Ở thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc nghề mộc đã trở thành nghề chính, đóng góp trên 50 % tổng nguồn thu của địa phương, đưa thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng/năm.
 
      Theo các cụ cao niên, nghề mộc ở Thanh Lãng đã có cách đây vài trăm năm. Trước đây, Thanh Lãng còn gọi là 3 làng Láng (đó là Yên Lan, Hợp Lễ và Xuân Lãng). Tay nghề thợ Láng sánh với các làng nghề nổi tiếng như Đồng Kỵ, La Xuyên, Tràng Sơn...Kế thừa và phát huy những tinh hoa của các bậc tiền bối, Thanh Lãng luôn có đội ngũ thợ giỏi, có tay nghề vững vàng trong sản xuất, kinh doanh, tạo được công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Điển hình như Công ty Hải Âu tạo việc làm cho 15 công nhân, mỗi năm lãi từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Nhiều người không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu bằng chính bàn tay vàng của mình.
 
      Ông Nguyễn Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND thị trấn, kiêm Chủ tịch Hội nghề mộc Thanh Lãng cho biết: Nghề mộc Thanh Lãng đã phát triển mạnh những năm gần, thu hút gần 3.300 lao động, chiếm trên 51 % số lao động trong độ tuổi. Trong thị trấn có 478 hộ hộ gia đình trực tiếp đầu tư mở xưởng tại nhà thu hút 1.167 lao động; 56 hộ chuyên kinh doanh dịch vụ sản phẩm gỗ các loại và 18 hộ kinh doanh máy xẻ gỗ. Các hộ có vốn lớn đã đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất chế biến trị giá hàng tỷ đồng có thể đáp ứng được những hợp đồng có số lượng sản phẩm lớn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Đặc biệt, thị trấn đã có 9 công ty, doanh nghiệp đăng ký, kinh doanh nghề mộc có hiệu quả, mỗi doanh nghiệp tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. Ngoài ra, Thanh Lãng còn có khoảng 200 người mở xưởng ở các tỉnh như: Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nội...tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Sản phẩm mộc Thanh Lãng rất đa dạng và phong phú. Các nghệ nhân có thể làm đình, chùa, nhà thăng bằng kẻ chuyền cổ, với những miếng đao xó, hạ riệp, thiều châu trương nhĩ, hoa văn trạm trổ nổi; các loại đồ thờ như án gian, hoành phi câu đối, cuốn thư, ngai, ỷ; các đồ giả cổ như sập, tủ chè, bàn ghế mỹ nghệ và các sản phẩm đồ gia dụng trang trí nội thất. Năm 2007, riêng thu từ nghề mộc của thị trấn đã đạt 59,8 tỷ đồng, đến năm 2008, tăng lên 88,6 tỷ đồng, nâng mức thu nhập đầu bình quân thợ đạt 1,8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2009, Thanh Lãng phấn đấu thu từ nghề mộc đạt 100 tỷ, nâng thu nhập bình quân đầu thợ đạt gần 2 triệu đồng/người/tháng.
 
     Năm 2006, Thanh Lãng đã có 3 làng nghề mộc là: Yên Lan, Hợp Lễ và Xuân Lãng đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống và công nhận 3 thợ giỏi cấp tỉnh. Năm 2008, Thanh Lãng là một trong 7 làng nghề được công nhận làng nghề tiêu biểu của cả nước. Để nghề mộc truyền thống của Thanh Lãng ngày càng phát triển, hàng năm, thị trấn Thanh Lãng phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh mời các thợ giỏi tổ chức các lớp đào tạo, truyền nghề cho người dân; tư vấn về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm, nghiệp vụ kinh doanh. Bình quân một năm Thanh Lãng thu hút khoảng 300 người đến học nghề và làm nghề tại địa phương. Đặc biệt, Thanh Lãng luôn tạo môi trường thuận lợi cho các hộ sản xuất kinh doanh nghề mộc. Hiện thị trấn đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên tổng diện tích 8,2 ha đã được UBND huyện quy hoạch, tạo điều kiện cho các hộ gia đình thuê đất, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu các đơn đặt hàng lớn của khách hàng. Đến quý 3 năm 2009, khu công nghiệp làng nghề Thanh Lãng chính thức đi vào hoạt động, nghề mộc truyền thống nơi đây sẽ ngày càng phát triển./.
                                         Thu Hoàn