Trên diện tích trưng bày khoảng 8.000 m2, trong đó, khu vực trưng bày của các doanh nghiệp Nga có quy mô lên tới 1.000 m2 với hơn 50 doanh nghiệp thuộc hầu hết các ngành công nghiệp then chốt và tiên tiến như năng lượng, luyện kim, chế tạo máy, khai khoáng, công nghiệp hóa chất và dược phẩm. Ngoài ra, còn có một khu triển lãm riêng của các doanh nghiệp đến từ thành phố Trung Sơn - Quảng Đông (Trung Quốc).
Nhìn chung, các doanh nghiệp nước ngoài đã mang đến hội chợ khu trưng bày sản phẩm và công nghệ tiên tiến nhất như máy công cụ, máy tự động hóa, dụng cụ cầm tay, máy nén khắc gỗ, máy sấy bằng tia cực tím, hệ thống xây dựng đập và các công trình thủy lợi. Ngoài ra, hội chợ còn có các thiết bị năng lượng, nước, dầu và khí, dây chuyền sản xuất dây thép, hệ thống làm rằm tự động dành cho các tòa nhà thiết kế chống động đất; các sản phẩm ôtô, phụ kiện ôtô, xe máy, hóa chất, nhựa, vật liệu xây dựng, nội thất, điện lạnh...
Trên 250 doanh nghiệp trong cũng tham gia VIIF 2009 với các sản phẩm sản xuất cũng rất đa dạng phong phú, có hình thức, mẫu mã hiện đại với các chỉ tiêu chất lượng không thua kém những sản phẩm cùng loại sản xuất tại các nước trong khu vực; đặc biệt, giá cả cũng rất cạnh tranh.
Trong khuôn khổ hội chợ có các cuộc hội thảo chuyên đề được tổ chức, trong đó, đáng chú ý là diễn đàn đối thoại giao thương doanh nghiệp Việt- Nga –một cơ hội giao lưu gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm bạn hàng, thúc đẩy khả năng hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước. Ngân hàng Liên doanh Việt- Nga (VRB), đơn vị liên doanh đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện nay giữa Việt Nam và Nga trong lĩnh vực tài chính, cũng có mặt tại hội chợ.
Hội chợ Quốc tế Hàng công nghiệp Việt Nam 2009 sẽ kết thúc vào ngày 24/10.
Kim Hiền-Báo CT