với hàng hóa trung gian và 25% đối với hàng thành phẩm. Mức thuế quan trung bình là 20% (ngoài sản phẩm nông nghiệp).

Chính phủ Comoros đã hoàn thành việc cải cách hệ thống thuế năm 1996 bằng cách đơn giản hóa giảm từ 5 xuống còn 2 hệ thống thuế. Tuy nhiên, chất lượng cơ sở hạ tầng kém (nhất là đường xá và phương tiện đi lại) cộng thêm trình độ giáo dục thấp vẫn là những trở ngại tác động đến sự phát triển thương mại.

 

Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á