Vĩnh Phúc là địa phương luôn dẫn đầu tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước, là 1 trong 7 tỉnh có giá trị công nghiệp cao nhất toàn quốc. Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ông Trịnh Đình Dũng, những năm qua, đời sống người dân của tỉnh không ngừng được cải thiện, bình quân thu nhập gần 1450USD/đầu người năm 2009. Báo cáo với Đoàn về tình hình triển khai các dự án đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Ngọc Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay, Vĩnh Phúc đang triển khai 113 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực với tổng mức đầu tư là 2,18 tỷ USD. Trong đó, có 15 dự án từ Nhật Bản có tổng giá trị 623,73 triệu USD, đứng thứ hai trong số các nước đầu tư vào Vĩnh Phúc. Nhìn chung các dự án này có tiến độ triển khai nhanh, tương đối hiệu quả; các chỉ tiêu kinh tế luôn ổn định và năm sau cao hơn năm trước, đóng góp quan trọng vào thành tích phát triển kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc. Trong số này, phải kể đến các dự án của Công ty Honda Việt Nam; Toyota Việt Nam và Công ty sản xuất Phanh Nissin Việt Nam. Riêng Honda Việt Nam đã nhiều lần tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, với số vốn ban đầu là 104 triệu USD, sau hơn 10 năm hoạt động, số vốn đăng ký lên tới 373 triệu USD. Toyota Việt Nam cũng dự kiến năm 2010 sẽ tăng vốn đầu tư từ 89 triệu đến 140 triệu USD. Các dự án đầu tư trực tiếp Nhật Bản đã thu hút gần 1 vạn lao động trên địa bàn Vĩnh Phúc. Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp này cũng chấp hành tốt pháp luật Việt Nam về đầu tư, môi trường lao động. Nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện, tuyên truyền an toàn giao thông; xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong cộng đồng doanh nghiệp.
Đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc, nhất là trong việc triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung và từ Nhật Bản nói riêng, đồng chí Hồ Đức Việt cho rằng, bên cạnh công nghiệp, tỉnh cần có chiến lược tăng cường phát triển dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng và đào tạo nghề cho tương xứng với tiềm năng sẵn có. Tỉnh cũng cần chủ động có các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho các ngành nghề phi nông nghiệp phát triển. Trong chiến lược phát triển các ngành nghề công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đồng chí Hồ Đức Việt cho rằng, Vĩnh Phúc cần chú ý quan tâm đến kêu gọi đầu tư từ Nhật Bản để khai thác thế mạnh của Nhật trong lĩnh vực này. Về phát triển công nghiệp, Vĩnh Phúc cần từng bước chuyển dịch cơ cấu từ thô sang tinh, từ chiều rộng sang chiều sâu; từ công nghiệp lắp ráp chuyển sang công nghiệp phụ trợ sao cho thân thiện với môi trường hơn.
Đồng chí Hồ Đức Việt hoan nghênh chủ trương của tỉnh xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở cho chuyên gia; cho rằng đây là quyết định phù hợp của tỉnh góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động. Đồng chí Hồ Đức Việt gợi ý Đoàn đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc thành lập Hội Nghị sỹ hữu nghị Việt – Nhật của tỉnh để tận dụng lợi thế là địa phương có nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đầu tư trên địa bàn; nhằm tạo đầu mối quan hệ, xúc tiến thương mại thuận lợi với đối với đối tác Nhật Bản. Mở rộng hơn, Vĩnh Phúc cũng có thể tìm hiểu và tiến tới xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ, thường xuyên, lâu dài với một địa phương phát triển của Nhật Bản đi liền với cơ chế phối hợp cụ thể trong từng lĩnh vực công, nông nghiệp, đào tạo nghề. Đây là hình thức hợp tác thiết thực, cùng có lợi; tạo điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế. Đồng chí Hồ Đức Việt momg muốn Vĩnh Phúc sẽ là tỉnh đi đầu trong cả nước trong quan hệ hợp tác, đầu tư với phía Nhật Bản, góp phần từng bước nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.
Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt – Nhật cũng đã đi thăm Công ty Honda Việt Nam và Công ty Toyota Việt Nam và tìm hiểu, đối thoại về những khó khăn, thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này./.
Quang Vũ, TTX Việt Nam