Từ nghề tái chế phế vải thành bông, người dân làng Gia, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) giàu lên nhanh chóng. Không ít người dân đã trở thành những tỷ phú có cỡ ngồi ôtô đời mới đi khắp nơi làm ăn.
 
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trập 81 tuổi kể: Nghề làm chăn bông ở làng Gia có tiếng từ trăm năm nay. Trước kia, đi khắp các đường làng ngõ xóm, ở đâu nghe tiếng “Ai bật bông, ai chăn bông” thì đó là người dân làng Gia. Đến khi nguồn bông khan hiếm, giá bông tăng đã đội giá sản phẩm lên cao, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Trong khi đó trên thị trường lại xuất hiện hàng loạt các sản phẩm cùng loại giá rẻ, đẹp, chăn bông làng Gia không cạnh tranh nổi, làm ăn khó khăn, nhiều người phải bỏ nghề.
 
Trong cái khó lại ló cái khôn, với suy nghĩ "bông làm ra vải, tại sao vải lại không làm ra bông", anh Nguyễn Văn Ngọc đã đi đầu sáng kiến biến phế vải thành bông. Anh Nguyễn Văn Ngọc đã tìm đến các công ty may mặc trên địa bàn mua vải vụn về tây trắng, phôi khô, rồi dùng dao chặt nhỏ tơi thành những sợi trắng như bông. Để tăng năng suất, anh Ngọc mua một số máy móc mầy mò nghiên cứu lắp ráp thành máy xé vải và đánh tơi sợi vải, tạo thành những sợi bông nhân tạo mềm, nhẹ phục vụ sản xuất. Từ sáng kiến này, mỗi tháng cơ sở tiêu thụ hàng chục tấn phế vải. Nguồn nguyên liệu được mua từ các nhà máy may trong các khu công nghiệp trong tỉnh các tỉnh lận cận như Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội…
 
Từ bông nhân tạo, hiện cơ sở sản xuất của gia đình anh đang sản xuất hàng loạt các sản phẩm như chăn, ga, gối, đệm, màn với nhiều mẫu mã đẹp, chủng loại phong phú, bền không thua kém sản phẩm của Hàn Quốc, Trung Quốc. Đặc biệt giá thành rất rẻ được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa dùng. Mỗi năm cơ sở sản xuất hàng triệu sản phẩm, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng. Hiện cơ sở đang giải quyết việc làm cho 40 lao động tại địa phương có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng. Dự kiến trong năm tới, cơ sở thành lập công ty TNHH, đồng thời đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Anh Nguyễn Văn Viện, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đồng cho biết: Nghề tái chế phế vải ở làng Gia đã làm thay đổi bộ mặt ở nông thôn. Toàn làng có 266 hộ, trong đó có 150 hộ làm nghề tái chế phế vải, doanh thu mỗi năm đạt trên trên 5.000 tỷ đồng, cao nhất trong số các làng nghề trên địa bàn, giải quyết việc làm cho hầu hết số lao động trong làng với mức thu nhập ổn định. Cả làng có tới 80% số hộ khá giàu trong làng là từ nghề làm bông, hộ nghèo chỉ còn khoảng 3% và không còn hộ đói.
 
Hiện xã đã quy hoạch 5 ha đất xây dựng cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung. Tỉnh cũng đưa ra nhiều cơ chế chính sách khuyến khích các làng nghề đầu tư phát triển như: Bố trí mặt bằng phù hợp với mục tiêu sản xuất, hỗ trợ tiền đền bù giải phóng mặt băng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các doanh nghiệp; miễn tiền thuê đất từ 2-3 năm đầu cho các doanh nghiệp mới thành lập; được vay vốn lãi suất thấp đầu tư đổi mới công nghệ. Hàng năm tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, khoa học, công nghệ cho các đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Lâm Đào An