Tin tức chung
Nhờ được đào tạo miễn phí nghề mây tre đan, hàng ngàn hộ nông dân vùng nông thôn trên địa bàn Vĩnh Phúc đã có thêm nghề mới, tăng thu nhập, không ít hộ đã trở thành doanh nghiệp lớn làm đầu tầu bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Làm được điều này, Trung tâm khuyến công Vĩnh Phúc đã đón các nghệ nhân từ các làng nghề đan lát nổi tiếng như Khả Ðào (Hà Tây cũ) và làng nghề đan lát Ngọc Ðồng (Hà Nam) lên dạy nghề miễn phí cho 5.000 nông dân tại xã nghèo và miền núi.
Trung tâm còn chủ động tìm đến các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất mây tre đan trên địa bàn giải quyết việc làm cho các học viên. Nhiều học viên đã trở thành lực lượng lao động kỹ thuật nòng cốt giúp các doanh nghiệp, làng nghề nâng cao năng lực sản xuất, khôi phục và phát triển nghề mây tre đan truyền thống, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Nhiều xã trước đây là vùng trắng về nghề đan lát, nay đã khôi phục được làng nghề và phát triển mạnh, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn như xã Trung Kiên, xã Hồng Phương (Yên Lạc); xã Minh Quang, xã Hợp Châu (Tam Đảo); xã Triệu Đề, xã Cao Phong, xã Đồng ích (Lập Thạch)… Doanh thu dự kiến năm 2009 đạt 90 tỷ đồng.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành nghề này, thời gian tới Trung tâm Khuyến công Vĩnh Phúc quy hoạch vùng nguyên liệu chủ động sản xuất; Tiếp tục đào tạo nghề cho từ 4.000-6.000 lao động chủ yếu tại các xã chưa có nghề; Đầu tư áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong xử lý nguyên liệu, sảm phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời củng cố các thị trường xuất khẩu hiện có, phát triển các thị trường mới, tập trung các thị trường có nhiều triển vọng, mở rộng xuất khẩu. Tăng cường xúc tiến các hoạt động thương mại như: hội chợ, triển lãm, giới thiệu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp; tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tham quan, khảo sát nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, tham gia các hiệp hội ngành nghề./.
Đào An
Tin đã đăng