Vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có tổng diện tích tự nhiên toàn vùng là 54.622,72km2, chiếm 16,49% diện tích tự nhiên của cả nước, có vị trí kinh tế - xã hội và quốc phòng đặc biệt quan trọng đối với cả nước nói chung và vùng Bắc Bộ nói riêng. Tính đến hết tháng 9/2010, toàn vùng có 314 khu, cụm, điểm công nghiệp đang hoạt động, 5.686 doanh nghiệp, cơ sở thuê 8.402 ha đất với tổng kinh phí đầu tư đạt hơn 110.524 tỷ đồng. Để phát huy hiệu quả đầu tư, hiện nay các địa phương đang lập kế hoạch cụ thể chuyển đổi, đánh giá việc quy hoạch, phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp.
Năm 2009, nền kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng sâu của khủng hoảng tài chính cộng với tình hình thời tiết không thuận cho sản xuất và dịch bệnh gia súc, gia cầm đã tác động làm ảnh hưởng lớn tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các cấp các ngành, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của hầu hết các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ tiếp tục đạt đà tăng trưởng ổn định tạo đà cho sự phục hồi năm 2010. Một số tỉnh có tốc độ tăng cao so với mức tăng chung của toàn vùng như: Bắc Ninh tăng 57,14%, Thái Bình tăng 41,18%, Ninh Bình tăng 37,7%, Vĩnh Phúc tăng 32,8%...
Để có được kết quả trên theo đánh giá của Cục Công nghiệp địa phương là nhờ làm tốt và hiệu quả nhiều hoạt động quản lý, xúc tiến trong đó có những đóng góp của công tác khuyến công. Theo báo cáo của Cục, tổng kinh phí khuyến công 9 tháng đầu năm 2010 thực hiện ước đạt 29.886 triệu đồng, bằng 49,8% kế hoạch năm. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia ước đạt 13.879 triệu đồng và kinh phí khuyến công địa phương ước đạt 16.008 triệu đồng. Chú trọng phát triển công nghiệp nông thôn và hỗ trợ thực hiện tốt các chương trình, đề án khuyến công, thành phố Hà Nội đã đạt số kinh phí khuyến công lớn nhất 6.834 triệu đồng. Tiếp đến là một số tỉnh như: Nam Định 5.000 triệu đồng, Nghệ An 4.200 triệu đồng, Thanh Hóa 3.410 triệu đồng...
Cùng với công tác khuyến công, hoạt động xúc tiến thương mại và công tác quản lý thị trường đã diễn ra rất sôi động và đạt những hiệu quả tích cực, góp phần ổn định giá cả thị trường, chỉ số giá không bị biến động lớn. Toàn vùng hiện có 2.507 HTX; 2.697 chợ hoạt động hiệu quả; đang tích cực triển khai quy hoạch mạng lưới chợ trung tâm, chợ đầu mối, mạng lưới bán lẻ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội 9 tháng đầu năm 2010 của toàn vùng ước đạt 349.784 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 91,88% kế hoạch năm. 3 tháng còn lại, các doanh nghiệp sẽ tăng cường các hoạt động bán hàng nhân dịp tết và các ngày lễ lớn. Vì vậy việc hoàn thành kế hoạch bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là rất khả quan. Hiện nay, các tỉnh tập trung theo dõi giá cả các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá, thực hiện khá hiệu quả chương trình “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của hội nghị, sản xuất công nghiệp trong vùng có tốc độ tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững, chưa xứng với với tiềm năng. Việc đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu cụm công nghiệp chưa đạt yêu cầu. Tình trạng vi phạm nhãn mác hàng hóa, gian lận thương mại... chưa có chiều hướng giảm. Khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ còn khó khăn... Hội nghị đã thống nhất mục tiêu cho những tháng cuối năm 2010 là: giá trị sản xuất công nghiệp đạt 90.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,128 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu này, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt 9 nhóm giải pháp bao gồm: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tăng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, hạn chế nhập siêu; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch quan tâm quy hoạch vùng để phát huy lợi thế từng tỉnh, thành phố; tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại, hoàn thành tốt kế hoạch khuyến công năm 2010; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quản lý tốt thị trường trong nước, chống buôn lậu và gian lận thương mại; đổi mới và tăng cường hoạt động quản lý nhà nước; Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về điện năng, khoa học công nghệ, vật liệu nổ công nghiệp.
Việt Nga